Hà Nội: Nâng cao năng lực quản trị theo hướng tự chủ tại các trường nghề công lập
(LĐXH) - Việc nâng cao quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP được xem là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tế. Thực hiện tốt chính sách này, sẽ tạo động lực và thúc đẩy sự phát triển của việc cung cấp sản phẩm dịch vụ công, góp phần phục vụ nhu cầu của người dân, thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị cung cấp dịch vụ công hoàn thiện chất lượng dịch vụ cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, thu hút nguồn thu, đảm bảo phát triển bền vững, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước (NSNN).
Đồng thời, cơ chế tự chủ Tài chính đem lại cơ chế tiền lương được khuyến khích theo hướng tiếp cận với các doanh nghiệp. Các đơn đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ được hưởng mức lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp, trên tinh thần khuyến khích các đơn vị sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để tăng thu nhập cho viên chức và người lao động.
Thực trạng tự chủ Tài chính tại các trường nghề ở Hà Nội.
Từ khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính (2021), các trường TCN công lập trực thuộc Sở LĐ-TB&XH Thành phố Hà Nội đã chủ động sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (học phí cấp bù) hiệu quả hơn để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, chủ động sử dụng tài sản, nguồn lực để phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, tìm kiếm hợp tác, liên doanh liên kết để tăng nguồn thu. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ Giáo viên đã trưởng thành, năng động, sáng tạo và có tư duy về đào tạo nguồn nhân lực theo cơ chế thị trường tốt hơn. Mỗi cá nhân đều ý thức được rằng việc tự chủ là rất quan trọng, đổi mới tư duy đào tạo theo hướng mở, chủ động đẩy mạnh hợp tác, liên kết đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm thực hành, khai thác tốt cơ sở vật chất hiện có. Các đơn vị đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp thực tiễn để tăng cường công tác quản lý trong nội bộ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, do vậy, nhiều đơn vị đã tiết kiệm chi thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sự nghiệp.
Mặc dù đã góp phần mang lại những tác động tích cực, tuy nhiên hiện nay, một số văn bản ban hành đang có xu hướng quay lại cơ chế cũ, không quy định cơ chế tự chủ riêng cho từng lĩnh vực có đặc thù riêng như GDNN, hoặc chỉ quan tâm tự chủ tài chính mà không quan tâm đồng bộ hóa các quy định pháp luật để có thể tự chủ toàn diện cả về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự. Có thể thấy rõ điều đó trong các Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Do vậy, tình trạng Viên chức có năng lực rời bỏ đơn vị SNCL để làm việc cho khu vực tư nhân hoặc FDI, nhiều người tuy vẫn giữ biên chế nhà nước nhưng không chuyên tâm làm việc mà dành nhiều thời gian đi làm thuê cho cơ quan khác và doanh nghiệp để có thu nhập, dẫn đến các hoạt động ở các đơn vị SNCL ngày càng kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, chưa có hệ thống quản trị về tự chủ và hệ thống pháp luật chưa đồng bộ nên việc thực hiện tự chủ của các đơn vị mang lại hiệu quả chưa cao. Mặt khác, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị SNCL là nguồn thu sự nghiệp còn thấp, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn cấp bù học phí của NSNN, chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá, chưa thực sự đồng bộ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ
Việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết đối với các đơn vị SNCL còn rất chậm, dẫn đến hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công trong việc liên doanh, liên kết… để tăng thêm nguồn thu sự nghiệp cho đơn vị còn ít, hiệu quả chưa cao. Một số nơi nhà trường còn lúng túng, chưa thực sự năng động, sáng tạo trong việc khai thác, phát huy các nguồn lực về đất đai, cơ sở vật chất, con người, tài chính của đơn vị để mở rộng, đa dạng hoạt động đào tạo và liên doanh, liên kết để nâng cao hiệu quả thu sự nghiệp.
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cũng như các Nghị định trước đây giao quyền cho đơn vị sự nghiệp được sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp để mua sắm, tăng cường trang thiết bị đổi mới kỹ thuật để nâng cao năng lực. Tuy nhiên, dù có sử dụng quỹ PTSN hay nguồn do NSNN cấp thì các Nhà trường vẫn phải thực hiện mua sắm theo danh mục thiết bị tối thiểu được quy định tại TT26;TT27 của BTC, gây rất nhiều khó khăn cho các đơn vị.
Hiểu một cách đơn giản, cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm là hệ thống chính sách cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được tự quyết định hoạt động của mình trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường và tiệm cận với thông lệ quốc tế. Nội hàm của cơ chế tự chủ bao gồm tự chủ trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ; tự chủ về tổ chức bộ máy và biên chế; tự chủ về tài chính, tài sản. Ba nội dung tự chủ này có quan hệ hữu cơ, không thể tách rời, trong đó tự chủ về tài chính là quan trọng nhất, nếu không được tự chủ thực sự về tài chính thì các nội dung tự chủ khác chỉ là hình thức và không còn ý nghĩa. Chính vì vậy, để nâng cao năng lực quản trị theo hướng tự chủ trong lĩnh vực tài chính, tài sản của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tác giả xin đề xuất một số kiến nghị-giải pháp sau:
Đối với các yếu tố khách quan:
Một là: Cần có sự đồng bộ của pháp luật và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến cơ chế tự chủ, nhất là các luật về ngân sách Nhà nước, đất đai, thuế, quản lý tài sản công, và luật viên chức,…
Hai là: Khi đóng cánh cửa cấp ngân sách chi thường xuyên thì nhà Nước phải mở cơ hội khác cho các đơn vị sự nghiệp công lập để có nguồn thu duy trì hoạt động. Đó phải là cơ hội về cung cấp dịch vụ, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh và hợp tác quốc tế.… Như vậy, chi đầu tư phải được coi là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng phải đổi mới, tăng cường hỗ trợ chi đầu tư cho các Nhà trường một cách đồng bộ. Về XDCB phải đầy đủ phòng học; Xưởng thực hành; Khu giáo dục thể chất… giống như việc giao cái cần câu phải đủ tốt, đủ bền, đủ mồi câu cho người thực hiện.
Ba là: Về trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, các Nhà trường phải được lựa chọn danh mục thiết bị phù hợp với sự phát triển của KHCN, phù hợp với nhu cầu của Doanh nghiệp theo ngành nghề đào tạo, không phụ thuộc vào danh mục thiết bị do Nhà nước Quy định
Những nhân tố chủ quan:
Bất kỳ một đơn vị nào khi cho ra sản phẩm đều mong muốn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Khi khách hàng hài lòng thì chứng tỏ đó là sản phẩm tốt, đạt chuẩn chất lượng và sẽ giúp tăng doanh thu nhanh hơn. Để làm được điều đó thì phải có hệ thống quản trị theo hướng tự chủ đủ tốt, trong đó Quản trị tài chính đóng vai trò quan trọng. Hơn nữa, bản thân các đơn vị phải chuẩn hóa các quy trình hướng theo tiêu chuẩn ISO để đạt được các mục tiêu với tính chính xác cao hơn, từ đó giúp cho các Nhà trường đưa ra những sản phẩm qua đào tạo có chất lượng, hạn chế lãng phí.
Từ những lý luận thực tiễn nêu trên, việc quản trị theo hướng tự chủ trong linh vực Tài chính, sản tại các Nhà trường phải thiết lập và thực hiện các quy trình cho từng hoạt động cụ thể có liên quan dến tài chính -Tài sản, như: Quy trình lập kế hoạch tài chính hàng năm; Quy trình thu - chi tài chính…. Cho đến Quy trình thanh quyết toán tài chính. Về tài sản: Xây dựng và thực hiện các quy trình từ khâu mua sắm; Quản lý, dử dụng, sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng, kiểm kê… cho đến Quy trình thanh lý tài sản.
Song song với đó, các lĩnh vực khác trong hệ thống quản trị theo hướng tự chủ cũng phải được thiết lập và thực hiện theo quy trình để đồng bộ với lĩnh vực Tài chính, từ đó việc quản trị theo hướng tự chủ tại các Nhà trường mới có thể đem lại hiệu quả thiết thực.
Ths Nguyễn Thị Hương Lan
Trưởng phòng Đào tạo - Trường TCN số 1 Hà Nội