Hà Nội thúc đẩy thị trường lao động thông qua các sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh
(LĐXH)- Thời gian qua, hoạt động của hệ thống sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh ở Hà Nội đã góp phần cung cấp thông tin về thị trường, kết nối cung cầu, thúc đẩy sự phát triển thị trường lao động trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội) có 05 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các huyện, bao gồm: Đông Anh, tinh Ba Vì, Phú Xuyên, Đan Phượng và Thạch Thất; 08 Điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện, gồm: Sóc Sơn, Long Biên, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức, Ứng Hòa và Thường Tín.
Trong năm 2021, các sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã thu thập vị trí việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của 4.531 doanh nghiệp với 74.502 chỉ tiêu. Thu thập thông tin của người lao động có nhu cầu tư vấn cung cấp thông tin thị trường lao động 38.643 người.
Người lao động tìm kiếm cơ hội tại phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Ba Vì (Hà Nội)
Trong 7 tháng năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức; chỉ đạo các các sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh phối hợp tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm với 633 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Trong đó, tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 10.421 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 4.910 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 1.931 lao động…
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh của Trung tâm ở các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đông Anh, Ba Vì, Mê Linh, Gia Lâm đạt kết quả rất tốt. Tại huyện Gia Lâm và huyện Đông Anh, số lượng người lao động tham gia tuyển dụng tại chỗ khá đông. Còn ở huyện Ba Vì, người lao động đặc biệt quan tâm đến chỉ tiêu tuyển dụng của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động…
Cùng với các phiên lưu động, tính chuyên nghiệp và chất lượng của các phiên giao dịch việc làm không ngừng được nâng cao, thông qua việc kết hợp nhiều hình thức tổ chức, như: định kỳ, chuyên đề, lồng ghép, trực tuyến… Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn.
Phó Giám đốc Vũ Quang Thành, trao đổi: Việc hoàn thành hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội, với sàn trung tâm tại 215 Trung Kính kết nối với các sàn, điểm vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã đã giúp hoạt động giao dịch việc làm trên địa bàn được tổ chức thống nhất, đồng bộ và có vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường lao động. Đây thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, góp phần thực hiện tốt việc ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động giới thiệu việc làm bất hợp pháp, xâm hại lợi ích của người lao động. Cách làm này sẽ đặc biệt được chú trọng trong thời gian tới để đóng góp hiệu quả nhất vào việc phát triển bền vững thị trường lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, nhận xét: Sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng như tại các sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh của Trung tâm thực sự là một trong các nhân tố quan trọng giúp giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận. Đặc biệt, hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội đã góp phần cung cấp thông tin về thị trường, kết nối cung cầu, thúc đẩy sự phát triển thị trường lao động của Thủ đô. Trong 7 tháng năm 2022, thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 137.300 lao động, đạt 85,8% kế hoạch năm, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu tốt cho thị trường lao động Thủ đô tiếp tục phục hồi, phát triển hậu đại dịch Covid-19.
Chí Tâm
TAG: