An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi A Lưới
09:50 AM 26/08/2020
(LĐXH) – Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong những năm qua, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) luôn dành nhiều quan tâm, đầu tư và thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Nhờ vậy, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện bước đầu đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4% mỗi năm
A Lưới là huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nơi đây tập trung đại đa số người đồng bào dân tộc thiểu số với đời sống ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện luôn ở mức cao nhất của cả nước.
Tuy nhiên, bằng nhiều chương trình, giải pháp cụ thể, trong 5 năm qua (giai đoạn 2016 - 2020) tỷ lệ hộ nghèo ở huyện A Lưới đã giảm xuống theo từng năm. Nếu như năm 2016, toàn huyện A Lưới có 4.337 hộ nghèo với 17.784 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 35,04%, đến đầu năm 2020, toàn huyện còn 2.585 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,5%.
Người dân huyện miền núi A Lưới nỗ lực thoát nghèo bền vững
Trong 5 năm qua, hoạt động giảm nghèo tại huyện A Lưới được triển khai đồng bộ, sử dụng tốt các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng và lồng ghép với nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ tỉnh, huyện với các nguồn vốn hợp pháp khác. Đặc biệt, huyện A Lưới còn chủ động gắn Chương trình giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã mang hiệu quả cao.
Để có được những kết quả trên, ngoài việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện A Lưới còn thường xuyên vận động, khơi nguồn giảm nghèo từ chính nhận thức của người dân, đặc biệt người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương.
Cùng với việc kết hợp nhiều nguồn lực, huyện A Lưới đã lồng ghép Chương trình 135 đối với công tác đào tạo nghề và xuất khẩu lao động; huy động các đơn vị đỡ đầu theo Quyết định 235 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế với các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất… Nhờ đó, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã từng bước thoát nghèo bền vững, vượt khó vươn lên.
Anh Lê Văn Sơn - xã Hồng Vân, huyện A Lưới cho biết: Trước đây, gia đình anh là một trong những gia đình thuộc diện hộ nghèo, khó khăn của xã Hồng Vân. Dù đã cố gắng lao động để vươn lên làm giàu nhưng cái nghèo đói vẫn luôn đeo bám gia đình. Đầu năm 2019, nhận thấy tiềm năng kinh tế rừng ở địa phương ngày càng phát triển, anh Sơn mạnh dạn đầu tư 50 triệu đồng để mở xưởng chế biến lâm sản. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm nghề cùng những nỗ lực của bản thân, xưởng gỗ của gia đình anh hoạt động ngày một hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định, từng bước giúp anh thoát nghèo bền vững.
Với sự vào cuộc của các cấp ngành cùng việc triển khai các giải pháp đồng bộ, trong giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm huyện A Lưới giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 4%. Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cũng như sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Tập trung ưu tiên cho công cuộc giảm nghèo
Giai đoạn 2020-2025, huyện A Lưới tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị văn minh; nâng cao hiệu quả bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc cũng như đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Giai đoạn 2015-2020, huyện A Lưới đã tập trung nguồn lực và phát huy lợi thế của vùng đồi để phát triển kinh tế-xã hội, từng bước giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững (Nông, lâm, ngư nghiệp 38,7%; Công nghiệp - Xây dựng 30,7%; Dịch vụ 30,6%); kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 10,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/người/năm (tăng 9,4 triệu đồng so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18,5% (so với năm 2015 giảm 16,54%). 
Đáng chú ý là sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực; hình thành nhiều vùng trồng trọt và chăn nuôi theo hướng hàng hóa như vùng cao su chuyên canh, vùng trồng chuối hàng hóa, gạo đặc sản Ra dư và chăn nuôi bò...Tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá, nhất là đã triển khai hiệu quả Đề án khôi phục và phát triển nghề truyền thống huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020, trong đó nghề dệt Zèng của người Tà Ôi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Huyện cũng đã sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia và của Tỉnh để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị; đến nay, các thiết chế Điện-Đường-Trường-Trạm được đầu tư hoàn chỉnh và kiên cố, Thị trấn A Lưới được chỉnh trang tại diện mạo cho đô thị miền núi nơi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua.   
Trông trọt, chăn nuôi bò giúp cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện A Lưới nâng cao chất lượng cuộc sống
Là huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, đặc biệt là công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc được huyện chú trọng và triển khai thực hiện đồng bộ, đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo và đẩy lùi các phong tục, tập quán lạc hậu như tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc để phát triển kinh tế du lịch; hiện nay cùng với các điểm di tích lịch sử cách mạng, cảnh quan thiên nhiên, huyện đã từng bước phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, đã thu hút lượng khách du lịch đến địa bàn.
Gắn giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới
Mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2020-2025, được huyện A Lưới xác định là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị văn minh; nâng cao hiệu quả bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...Tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp (45%) - Dịch vụ (35%) - Công nghiệp (20%.); thực hiện 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 trên 40 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm theo tiêu chí mới 3%; thêm 01-02 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng trên 75 %...
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu và chỉ tiêu đề ra, trong thời gian tới, huyện A Lưới sẽ huy động nguồn lực cho 02 chương trình trọng điểm là Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới;  trong đó, lấy kinh tế rừng làm mũi nhọn, phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Về nông nghiệp, sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và phát triển dịch vụ, ngành nghề nông thôn.
Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh và  khai thác kinh tế các cửa khẩu biên giới Việt - Lào. Phát triển du lịch văn hóa truyền thống dân tộc, du lịch cộng đồng; nhất là mở rộng loại hình du lịch Homestay, Farmstay. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng phát triển công nghiệp nông thôn, các ngành nghề truyền thống, công nghiệp chế biến nông, lâm sản; tạo điều kiện cho phát triển kinh tế hộ, kinh tế vườn và kinh tế trang trại...
Song song đó, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển đô thị để thu hút môi trường đầu tư; trọng tâm là nâng cấp, chỉnh trang đô thị A Lưới mở rộng theo hướng đồng bộ. Tiếp tục thực hiện đề án Bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy mạnh hơn nữa công tác dân tộc và thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần thay đổi tập quán tiêu dùng của đồng bào các dân tộc thiểu số để thoát nghèo bền vững.
Bí thư huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu cho biết, so với các địa phương trong tỉnh, A Lưới vẫn là huyện nghèo, vì vậy để có bước phát triển mới trong giai đoạn 2020 - 2025 và tiếp theo, Đảng bộ huyện đã xác định 4 "Khâu" đột phá chiến lược là "Đột phá về nội lực người dân", "Đột phá về công tác cán bộ", "Đột phá về nông nghiệp", "Đột phá về phát triển du lịch". Trong đó, "Đột phá về công tác cán bộ" và "Đột phá về nội lực người dân" là đóng vai trò quan trọng làm động lực cho các đột phá còn lại cũng như hoàn thành thắng lợi mục tiêu, các chỉ tiêu Đại hội đảng bộ huyện đã đề ra trong nhiệm kỳ tới.

Nam Khánh

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu