An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hiệu quả của nguồn vốn chính sách xã hội ở Thanh Trì
06:07 PM 28/10/2021
(LĐXH) - Thời gian qua, huyện Thanh Trì đã giúp nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn huyện tiếp cận vay vốn tín dụng chính sách xã hội. Từ nguồn vốn này, hàng nghìn hộ nông dân của huyện đã phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thanh Trì luôn đồng hành và giúp hội viên hội phụ nữ thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội duy trì, phát triển sản phẩm bánh chưng, bánh dày của làng nghề.
Duyên Hà nằm ở phía nam huyện Thanh Trì, là một xã vùng bãi ven sông Hồng, có 4 thôn, với tổng diện tích đất tự nhiên là 276,37ha, dân số là 1.867 hộ với 6.266 nhân khẩu. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và có một làng nghề chuyên sản xuất bánh chưng, bánh dày được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống.
Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc khởi sắc nhờ vốn vay chính sách xã hội
Đối với làng nghề truyền thống Hà nội chuyên sản xuất bánh chưng, bánh dày, trong những năm gần đây, kinh tế ngày một phát triển do nhu cầu sử dụng bánh ngày càng tăng cao. Từ thời gian trước, bánh chưng chỉ xuất hiện trong ngày Tết cổ truyền. Nhưng giờ đây, bánh chưng, bánh dày được xuất hiện hàng ngày khắp nơi trên phố thị, trong những mâm cỗ, tiệc quanh năm…. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân làng nghề được phát triển.
Để phát triển kinh tế được như ngày hôm nay, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Thanh Trì luôn đồng hành cùng bà con. Tổng số vốn tín dụng chính sách của hội viên hội phụ nữ thôn Tranh Khúc đang vay là 1,6 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách được các hộ gia đình vay để đầu tư mua thêm nồi hơi luộc bánh bằng điện, giúp bánh chín rền, và người làm bánh không phải tất bật trông nồi bánh như xưa; có thêm vốn để thanh toán cho các chuyến nguyên liệu đậu, gạo.
Nhiều gia đình vay vốn tín dụng chính sách làm bánh chưng, bánh dày trong thôn đã có cuộc sống ổn định, khá giả. Trong đó, phải kể đến gia đình chị Nguyễn Thị Dạp, được bình xét vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện. Với số tiền đó, chị đã mua sắm dụng cụ, nguyên liệu cần thiết để làm bánh chưng, bánh dày. Lúc đầu chưa có mối bán hàng, chị Dạp chỉ làm ít vào những ngày lễ, tết, rằm, mùng 1 hàng tháng để mang ra chợ bán. Qua thời gian, mối hàng của gia đình chị ngày càng nhiều. Hiện nay, ngày thường, mỗi ngày chị Dạp làm khoảng 50 chiếc bánh, vào ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, mỗi ngày chị làm khoảng 200 chiếc bánh. Trung bình mỗi tháng chị thu nhập khoảng trên chục triệu đồng. Với số tiền thu được hàng tháng, chị đã yên tâm ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Thanh Trì đã quan tâm giải ngân nguồn vốn, giúp hội viên phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh, góp phần tích cực cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện thực hiện mục tiêu kép “Vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19”, 6 tháng đầu năm 2021, Hội nông dân huyện Thanh trì đã đẩy mạnh hoạt động giải ngân nguồn vốn, thành lập các Tổ hội nghề nghiệp nhằm hỗ trợ hội viên thúc đẩy sản xuất trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Toàn Huyện đã ra mắt 5 tổ hợp tác xã; 02 chi hội nghề nghiệp và 22 tổ hội nghề nghiệp với 420 thành viên tập trung vào các ngành nghề nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ, trồng rau an toàn, trồng hoa lan tại các xã Tứ Hiệp, Duyên Hà, Vạn Phúc, Liên Ninh...Mỗi tổ hội nghề nghiệp có từ 10 -15 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt, được cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh việc được hỗ trợ nguồn vốn vay, các Tổ hội nghề nghiệp cũng được Hội nông dân huyện hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở rộng mô hình, định hướng hình thành chuỗi sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững.
Tính đến tháng 6/2021, Hội đang quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân nguồn Thành phố 2.920 triệu đồng;  quản lý quỹ Hỗ trợ nông dân xã là 3.326 triệu đồng. Đã triển khai cho vay quay vòng 8.579 triệu đồng, với 27 dự án giúp 378 hộ vay. Tổng dư nợ các nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân 3 cấp là 29.855 triệu đồng, với 1.252  hộ vay ở 133 dự án.
Mô hình trồng rau sạch của nông dân huyện Thanh Trì
Ngoài nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội nông dân Thanh trì còn tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để giải ngân nguồn vốn vay 11.980 triệu đồng giúp 172 hộ hội viên có thêm nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất. Đến nay, 16/16 cơ sở Hội nông dân huyện đều được tiếp cận nguồn vốn vay 2 kênh Ngân hàng này. Nguồn vốn vay đều sử dụng đúng mục đích và đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ vay.
​Các hoạt động vay vốn, thành lập các Tổ hội nghề nghiệp đã và đang giúp Nông dân trong huyện tích cực thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện.
Từng là hộ nghèo ở xã Tả Thanh Oai, gia đình ông Nguyễn Văn Muộn loay hoay vì không có vốn để đầu tư cho sản xuất nhằm phá thế thoát nghèo. Nhưng cơ hội đã đến khi gia đình ông được Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Thanh Trì cho vay vốn phát triển kinh tế. "Từ số vốn vay ban đầu 30 triệu đồng, rồi tăng dần từng năm, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi đa canh. Đến nay, gia đình đã phát triển khu chăn nuôi rộng 6,8ha với giá trị thu nhập hàng tỷ đồng/năm” - ông Nguyễn Văn Muộn cho biết.
Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng CSXH huyện Thanh Trì đã góp phần quan trọng, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương./.
Minh Cảnh
 
TAG:
Tin khác
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ