Tăng cường tính tự chủ và áp dụng cơ chế cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở GDNN
(LĐXH) – Chiều ngày 22/3, Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức gặp mặt báo chí để chia sẻ một số thông tin theo quy định tại Nghị định số 14/2017/NĐ/CP ngày 14/02/2017 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, theo đó Tổng Cục Dạy nghề sẽ mang tên mới là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp…
Phó Tổng Cục trưởng Cao Văn Sâm trả lời báo chíÔng Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng, cho biết: Trong số các nhiệm vụ chính của Tổng cục, đáng chú ý là chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về GDNN; Quy định mẫu bằng, chứng chỉ đào tạo, việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi hủy bỏ bằng, chứng chỉ đào tạo, quy định việc công nhận tương đương đối với những người đã tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề ở ngoài nước; Ban hành, điều lệ trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN), quy định lượng kiến thức tối thiểu ở mỗi trình độ đào tạ, quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; Biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình GDNN. Bên cạnh đó, Tổng cục GDNN cũng được phép quyết định thành lập, cho phép thành lập trường cao đẳng; Quản lý và tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN; Quản lý và tổ chức thực hiện việc kiểm định chất lượng GDNN…
Hiện cả nước có 1.989 cơ sở GDNN trong đó có 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm GDNN. Năm 2017, các cơ sở GDNN cả nước sẽ tuyển sinh 2,2 triệu người. Trong đó, trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,6 triệu người bao gồm cả 600 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề.
Đại diện các quan truyền thông về dự gặp mặtTrả lời các câu hỏi của báo chí xoay quanh việc thay đổi, bổ sung các chức năng nhiệm vụ của Tổng cục GDNN, Phó Tổng cục trưởng Cao Văn Sâm chia sẻ: Thời gian tới, Tổng cục GDNN sẽ trình Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chính phủ phê duyệt Đề án về đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN giai đoạn 2016 -2030; Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng sẽ hướng dẫn các địa phương chuyển công tác quản lý nhà nước về GDNN từ Sở Giáo dục Đào tạo sang Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Về đào tạo chất lượng cao, sẽ tiếp tục tổ chức thí điểm cho các nghề đã chuyển giao bộ chương trình từ Australia. Liên quan đến Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục sẽ xây dựng các chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng xác định rõ và công khai các chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo và ngành, nghề đào tạo trên cơ sở khung trình độ quốc gia Việt Nam. Đề án cũng sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động tham gia đào tạo.
Được biết, tới đây Việt Nam sẽ áp dụng một số mô hình hợp tác đào tạo thành công trên thế giới đối với một số ngành nghề, thí điểm áp dụng mô hình công tư (PPP) trong lĩnh vực GDNN. Đặc biệt, sẽ thí điểm thành lập Hội đồng kỹ năng ngành trong một số lĩnh vực với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động… Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN được xem là một trong các yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Đề án, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống GDNN cơ sở vẫn còn sức ỳ, chưa thay đổi kịp theo yêu cầu đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về GNNN cần phải tiếp tục có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và đạt yêu cầu về chất lượng…
Nhằm nâng cao chất lượng GDNN, lãnh đạo Tổng cục cho biết sẽ thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng GDNN độc lập, ưu tiên trung tâm kiểm định chất lượng GDNN do các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội nghề nghiệp thành lập. Tiếp đó, sẽ tiếp tục nâng cao vai trò quản lý nhà nước về GDNN, chú trọng công tác thanh kiểm tra, đổi mới cơ chế quản lý cơ sở GDNN theo hướng tăng cường tính tự chủ và áp dụng cơ chế cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở đào tạo./.
Lê Hoàng Việt