Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Hà Giang có 1.734 người hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng
04:09 PM 15/11/2022
(LĐXH)- Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang, tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/10/2022, toàn tỉnh đã có 1.855 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng so với cùng kỳ năm 2021; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng là 1.734 người, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến thời điểm tháng 9/2022, theo số liệu rà soát của các huyện, thành phố thì toàn tỉnh Hà Giang có 28.923 lao động đi làm việc tại các địa phương. Tính đến cuối tháng 10/2022, tỉnh Hà Giang có 1.099 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động sử dụng trên 11.000 lao động thuộc các lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Năm 2022 nhu cầu tuyển dụng mới lao động của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hà Giang cần khoảng 20.000 đến 30.000 lao động, các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch tuyển dụng lao động cho hoạt động phát triển và bù đắp số lao động nghỉ việc.
Tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/10/2022, toàn tỉnh đã có 1.855 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (ước cả năm có 2.220 người), tăng so với cùng kỳ năm 2021; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng là 1.734 người, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021; số người chuyển hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đi từ địa phương là 23 người, số người chuyển hưởng BHTN đến là 06 người.
Trung tâm đã tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 7.185 lượt người; trong đó có 24 người được giới thiệu việc làm mới, 02 người được hỗ trợ học nghề. Tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là 22.525.227.000 đồng, số tiền chi hỗ trợ học nghề là 9.000.000 đồng; mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 3.016.000 đồng/người/tháng, số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 4 tháng/người…
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang nộp hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp
Ông Bùi Văn Lựa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Giang, cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả việc quản lý và thực hiện chính sách BHTN trên địa bàn; giải quyết đúng, đủ chế độ chính sách BHTN cho người lao động; kịp thời phát hiện và khắc phục những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý giải quyết chế độ BHTN. Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc thực hiện và giải quyết chế độ chính sách về BHTN theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương tuyên truyền chính sách BHTN; thực hiện cấp phát tờ rơi cung cấp thông tin về chính sách BHTN cho các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; treo băng zôn, pa nô, áp phích tuyên truyền ở các địa điểm tập trung đông dân cư.
Hiện nay, ngoài điểm tiếp nhận hồ sơ tại trụ sở chính ở thành phố Hà Giang, Trung tâm còn thành lập 3 Văn phòng tư vấn giới thiệu việc làm, BHTN theo cụm tại 3 huyện là Bắc Quang, Yên Minh và Hoàng Su Phì. Bố trí, sắp xếp cán bộ, viên chức chuyên trách trực tại các văn phòng để tiếp nhận, thẩm định hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối lao động thất nghiệp với doanh nghiệp. Chính vì vậy, công tác tiếp nhận hồ sơ hưởng BHTN, xem xét và giải quyết các chế độ BHTN đối với người lao động được thực hiện đảm bảo đúng chế độ, chính sách quy định hiện hành của Nhà nước. Người lao động khi đến nộp hồ sơ đăng ký hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm đều được cán bộ tiếp nhận hồ sơ, tư vấn, hướng dẫn, tận tình, tạo sự tin tưởng và yên tâm đối với người lao động…
Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện chính sách BHTN trên địa bàn, song theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bùi Văn Lựa thì số người tìm được việc làm mới sau khi được giới thiệu chưa nhiều, số lao động đăng ký học nghề chưa cao so với thực tế. Nguyên nhân do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn chưa thực sự đa dạng, phong phú, yêu cầu tuyển dụng cao… Mặt khác do tâm lý của người lao động chỉ quan tâm đến việc được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp mà chưa thực sự quan tâm tới việc tìm kiếm việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu.
Bên cạnh đó, người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp phần lớn hiện là lao động phổ thông nên chưa nhận thức rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện chính BHTN; không trung thực trong việc khai báo tình trạng việc làm do lo sợ bị mất quyền lợi hưởng trợ cấp thất nghiệp. Một số ít người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tìm được việc làm mới hoặc chuyển đi nơi khác để làm việc nhưng không khai báo đúng tình trạng việc làm thực tế với Trung tâm Dịch vụ việc làm.
Bên cạnh đó, một số chủ doanh nghiệp còn chậm đóng và nợ đóng tiền BHXH, BHTN nên không chốt được sổ BHTN gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động; ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách BHTN. Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp còn chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định nên không cập nhật được số liệu về tình hình lao động tại địa phương. Ngoài ra, các ngành nghề đào tạo của các đơn vị, cơ sở dạy nghề tại các huyện, thành phố trong tỉnh chưa đa dạng và phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động thất nghiệp. Một số cơ sở dạy nghề chưa nhiệt tình trong công tác đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp do số lượng học viên có nhu cầu rải rác khó sắp xếp lớp học…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn những quy định mới của chính sách BHTN đến với người lao động, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp, nhất là các đơn vị, doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa. Khai thác, thu thập thông tin thị trường lao động, tìm kiếm các vị trí việc của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; củng cố và nâng cao chất lượng kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là đối với lao động thất nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; phối hợp với các trường, trung tâm đào tạo, dạy nghề tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho người lao động ngay từ khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, giúp cho người lao động có thêm cơ hội nâng cao kỹ năng nghề để tìm kiếm việc làm mới.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững