Hà Nội: Giải bài toán cho hội viên hộ phụ nữ nghèo vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm
(LĐXH) – Thời gian qua, chương trình cho vay vốn từ Quỹ QGGQVL được ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội đã giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình ở ngoại thành Hà Nội vươn lên thoát nghèo... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những hạn chế, đòi hỏi phải có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập...
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội cho biết, hàng năm, các cấp Hội đã nhận ủy thác, quản lý và điều hành trên 3.200 tỷ đồng từ các ngân hàng và từ nguồn Quỹ vì phụ nữ nghèo, Quỹ hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho gần 24.000 lượt phụ nữ vay. 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Hội giúp đỡ các điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo, nâng cao mức sống, đồng thời vận động phụ nữ dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nhiều loại hình dịch vụ mới.
Trong đó, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ hội viên hội phụ nữ phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo phả kể đến nguồn vốn vay từ Quỹ QGGQVL. Từ năm 2015 đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội đã ủy thác Hội LHPN Hà Nội 2,55 tỷ đồng cho 99 hộ gia đình ở các huyện: Gia Lâm, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đông Anh, Đan Phượng, Ứng Hòa, Quốc Oai… Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia, gia đình bà Nguyễn Thị Xuân, xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) đã thay đổi cách nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo. Bà Xuân cho hay, nhiều năm qua gia đình được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển chăn nuôi lợn và nuôi bò sinh sản. Từ chỗ nuôi 2 con lợn nái, đến nay gia đình duy trì chăn nuôi hơn 10 con lợn nái và 2 cặp bò sinh sản. Hằng năm gia đình có thêm thu nhập hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi.
Cũng từ nguồn vốn này, nhiều hộ gia đình ở huyện Ba Vì cũng thoát nghèo, trở thành triệu phú. Nói về con đường thoát nghèo của mình, chị Bùi Thị Thoại, thôn Đồng Chay, xã Vân Hòa cho biết: Năm 2005, gia đình chị được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 5 triệu đồng mua một con bê. Từ nguồn vốn vay của Quỹ quốc gia, sau 3 năm, gia đình chị tiếp tục vay thêm 10 triệu đồng theo diện hộ nghèo. Có vốn, gia đình mua bê sinh sản, hiện với mô hình chăn nuôi bò sữa như hiện nay, gia đình có thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Từ một hộ nghèo, gia đình chị Thoại đã trả nợ ngân hàng và trở thành hộ gia đình có kinh tế khá thôn Đồng Chay.
Mô hình rau an toàn của HTX Dịch vụ Tổng hợp Hòa Bình (Hà Đông, Hà Nội)
Trao đổi về chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Tuyết cho biết, địa phương có 11 tổ vay vốn do Hội Phụ nữ, Hội Nông dân quản lý với số vốn 10,2 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, cộng với tích cực tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, trên địa bàn thị trấn đã hình thành mô hình trồng bưởi Diễn, đu đủ, dưa chuột, táo... cho thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/hộ gia đình/năm...
Bên cạnh hiệu quả từ vốn vay tín dụng chính sách mang lại, hiện nay trong quá trình triển khai cho vay vốn từ Quỹ QGGQVL ở một số địa phương đã phát sinh một số khó khăn, bất cập. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Huy Diệp: Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn ở một vài hội, đoàn thể chưa đạt yêu cầu, năng lực yếu, việc bình xét hộ vay e dè, nể nang, một số hộ vay sử dụng vốn chưa đúng mục đích, vẫn còn hiện tượng vay trùng, vay ké. Hằng năm, thành phố, huyện Thanh Oai đã trích một phần ngân sách bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội phục vụ nhiệm vụ cho vay, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Nói về khó khăn của đơn vị, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chương Mỹ Nguyễn Hữu Tâm cho biết: Trình độ quản lý của hộ nghèo và các đối tượng chính sách chưa cao dẫn đến hiệu quả vốn đầu tư thấp ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ, trả lãi. Một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách, chưa coi đây là công cụ để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội của địa phương.
Để nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động hiệu quả hơn, ông Đoàn Văn Huỳnh, Chủ tịch UBND xã Kim An (huyện Thanh Oai) kiến nghị: Bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành chính sách để trưởng thôn được hưởng phụ cấp trách nhiệm nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giám sát hoạt động vay vốn tại đơn vị mình quản lý; tăng thêm nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Quỹ QGGQVL tối đa lên 50 triệu đồng, tạo điều kiện cho người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ nâng cao đời sống.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội Nguyễn Kim Phung cho biết: Để tiếp tục quản lý tốt nguồn vốn và nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp với sở, ngành tham mưu cho thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch. Đồng thời, chủ động nắm bắt nợ đến hạn, đôn đốc thu hồi, xử lý nợ quá hạn, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; hoàn thiện hồ sơ cho vay quay vòng kịp thời, đúng đối tượng, không để tồn đọng vốn với mục đích có nhiều hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế...
T. Quyên
TAG: