Hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn xã Cổ Đông
(LĐXH) - Cổ Đông là một xã thuộc vùng đất đồi gò cách trung tâm thị xã Sơn Tây (Hà Nội) 12 km về phía Nam, có diện tích đất tự nhiên 2.600ha, 4.060 hộ gia đình với trên 14.000 nhân khẩu sống tập trung theo 14 thôn dân cư, trong đó có trên 80% hộ gia đình trực tiếp làm nông nghiệp, số còn lại làm dịch vụ và buôn bán nhỏ lẻ. Xã không có nghề phụ nên đời sống của đa số gia đình gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguồn vốn đầu tư cho chăn nuôi sản xuất còn thiếu.
Trong những năm qua, được sự giúp đỡ của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Sơn Tây, của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nên công tác giảm nghèo, tạo việc làm, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn xã Cổ Đông đã có nhiều kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, hàng năm, ngay từ đầu năm, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Cổ Đông đã xác định công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của địa phưuơng. Đảng ủy, HĐND xã Cổ Đông đã có nghị quyết về công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và đề ra mục tiêu giảm hộ nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp của lao động hàng năm. Công tác bình xét hộ nghèo và hộ thoát nghèo đều được công khai tại các thôn, đảm bảo dân chủ, công bằng và đều đảm bảo số hộ thoát nghèo theo chỉ tiêu kế hoạch thị xã giao.
Đặc biệt, hằng năm, khi có thay đổi về nhân sự, Ban trợ giúp người nghèo xã Cổ Đồng đều được kiện toàn kịp thời, đúng thành phần và cơ cấu. Đến nay, Ban có 27 thành viên do đồng chí Phó CHủ tịch UBND xã làm trưởng ban, các thành viên đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức kinh tế xã hội và các trưởng thôn. Ban chỉ đạo đã phân công các thành viên là trưởng thôn nắm bắt tình hình và tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo tại địa bàn mình phụ trách, đảm bảo các hộ nghèo và đối tượng chính đủ điều kiện đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi.
Thông qua vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm, người dân trong xã Cổ Đông mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như trồng rau an toàn, gấc, bưởi, cây cảnh.
Thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương, trong 15 năm qua, UBND xã đã chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và Vay vốn thực hiện nghiêm túc công tác bình xét cho vay có sự tham gia chứng kiến của trưởng thôn và Hội đoàn thể nhận ủy thác, đảm bảo, công khai, dân chủ, đúng đối tượng. Đặc biệt, Đảng ủy, UBND xã thường xuyên chỉ đạo Ban trợ giúp người nghèo xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm, đưa công tác tín dụng chính sách là một nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm giúp người dân, đặc biệt là người nghèo có vốn làm ăn, tự tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo. Đối với các món nợ tồn đọng, Ban trợ giúp người nghèo xã phối hợp chặt chẽ với ngân hàng, kiểm tra phân tích cụ thể từng món vay để có biện pháp và kế hoạch cụ thể đôn đốc thu hồi nợ.
Kết quả, trong 15 năm qua, UBND xã đã chỉ đạo các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn cùng các hội đoàn thể tham gia ủy thác trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cho hơn 2.750 lượt hộ vay vốn tín dụng ưu đãi với số tiền gần 56 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình đến 31/8/2017 là: 22.226 triệu đồng với 1.268 hộ vay có dư nợ tại 27 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, cụ thể: Dư nợ cho vay hộ nghèo 1.491 triệu đồng, cho vay hộ cận nghèo 1.060 triệu đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo 1.930 triệu đồng, cho vay giải quyết việc làm 5.199 triệu đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường thông thôn 11.828 triệu đồng, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 470 triệu đồng, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở 48 triệu đồng, đến nay toàn xã không có nợ quá hạn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giải nhân qua Ngân hàng Chính sách xã hội trong 15 năm qua đã giúp cho 868 lượt hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho 1.550 lao động làm việc tại chỗ và giúp hàng trăm học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có tiền trang trải chi phí học tập; từ đó góp phần ổn định tình hình trật tự ở địa phương, giảm được tệ nạn xã hội, đưa đời sống kinh tế, văn hóa ở địa phương ngày càng ổn định và phát triển. Các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả. Thu nhập ngày càng tăng, đời sống hộ nghèo được nâng lên, nhiều hộ đã mua sắm được nhưng thiết bị đồ dùng gia đình từ nguồn sinh lời của đồng vốn vay ngân hàng để phục vụ sản xuất, làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh những kết quả đạt, hoạt động tín dụng chính sách tại xã Cổ Đông vẫn còn một số khó khăn đó là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm vẫn còn hạn chế trong khi nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm tại địa phương còn rất lớn. Vì vậy, xã đề nghị UBND thành phố, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đối với địa phương, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống./.
Mỹ Hạnh
TAG: