An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Ghi nhận những kết quả trong công tác an sinh xã hội
02:48 PM 28/01/2021
(LĐXH) - Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng.
Trong lĩnh vực lao động, việc làm, đã hoàn thiện một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong lĩnh vực lao động và xã hội; tôn trọng nguyên tắc thị trường, giảm sự can thiệp của nhà nước, không bỏ lại phía sau các đối tượng yếu thế. Các thiết chế của thị trường lao động từng bước được hình thành và phát triển thúc đẩy sự vận hành linh hoạt, hiệu quả của thị trường như thông lệ các nước, thúc đẩy chuyển dịch lao động giữa các ngành, các khu vực của nền kinh tế. Quy mô nguồn nhân lực được mở rộng, lực lượng lao động tiếp tục tăng từ 54,2 triệu người năm 2015 lên 54,6 triệu người năm 2020; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể và phù hợp với nhu cầu thị trường. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên khoảng 64,5% năm 2020, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 20,29% năm 2015 lên khoảng 24,5% năm 2020.
Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,75%
Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao, đứng thứ 110/189 quốc gia; trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đứng sau Singapore. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị luôn duy trì dưới 4%.
Song song với đó, các chính sách đối với người có công được chú trọng, đời sống người có công được nâng lên; phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được đẩy mạnh. Đến nay, 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; không còn hộ người có công trong diện hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh, từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% cuối năm 2020; thành tích giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đưa Việt Nam thành “một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới”.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, đã tăng cường, kịp thời hỗ trợ người dân bị rủi ro trong cuộc sống; đến nay có trên 3,1 triệu người, chiếm trên 3% dân số được hưởng trợ cấp thường xuyên. Thu nhập của người lao động được cải thiện; độ bao phủ của BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không ngừng được mở rộng; đặc biệt, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2020 đạt trên 1 triệu người, tăng 365% so với cuối năm 2015, về đích trước 2 năm so với mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Bình đẳng giới được thực hiện có hiệu quả; khoảng cách giới trên tất cả các lĩnh vực được thu hẹp; địa vị của phụ nữ được cải thiện trong tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quan tâm cả về chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy, nguồn lực. Các quyền cơ bản của trẻ em được tôn trọng và đảm bảo. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội được tăng cường; cách tiếp cận, ứng xử đối với các vấn đề nghiện ma túy và mại dâm dựa trên cơ sở tôn trọng quyền con người. Các kết quả đạt được đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, đảm bảo trật tự, kỷ cương và an toàn xã hội.
Mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021-2025 là phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả với chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng phát triển nhanh, bền vững và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, đáp ứng nhu cầu về cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân; góp phần đảm bảo công bằng xã hội và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
 Mục tiêu chung trong năm 2021 là bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới mục tiêu bao phủ toàn dân; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững./.

Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
Hà Nội tọa đàm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách với người có công
Huyện Bắc Quang: Thực hiện tốt công tác phòng, chống mua bán người
Cà Mau: Quyết liệt thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Kết quả công tác cai nghiện và quản lý lý sau cai nghiện ở tỉnh miền Tây Hậu Giang
Thanh Hóa: Tập trung phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Nam Định trợ giúp người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng
Quảng Ngãi nỗ lực thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai
38 cá nhân Cơ sở cai nghiện ma túy Thanh thiếu niên 2 được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố vinh danh
Bình Dương: Tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội