Giải pháp giảm nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công
(LĐXH) - Ngày 12/7 tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị đề xuất giải pháp giảm nghèo cho hộ gia đình nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Tấn Dũng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết: Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực giảm nghèo, được người dân đồng tình ủng hộ, được các nước trên thế giới và các đối tác phát triển ghi nhận, đánh giá cao. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, trong quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội, người có công với cách mạng là đối tượng luôn được Nhà nước xác định tập trung ưu tiên giải quyết đầu tiên, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện. So với mức sàn an sinh xã hội thì đối tượng người có công đạt cao nhất, cao hơn tất cả các nhóm chính sách khác. Về cơ bản người có công không còn hộ đói, hộ nghèo ở dưới mức sàn an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo tổng hợp kết quả giảm nghèo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, đến cuối năm 2018, cả nước vẫn còn trên 16 nghìn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công.
Với mong muốn cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công thuộc hộ nghèo, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đến hết năm 2020 cả nước không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công, tại Hội nghị này, tôi đề nghị đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các đồng chí Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố tập trung thảo luận thực trạng, nguyên nhân nghèo của các hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công (kể cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan), từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình đặc điểm thực tế của các hộ nhằm đảm bảo đời sống của người có công thuộc hộ nghèo từng bước được nâng lên, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, không để hộ người có công nào sống dưới mức sống trung bình của cả nước.
Để giải quyết tình trạng nghèo của hộ nghèo có thành viên thuộc diện đối tượng người có công, Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm tất cả người có công được hưởng thụ chế độ đúng quy định.
Thứ hai, hiện nay, dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công sửa đổi đang được nghiên cứu hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2019 vì vậy việc điều chỉnh một số chế độ, trợ cấp ưu đãi trong đó có trợ cấp ưu đãi một lần cũng đang được Cục nghiên cứu để đề xuất không chỉ riêng đối với diện người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc mà đảm bảo đồng bộ trong tổng thể các khoản trợ cấp, phụ cấp ưu đãi giữa các nhóm đối tượng người có công.
Thứ ba, rà soát đánh giá thực trạng, nguyên nhân dẫ đến nghèo của những hộ nghèo ở từng cấp địa phương (xã, huyện) để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ đối với từng địa phương cho phù hợp, tăng hiệu quả của chính sách giảm nghèo
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ chương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về giải quyết việc làm và chương trình giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như các trang Web, Đài Phát thanh truyền hình, báo giấy, hệ thống loa truyền thanh tại các tổ dân cư, thôn, xóm nhằm nâng cao nhận thức của người có công về giải quyết việc làm, chủ động tìm kiếm, tự tạo việc làm cho bản thân và thu hút lao động vào làm việc để tăng thu nhập.
Thứ năm, hỗ trợ ưu tiên cho hộ nghèo mà có người có công thông qua chương trình giảm nghèo của nhà nước, cụ thể: Chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ưu tiên trong vay vốn,...Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh của người có công vay vốn đầu tư cho sản xuất; đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án, giải ngân cho các đối tượng vay vốn; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay, mục đích sử dụng vốn, đánh giá hiệu quả, chỉ tiêu tạo việc làm cho người có công tăng thêm qua các dự án vay vốn.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác xã hội hóa bằng việc huy động sự giúp đỡ của cộng đồng, dân cư nơi cư trú để hỗ trợ cho hộ gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Thứ bảy, cập nhật phổ biến thông tin biến động hàng năm trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cung - cầu lao động từ thôn, xóm, xã, phường, thị trấn; cập nhật thông tin cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn cư trú; nâng cao chất lượng, hiệu quả của các dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người có công. Tăng cường hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin về thị trường lao động thông qua trung tâm dịch vụ việc làm để người có công nắm được về yếu cầu về trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn kỹ thuật, giúp cho người có công thuận lợi trong tìm việc làm, tăng thu nhập.
Thứ tám, hỗ trợ người có công và con em của họ khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua việc cung cấp các kiến thức, thông tin, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường. Tổ chức các lớp đào tạo về khởi sự doanh nghiệp có chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu người học. Tích cực tổ chức các hoạt động tham quan học tập mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương có điều kiện tương đồng để người có công có điều kiện học hỏi, sáng tạo trong quá trình tự tạo việc làm tại địa phương mình.Các đại biểu góp ý, đề xuất giải pháp giúp giảm nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công
Tại hội nghị, các địa phương cũng đánh giá thực trạng hộ gia đình nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công trên địa bàn và đề xuất giải pháp phù hợp với điều kiện của địa phương. Các đại biểu cũng thảo luận, đóng góp ý kiến để đưa ra những giải pháp hiệu quả giúp giảm nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công./.
Hà Giang
TAG: