Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Già làng Hồ Văn Cơn: Tấm gương làm kinh tế giỏi, dân vận khéo
12:37 AM 29/09/2021
(LĐXH) - Đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô xã Prin Thành, xã A Dơi không ai là không biết đến già làng Hồ Văn Cơn, hay gọi ông thân thương là Pả Cơn. Đó là bởi ông luôn luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác dân vận, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, ông còn là tấm gương làm kinh tế giỏi, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo tại huyện rẻo cao Hướng Hóa (Quảng Trị).
Tuy đã gần 80 tuổi, nhưng ngày nào già làng Pả Cơn cũng chăm chỉ, cặm cụi làm nương rẫy trên khu vườn bời lời của mình. Khu vườn rộng hơn 1ha này vốn là đất trồng sắn, tuy nhiên sau một thời gian dài thì không đem lại năng suất, hiệu quả cao do đất đai bạc màu, thiếu chất. Năm 2017, thực hiện chủ trương của HĐND huyện Hướng Hóa, gia đình ông chuyển đổi những diện tích sắn kém hiệu quả sang trồng bời lời. Nhờ vậy, năng suất trồng trọt của gia đình ông đã được cải thiện đáng kể, vườn bời lời đã cho thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng. Pả Cơn cũng tranh thủ cải tạo mấy mảnh đất gần nhà để tăng gia trồng thêm sắn, chuối, nuôi thêm đàn bò chục con, nuôi cá nước ngọt… đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ngoài lí do tiên phong làm kinh tế và dân vận để xóa đói, giảm nghèo, mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình, ông mong muốn mình sẽ làm gương để con cháu, người dân trong thôn Prin Thành noi theo và phấn đấu vươn lên, để sau này không còn hộ nghèo, không đói khổ nữa.
Già làng chia sẻ: “Ở đây đất đai rộng lớn, màu mỡ nếu không chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế thì sẽ không thể thoát nghèo được. Qua thời gian dài làm ăn, tôi nhận thấy nếu chỉ trông chờ vào mùa thu hoạch lúa, bắp trên nương rẫy, năm nào mưa thuận gió hòa thì đủ ăn, năm bị thiên tai, sâu bệnh, mất mùa thì đói kém, như vậy sẽ khổ mãi. Phải tìm hiểu, học hỏi cách trồng trọt, làm kinh tế mới từ ti vi, đài, báo, rồi từ cán bộ, để sản phẩm làm ra không chỉ đủ ăn mà còn có để dành, thậm chí bán đi để mua sắm các vật dụng sinh hoạt, làm nhà cửa…. Tôi phải làm kinh tế tốt trước hết để con cháu có cuộc sống đầy đủ, sau là dân bản nhìn vào đó để học tập, xây dựng cuộc sống no ấm hơn”.
Già làng Hồ Văn Cơn thu hoạch bời lời (Ảnh: B.L)
Già Làng Pả Cơn thu hoạch bời lời tại vườn
Nhờ có già làng Pả Cơn, đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô ở xã A Dơi đã chủ động vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Không ít hộ đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để vươn lên làm giàu, như anh Hồ Ca Lo ở thôn Rrin Thành là một ví dụ. Sau khi lập gia đình, anh Hồ Ca Lo được ba mẹ giao cho mảnh đất rộng lớn để làm ăn, phát triển kinh tế. Nhờ học hỏi từ cách làm kinh tế của già làng Hồ Văn Cơn, đồng thời thường xuyên được động viên, khích lệ, anh đã làm chủ được cuộc sống, gây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả, gồm trồng sắn, bời lời, cao su, nuôi trâu, bò, dê... Các con anh đều được đến trường học tập đầy đủ.
Anh Hồ Ca Lo chia sẻ: “Già làng Hồ Văn Cơn vừa làm kinh tế giỏi, lại rất tận tình giúp đỡ bà con trong phát triển kinh tế, khuyên bảo thanh niên trong thôn, bản chúng tôi phải sống lành mạnh, chăm chỉ làm ăn. Tôi luôn học theo già làng trong suy nghĩ, cách làm kinh tế để có cuộc sống sung túc hơn, cho con cái ăn học tử tế để sau này làm được nhiều việc có ích”.
Không những làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực vận động bà con trong xã hiến đất, ngày công lao động và đóng góp để bê tông hóa đường liên thôn, kéo điện sinh hoạt, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Ghi nhận những đóng góp tích cực của già làng Pả Cơn, Bí thư Đảng ủy xã A Dơi Hồ Văn Ngoai cho rằng: “Già làng Hồ Văn Cơn luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động của địa phương; nói dân nghe, làm dân tin; là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Nhiều năm qua, ông là thành viên rất tích cực trong ban công tác mặt trận, rất có uy tín trong cộng đồng. Đặc biệt, ông luôn góp tiếng nói cùng cán bộ xã, thôn tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bà con trong thôn, bản chấp hành tốt. Ông cũng là tấm gương trong lao động sản xuất để đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Prin Thành nói riêng và xã A Dơi nói chung học tập”.
Với những hành động đầy ý nghĩa và nhân văn của mình, già làng Pả Cơn luôn được cả chính quyền và bà con xã A Dơi kính phục, yêu mến và tôn trọng.
Bích Liên

 

TAG:
Tin khác
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật