Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ
(LĐXH)- Thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động trong xã hội.
Thành phố đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia bình đẳng vào các hoạt động
Trong năm 2022, Sở Lao động - TBXH đã tham mưu UBND Thành phố ban hành các kế hoạch và triển khai công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2022 và thực hiện các Chương trình, Đề án giai đoạn 2022-2025.
Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, các sở, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiện công tác bình đẳng giới phù hợp với tình hình thực tế; đến nay 100% đơn vị có Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ; 100% các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
Sở Lao động -TBXH cũng đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và các đơn vị thuộc Sở thực hiện hoạt động truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030. Trong năm 2022 có 08 bài viết tuyên truyền trên Báo Phụ nữ Thủ đô; nhân bản 30.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức 20 cuộc tập huấn. Trong Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cấp Thành phố năm 2022, lãnh đạo Thành phố đã trao tặng 100 suất quà cho 100 chị em phụ nữ hoàn cảnh khó khăn có trẻ em vượt khó học tốt. Lễ phát động thực sự là một chiến dịch truyền thông sâu, rộng nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở trong công tác bình đẳng giới nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em nói riêng.
Nhìn chung, công tác bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố; bình đẳng giới ngày càng thực chất hơn, vai trò và địa vị của phụ nữ được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, tại các cơ quan, tổ chức hành chính của Thành phố, số lượng cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp Thành phố là 255/838, tỉ lệ 30,4%; cấp huyện là 403/1.138, tỉ lệ 35,4% với 10/30 UBND quận, huyện, thị xã có lãnh đạo chủ chốt là nữ; cấp xã là 214/1.329, tỉ lệ 15,4% với 95/579 UBND xã, phường, thị trấn có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là: Cấp thành phố 25,5% (tăng so với nhiệm kỳ 2016-2021 là 2,4%); Cấp huyện 33,3% (tăng so với nhiệm kỳ 2016-2021 là 3,3%); Cấp xã 39,7% (tăng so với nhiệm kỳ 2016-2021 là 11,2%).
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, Sở Lao động - TBXH tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025, Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, Chương trình tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030. Truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vai trò, vị trí, tiềm năng của phụ nữ trong thời kỳ mới; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách.
Xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, mô hình vườn ươm doanh nhân nữ nhằm hỗ trợ phụ nữ kinh doanh, tự chủ tài chính; phát triển mô hình chuỗi giá trị sản phẩm do nữ làm chủ; mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại địa phương. Thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dự án, mô hình theo hướng dẫn của Bộ Lao động- TBXH về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới./.
Hồng Phượng
TAG: