Giáo dục nghề nghiệp kết nối thị trường lao động và việc làm bền vững trong tình hình mới
(LĐXH) - Phát triển giáo dục nghề nghiệp mở, hướng tới việc làm bền vững là một trong những vấn đề quan trọng và bức thiết rất cần sự tham gia đóng góp kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà giáo, doanh nghiệp, người lao động… Với mục tiêu rỡ bỏ những rào cản về pháp lý, kỹ thuật, tài chính, tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người về cơ hội tiếp cận với các dịch vụ bao gồm: Học nghề - Khởi nghiệp - Việc làm bền vững... trong trạng thái bình thường mới…
Kỳ 3: Mối quan hệ giữa giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động
Chiến lược phát triển GDNN được coi là “sợi dây” xuyên suốt, làm cơ sở, định hướng thúc đẩy mối quan hệ hài hòa giữa GDNN và thị trường lao động trong đó mục tiêu quan trọng là tạo việc làm bền vững…
Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 chủ trương: “Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động”… Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đây là những định hướng rất quan trọng để phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, cần tiếp tục làm rõ khái niệm, các nguyên tắc, đặc điểm và những thách thức khi tiếp cận và vận hành hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng mở, linh hoạt; phân tích mối quan hệ giữa phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt với học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, xã hội hóa, các cơ hội việc làm bền vững cho người lao động, đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động; cung cấp thông tin, kinh nghiệm quốc tế và bài học vận dụng vào điều kiện Việt Nam; định hướng phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng mở, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0; Nghiên cứu và khuyến nghị giải pháp về hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt và kế hoạch hành động của hệ thống và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Việc xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, năng động, toàn diện theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, cung cấp cơ hội việc làm đầy đủ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho lực lượng lao động. Các cơ hội học tập suốt đời cho phép người học, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập khu vực và thế giới là điều kiện tiên quyết để tăng cường sự bình đẳng trong xã hội, thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.
Để thực hiện mục tiêu đó, chúng ta cần đổi mới trong hoạch định và thực hiện chính sách, đòi hỏi phải xem xét lại các chiến lược phát triển giáo dục. Thực tế, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã xây dựng khung pháp lý khá toàn diện về giáo dục nghề nghiệp, song rào cản đối với học sinh, sinh viên, người học trong việc tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp là thách thức đối với nhà hoạch định chính sách về giáo dục nghề nghiệp. Muốn vậy, chúng ta cần làm rõ các luận điểm về tính bao trùm, tính cân bằng về giới, sự cung cấp các khóa học theo định hướng nhu cầu, năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp…
Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững, trong đó cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động. Hình thành và tăng cường chất lượng hoạt động của các trung tâm quan hệ doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để làm tốt vai trò cầu nối giữa đào tạo và sử dụng lao động. Tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho các đối tượng tham gia giáo dục nghề nghiệp. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội trợ việc làm nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên tìm việc sau tốt nghiệp.
(Còn nữa)
Nguyễn Hữu Bắc
TAG: