Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Gia Lai: Nâng cao đời sống vật chất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
08:30 AM 05/09/2021
(LĐXH) - Gia Lai có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 46,23% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc, chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS được các cấp ủy Đảng, ban, ngành và các đoàn thể chính trị-xã hội đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp hiệu quả.
Nhiều giải pháp linh hoạt 
Trong những năm qua, tỉnh Gia Lai đã phân công các sở, ban, ngành kết nghĩa với các xã đặc biệt khó khăn và “điểm nóng” về an ninh chính trị. Các phòng, ban cấp huyện kết nghĩa với các thôn, làng để hỗ trợ xây dựng làng nông thôn mới. Đảng viên phụ trách giúp đỡ từng hộ nghèo; kết nghĩa giữa hộ người Kinh với hộ DTTS để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Tỉnh chủ trương gắn thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, MTTQ các cấp đã phát động và triển khai thực hiện bước đầu có hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Với những cách làm hay và mô hình hiệu quả, Gia Lai đã bước đầu thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS. Công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS tỉnh Gia Lai chiếm 40,1% thì đến năm 2020 đã giảm còn dưới 6,25%. Đến nay, 100% xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã; 84,07% tuyến đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng được cứng hóa; 66,54% tuyến đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 60,51% tuyến đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Toàn tỉnh có 88 xã và 97 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; trên 90% thôn, làng đồng bào DTTS được định canh, định cư ổn định.
Gia đình chị Rmah H’Bet (làng Ơi, xã Ayun Hạ) chăm sóc cho đàn bò giống
Các vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS cơ bản được giải quyết. Tỉnh đã có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS vượt qua khó khăn, tiếp tục được học tập. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền, vận động kế hoạch hóa gia đình được chú trọng. Chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa của các DTTS được quan tâm; các lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa được duy trì, tôn vinh. Các nguồn đầu tư, trợ giá, trợ cước, chính sách hỗ trợ đói giáp hạt, hỗ trợ cho đồng bào bị thiên tai, lũ lụt đảm bảo đúng đối tượng đã góp phần giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn.
Tính đến cuối năm 2020, đội ngũ cán bộ DTTS trong toàn tỉnh có 5.301 người, chiếm 15,78% tổng số cán bộ. Nhiệm kỳ 2020-2025, số lượng cán bộ là người DTTS giữ cương vị lãnh đạo ở các cơ quan Đảng, nhà nước, các đoàn thể từ tỉnh đến cấp xã đều tăng. Tỷ lệ cán bộ DTTS tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 12 đồng chí, chiếm 22,64%; cấp huyện có 139 đồng chí, chiếm 20,65%; cấp cơ sở là 1.077 đồng chí, chiếm 20,2%. Công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS được chú trọng. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 956 tổ chức cơ sở Đảng, 3.310 chi bộ trực thuộc; 14.907 đảng viên là người DTTS, chiếm 24,4% tổng số đảng viên toàn tỉnh. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ người DTTS trong tỉnh đã qua đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở đã phát huy tốt hơn năng lực thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 
Điểm sáng trong xuất kinh doanh giỏi
Với việc đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đến nay, huyện Chư Păh có trên 45% số hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Bà Lê Thị Ánh Dương-Chủ tịch Hội Nông dân huyện-cho biết: Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức 1.124 lớp tập huấn, hội thảo cho gần 3.800 lượt hội viên; phối hợp với các ngành tổ chức 38 lớp dạy nghề cho 796 người, giải quyết việc làm cho 652 lao động. Các cấp Hội cũng triển khai cho hội viên mua hơn 1.000 tấn phân vi sinh trả chậm. Riêng từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh huyện Chư Păh Đông Gia Lai tạo điều kiện cho hơn 5.000 hộ vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng đã giải ngân kịp thời giúp hội viên xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, số hộ khá và giàu ngày càng tăng. Toàn huyện hiện có 4.626 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp trong tổng số 10.222 hội viên.
Lựa chọn mô hình chăn nuôi heo, gà dưới tán rừng, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hoa (thôn 1, xã Ia Nhin) cũng thu về khoảng 1 tỷ đồng/năm. Trong thời gian chờ thu hoạch từ 3 ha rừng trồng, bà Hoa tận dụng khoảng trống cũng như bóng mát của tán rừng xây dựng 12 chuồng nuôi heo nái và 6 chuồng nuôi heo thịt. “Trung bình mỗi năm, tôi xuất ra thị trường khoảng 300 con heo thịt, trọng lượng 70-80 kg/con. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi 600-700 triệu đồng”-bà Hoa cho hay. Năm 2020, bà Hoa tiếp tục đầu tư nuôi gà thả vườn. Lứa đầu tiên, bà nuôi thử nghiệm 300 con. Sau đó, bà phát triển lên 1.000 con/lứa. Hiện nay, với 2-3 lứa gà/năm, bà lãi 100 triệu đồng/lứa.
Trên cơ sở những hội viên sản xuất kinh doanh giỏi, các cấp Hội Nông dân đã vận động thành lập 5 câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” với hơn 200 thành viên. Đồng thời, các cấp Hội vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; xây dựng, phát triển mô hình chi-tổ hội nghề nghiệp, các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân… Chủ tịch Nông dân huyện cho hay: Hội đã hướng dẫn, chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn thành lập 29 tổ hội nghề nghiệp, 3 chi hội, 4 tổ hợp tác; phối hợp thành lập và xây dựng 3 tổ liên kết sản xuất, 7 hợp tác xã nông nghiệp và 3 mô hình nông hội. Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử.
Triển khai có hiệu quả chính sách dân tộc
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc tỉnh Gia Lao vẫn còn những khó khăn nhất định. Nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách dân tộc còn hạn chế. Một số chương trình, chính sách dân tộc đã được phê duyệt nhưng nguồn lực đầu tư phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu. Khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế-xã hội và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản giữa vùng DTTS và đô thị còn khá lớn. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, hộ cận nghèo người DTTS còn chiếm tỷ lệ khá cao.       
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí và tầm quan trọng của công tác dân tộc, đoàn kết dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới cho cán bộ, đảng viên và người dân. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Bà con làng Mơ Nai Trang, xã Ia Piar chung tay giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Gắn kết chặt chẽ công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc với công tác tôn giáo và thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng DTTS. Đổi mới và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc, nhất là phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS và chức sắc, chức việc trong các tôn giáo. Coi trọng tính đặc thù, đặc điểm, tâm lý, phong tục, tập quán của đồng bào các DTTS khi giải quyết các vụ việc về an ninh nông thôn, tín ngưỡng, tôn giáo...
Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, đảm bảo ổn định để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quan tâm xây dựng, bảo đảm vùng có đông đồng bào DTTS cần có tỷ lệ, số lượng cán bộ, công chức là người DTTS phù hợp, đồng thời cán bộ lãnh đạo chủ chốt là người DTTS. Tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách cho học sinh, sinh viên DTTS và chính sách để thu hút sinh viên, nhất là sinh viên giỏi và sinh viên người DTTS về công tác ở vùng đồng bào DTTS. Quan tâm chăm lo chế độ, chính sách cho cán bộ vùng đồng bào DTTS để họ yên tâm công tác.
Tập trung phát triển y tế, giáo dục-đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào vùng DTTS. Tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là những sản phẩm đặc trưng của vùng DTTS. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cộng đồng; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu các lễ hội truyền thống, văn hóa, những giá trị tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo đặc trưng của tỉnh gắn với các loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… Vận động người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Nam Khánh
 
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”