Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Gần 902.400 lao động ở Quảng Nam có việc làm
09:13 AM 18/04/2022
(LĐXH)- Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 902.397 lao động có việc làm. Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 16.000 người, đưa 1.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 23.500 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69%.
Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Quảng Nam có 902.397 lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm (việc làm tăng thêm năm 2021 đạt 15.000 lao động). Trong đó, khu vực thành thị có 196.328 lao động (tỷ lệ 21,76 %), khu vực nông thôn có 706.069 lao động (tỷ lệ là 78,24 %); lao động có việc làm trong nước là 899.887 người (tỷ lệ 99,72%), lao động ngoài nước là 2.510 người (0,27%); chia theo khu vực làm việc có 71.128 lao động khu vực nhà nước (7,88%), ngoài nhà nước là 804.872 người (89,19%), có vốn đầu tư nước ngoài 22.961 lao động (2,54%), chưa xác định là 3.436 lao động (tỷ lệ 0, 38%).
Cơ cấu lao động lĩnh vực nông - lâm - thủy sản có 395.699 lao động, chiếm tỷ lệ 36,54%; công nghiệp - xây dựng có 292.091 lao động, tỷ lệ 32,37 %; thương mại - dịch vụ có 280.607 lao động, tỷ lệ 31,1 %. Tỉnh có 752.424 lao động có việc làm trong độ tuổi lao động (tỷ lệ 83,38% so với lao động có việc làm từ 15 tuổi trở lên).
Lao động qua đào tạo của Quảng Nam có 600.402 người, đạt tỷ lệ 67%; trong đó, lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 238.129 lao động, đạt tỷ lệ 26,17%.
Quảng Nam tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động
Bên cạnh đó, do dịch bệnh Covid-19, từ tháng 8/2021, tỉnh Quảng Nam đã đón hơn 10.000 lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê tránh dịch. Nhiều người trong số này đã được địa phương kết nối với các doanh nghiệp, kịp thời giải quyết việc làm. Để sử dụng nguồn lao động tại chỗ dồi dào hiện có, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ sở đào tạo nghề, chủ động kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để đặt hàng nguồn lao động.
Thời gian qua, để góp phần tích cực vào mục tiêu đào tạo nghề giải quyết việc làm bền vững cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tỉnh Quảng Nam đã tập trung đầu tư, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, tích cực nghiên cứu, tìm kiếm thị trường. Khuyến khích các hộ gia đình đầu tư phát triển các loại hình trang trại nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng CNH – HĐH.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển để tìm kiếm việc làm, nhất là từ khu vực nông thôn lên các vùng kinh tế trọng điểm, các khu và cụm công nghiệp; khuyến khích hình thức tự do di chuyển, thay đổi ngành nghề để đảm bảo mối quan hệ của thị trường lao động và giải quyết thêm việc làm cho người lao động trong thời gian nông nhàn và mùa vụ. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Năm 2022, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 16.000 người, đưa 1.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 23.500 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69%.
Để đạt được các mục tiêu kế hoạch cụ thể về giải quyết việc làm mà UBND tỉnh giao, ngay từ đầu năm 2022, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Nam đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao dịch thị trường lao động thông qua các hình thức tuyên truyền, mở sàn giao dịch việc làm; đẩy mạnh công tác thu thập thông tin thị trường lao động trong tỉnh có kết nối với các tỉnh khác để giới thiệu việc làm cho người lao động…
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Nam cũng đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố chủ động, tích cực tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành Kế hoạch điều tra thu thập thông tin thị trường lao động để triển khai thực hiện; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, nghiên cứu đổi mới công tác khảo sát, thu thập, tổng hợp và phân tích, xử lý, dự báo ngắn hạn và dài hạn gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhờ đó, nhiều địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức sử sụng thông tin thị trường lao động để phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công tác đào tạo nghề, phục vụ công tác xây dựng, đánh giá, thẩm định các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (tiêu chí lao động có việc làm, lao động có việc làm qua đào tạo).
Từ nay đến cuối năm 2022, Quảng Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác cho vay, giải quyết việc làm, chú trọng các dự án phi nông nghiệp nhằm tạo nhiều việc làm kết hợp với dự án dạy nghề nông thôn để đạt hiệu quả tối ưu. Đặc biệt là thống kê nhu cầu tìm kiếm việc làm, độ tuổi lao động và dự báo, định hướng các ngành nghề cụ thể theo hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững