Hiệu quả Chương trình nâng hạn mức cho vay hộ nghèo ở Phú Thọ
(LĐXH)- Chương trình nâng mức cho vay và thời gian vay cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào tiến trình giảm nghèo bền vững.
Hộ nghèo là một trong những đối tượng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần. Cùng với các chính sách an sinh xã hội, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo phát triển sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện và nâng cao mức sống của người dân. Từ ngày 1/3/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ không phải bảo đảm tiền vay, nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng để phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn, đã tạo cơ hội tốt cho người nghèo vươn lên.
Cán bộ Ngân hàng CSXH đến các điểm giao dịch giải ngân cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Cùng là đối tượng hộ nghèo trên địa bàn xã Cự Đồng (huyện Thanh Sơn), anh Đinh Xuân Điệp ở khu Liên Đồng đã có nhiều nỗ lực để vươn lên thoát nghèo, được chính quyền và người dân ghi nhận. Anh Điệp chia sẻ: Ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng thì không thể thoát nghèo. Trong lúc khó khăn, tôi được tổ vay vốn - tiết kiệm của Hội Nông dân xã hướng dẫn các thủ tục để được vay vốn của Ngân hàng chính sách. Từ nguồn vốn này, tôi mua bò sinh sản, chăn nuôi và phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn (huyện Thanh Sơn) cho biết: Đến nay, bà con không những sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi hiệu quả mà còn hướng tới đầu tư những dự án kinh tế lớn. Đối với những xã miền núi như Yên Sơn, phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi gia súc đang là chủ lực. Vì thế, bà con vừa cần vốn lớn vừa cần thời gian vay dài để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế dài hơi.
Được biết, huyện Lâm Thao cũng là một trong những địa phương tích cực triển khai Chương trình nâng hạn mức cho vay hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Đến nay, toàn huyện có hơn 200 hộ được nâng hạn mức với tổng dư nợ trên 13 tỷ đồng, mức dư nợ bình quân 72 triệu đồng/hộ. Anh Nguyễn Văn Tâm ở khu Đại Tụ, xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao), tâm sự: Nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn vay ưu đãi, năm 2016, gia đình đã thoát nghèo. Sau đó, gia đình tiếp tục được vay theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư nuôi trồng thủy sản và gia cầm. Khi có chủ trương nâng hạn mức, ngân hàng đã tạo điều kiện cho gia đình được vay lên 100 triệu đồng. Việc tăng hạn mức và thời gian cho vay là một sự động viên, khích lệ lớn đối với gia đình để yên tâm tái đầu tư với quy mô lớn hơn. Hiện gia đình đã mở rộng khu nuôi gần 4ha với 3 ao nuôi và thả gần 1 nghìn con gia cầm.
Chị Nguyễn Thị Hằng ở khu 2, xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) được vay ưu đãi dành cho hộ mới thoát nghèo để phát triển kinh tế
Như vậy, việc nâng mức cho vay và thời gian cho vay tối đa sẽ đem lại lợi ích nhiều mặt cho bà con, trong đó điều đáng quan tâm là giảm bớt được gánh nặng lãi suất cao khi phải vay từ nguồn tín dụng “đen”.
Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo của Ngân hàng CSXH gần 2.400 tỷ đồng, chiếm 53%/tổng dư nợ các chương trình tín dụng đang triển khai trên địa bàn tỉnh với gần 55.000 hộ còn dư nợ. Trong đó, số hộ được nâng hạn mức cho vay trên 3.700 hộ với dư nợ trên 220 tỷ, mức bình quân mà đối tượng được hưởng khoảng 60 triệu đồng/hộ.
Chí Tâm
TAG: