Hà Nội: Triển khai các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu về BHYH, BHYT
(LĐXH) - Theo báo cáo của BHXH thành phố Hà Nội, tính đến cuối tháng 3/2021, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,2%; Số người tham gia BHYT là 7.246.352 người, tăng 7.258 người so với năm 2020; Số người tham BHXH bắt buộc là 1.807.648 người, tăng 10.073 người so với năm 2020, chiếm 37,1% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Số người tham bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 1.743.113 người, tăng 10.335 người so với năm 2020, chiếm 35,8% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 48.725 người, tăng 51 người so với tháng 12/2020 chiếm 0,82% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến ngày 25/3/2021, tổng số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN là 9.636,4 tỷ đồng, đạt 18,52% so với kế hoạch (giảm 2,62% tỷ lệ thu theo kế hoạch so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng giảm 314,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020).
Đến tháng 3/2021, có 78.808 đơn vị nợ với tổng số tiền nợ BHXH, BHYT tính đến nay là 5.636,1 tỷ đồng, chiếm 10,66% tổng số phải thu, tăng 1.214,4 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2020 (Nếu tính nợ BHXH phải tính lãi thì số tiền nợ là 1.904,9 tỷ đồng, tăng 598,3 tỷ đồng so với năm 2020).
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị
Thời gian qua, BHXH thành phố phối hợp cùng Bưu điện, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 3, 4/2021 cho 587.577 người kịp thời, an toàn. Tổng số tiền chi lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 1, 2/2021 và tháng 3, 4 trong 2 đợt chi trả là 14.953,8 tỷ đồng. Cũng trong 3 tháng đầu năm 2021, thực hiện giải quyết các chế độ BHXH, BHTN cho 208.712 lượt đối tượng với số tiền 1.661,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, BHXH thành phố ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT với 185 cơ sở KCB từ tuyến Trung ương đến tuyến y tế cơ sở có đủ điều kiện để tổ chức công tác KCB, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trong đó, có 25 bệnh viện tuyến Trung ương; 47 bệnh viện tuyến TP; 113 cơ sở y tế tuyến huyện, xã. Tại 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã có 484/579 trạm y tế xã tham gia KCB BHYT. Như vậy, đến nay, trên địa bàn TP có 696 điểm KCB BHYT. Trong 3 tháng đầu năm 2021, có 2.345.530 lượt người KCB BHYT với chi phí KCB BHYT đề nghị thanh toán là 3.727 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chử Xuân Dũng, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, về tình trạng trốn đóng BHXH, nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc pháp luật về BHXH, chưa tham gia BHXH hoặc tham gia BHXH nhưng tham gia không đầy đủ cho người lao động. Số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp. Tỷ lệ nợ BHXH tăng cao ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động. Việc chỉ định sử dụng thuốc, xét nghiệm tại một số cơ sở KCB chưa phù hợp với tình trạng bệnh, chưa thực hành tiết kiệm cho người bệnh và quỹ BHYT, dẫn đến vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về BHXH, BHYT năm 2021, UBND TP đề nghị các đơn vị, thành viên Ban Chỉ đạo của thành phố, quận, huyện, thị xã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc 7 giải pháp.
Trong đó, các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhiều giải pháp tại các Kế hoạch của UBND thành phố đã ban hành và tiếp tục phối hợp hiệu quả, trách nhiệm giữa sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về BHXH, BHYT được HĐND thành phố giao năm 2021. Đơn cử như tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,5% dân số. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 39%. Tỷ lệ lao động tham gia BHTN trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 37%. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 1%.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đơn vị tập trung chỉ đạo tăng số người tham gia BHXH, BHYT. Đặc biệt các đơn vị thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT, BHTN. “Công an thành phố chỉ đạo Công an huyện điều tra, xác minh, khởi tố những đơn vị, DN cố tình nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, phối hợp với VKSND, TAND khẩn trương đưa ra truy tố, xét xử án điểm để răn đe, ngăn chặn đối với những DN cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động” - Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ rõ.
Cùng với đó, các đơn vị quản lý sử dụng hiệu quả Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Trong đó, Sở Y tế Hà Nội tập trung nâng cao chất lượng KCB nhất là tuyến y tế cơ sở để phục vụ Nhân dân. BHXH thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và cơ quan có liên quan thực hiện quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT và dự toán chi phí KCB BHYT được giao, thực hiện tạm ứng kinh phí KCB BHYT đúng quy định.
Các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đạt 100%, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia BHXH, BHYT đăng ký tài khoản giao dịch điện tử đối với cá nhân, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID- BHXH số, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao.
“Việc thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo trật tự xã hội, an sinh xã hội. Do vậy, Ban Chỉ đạo yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ thực hiện quyết liệt các biện pháp, giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu HĐND, UBND TP giao và bảo vệ quyền lợi của người lao động trên địa bàn Thủ đô” - Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.
Khánh Quyên
TAG: