Hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm huyện Gia Lâm
(LĐXH) - Những năm qua, việc triển khai thực hiện Chương trình vốn vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội đã và đang đóng vai trò hỗ trợ đắc lực trong việc giải quyết nhu cầu việc cho người lao động tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, giúp nhiều người có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.
Để giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động trong các nhóm ngành nghề, nhất là nông lâm nghiệp, huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các xã, thị trấn trong huyện phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, nhất là vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.
Kể từ khi chương trình vốn vay giải quyết việc làm được thực hiện đến nay đã giúp cho nhiều gia đình ở Gia Lâm ổn định phát triển kinh tế, nhất là những hộ có sức lao động nhưng thiếu vốn.
Hộ anh Nguyễn Quốc Tuyển ở khu 2, xã Ninh Hiệp là một trong số đó. Năm 2015 đang lúc khó khăn về vốn phát triển phát triển sản xuất, anh Tuyển đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Quỹ Quố gia GQVL . Với số tiền này anh đầu tư mở rộng xưởng sản xuất đồ gỗ của gia đình, mua thêm máy xẻ, máy bào, tuyển thêm lao động phụ giúp, nâng công suất sản xuất từ vài chục sản phẩm mộc dân dụng lên trên 100 sản phẩm/năm.
Sau 3 năm anh đã trả hết vốn vay, đến nay hoạt động sản xuất của gia đình đã mở rộng ra nhiều ngành nghề khác ngoài xưởng mộc như: Sản xuất gạch không nung, làm khung nhôm cửa kính, dịch vụ giải khát... tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập bình quân 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, tổng doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Nếu như hộ anh Tuyển vay vốn đầu tư phát triển ngành nghề thì hộ bà Nguyễn Thị Thu ở xã Lệ Chi vay vốn từ Quỹ quốc gia để phát triển chăn nuôi, với số vay 40 triệu đồng bà Thu đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản.
Trao đổi với phóng viên, bà Thu cho biết “Nhờ có vốn vay GQVL nên những khó khăn do thiếu vốn đầu tư ban đầu đã được khắc phục, đàn trâu bò của gia đình tôi sinh trưởng, phát triển tốt, cứ đà này chỉ trong khoảng 2 năm là tôi có thể thu hồi vốn, trả nợ và có chút ít tích lũy để tái đầu tư cho sản xuất”.
Có dịp đi tìm hiểu thực tế hiệu quả vốn vay của chương trình GQVL ở các xã Ninh Hiệp, Lệ Chi và một số địa phương khác của huyện Gaia Lâm chúng tôi đều nhận thấy sự hồ hởi, phấn khởi của người dân khi nói về hiệu quả chương trình, bởi nhờ lãi suất vay ưu đãi, thời gian vay trung hạn đã giúp cho các hộ có điều kiện thuận lợi trong đầu tư cho sản xuất nhất là trong giai đoạn khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm mới cho hàng trăm lao động/năm.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH huyện Gia Lâm, tính đến 30/6/2017, tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng là 252,376 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương 192,221 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách địa phương 60,155 tỷ đồng; khai thác nguồn vốn từ việc tiếp nhận tiền gửi của các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn, nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân tại điểm giao dịch xã và gửi tiết kiệm từ dân cư tại trụ sở hơn 16 tỷ đồng.
Hiệu quả từ chương trình cho vay GQVL dù được đánh giá cao song thực tế vẫn còn nhiều trăn trở. Đó là nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế, hàng năm ngân sách Nhà nước bổ sung cho nguồn vốn này rất ít, chủ yếu quay vòng vốn cũ trong khi nhu cầu vay vốn trên thực tế của người dân rất lớn nên chưa đáp ứng được việc vay vốn của đại bộ phận dân cư, nhất là trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ như hiện nay.
Bên cạnh đó mức cho vay trên một hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh tuy đã được điều chỉnh song theo nhiều hộ dân phản ánh thì vẫn còn thấp so với thực tế nhu cầu vốn đầu tư của các hộ, nhất là những hộ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Từ thực tế trên, ông Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: Trong thời gian tới, mong rằng các cấp chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ, bổ sung nguồn vốn cho chương trình GQVL để các địa phương, trong đó có huyện Gia Lâm thực hiện tốt mục tiêu tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân nhất là khu vực nông thôn.
N.K
TAG: