Đồng Tháp nâng cao chất lượng và quy mô giáo dục nghề nghiệp
(LĐXH) - Trong 5 năm qua, công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở Đồng Tháp đã đạt được những kết quả tích cực. Mạng lưới các cơ sở GDNN phát triển rộng khắp, phân bổ đều ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 42% (năm 2016) lên 50% (năm 2020), góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm trên địa bàn.
Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70%
Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, kết quả nổi bật trong công tác GDNN của tỉnh thời gian qua chính là việc quy hoạch và phát triển mạng lưới các cơ sở GDNN, nhất là các cơ sở GDNN tư thục, một cách rộng khắp, phân bổ đều ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề. Tính đến đầu năm 2021, toàn tỉnh có 28 cơ sở GDNN, quy mô đào tạo khoảng 21.500 học viên/năm; trong đó có 05 trường được đầu tư nghề trọng điểm; giai đoạn 2016 - 2020, có 07 cơ sở GDNN được đầu tư thiết bị dạy nghề từ Dự án đổi mới và phát triển dạy nghề và Dự án đào tạo nghề cho LĐNT với tổng kinh phí hơn 24 tỷ đồng. Nhờ đó, chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, các cơ sở dạy nghề chuyển dần từ dạy nghề sẵn có, sang dạy nghề theo nhu cầu xã hội, dạy nghề theo địa chỉ.
Các cơ sở GDNN cũng không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Các chương trình, giáo trình đào tạo, tài liệu giảng dạy được xây dựng và hoàn chỉnh kịp thời, đáp ứng sự phát triển ngành nghề đào tạo của địa phương, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và khả năng tiếp thu của người học; bài giảng mang tính tích hợp, vừa dạy lý thuyết kết hợp với thực hành nghề, không gây nhàm chán cho người học. Sau khi kết thúc khóa học, học viên làm được ngay bằng chính nghề mình đã học. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh triển đã triển khai đào tạo 144 nghề, trong đó có 30 nghề trình độ cao đẳng; 35 nghề trình độ trung cấp; 24 nghề trình độ sơ cấp và 55 nghề đào tạo dưới 03 tháng. Trong 5 năm qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt xây dựng 104 chương trình, giáo trình đào tạo, trong đó có 36 chương trình và 39 giáo trình đào tạo nghề phi nông nghiệp.
Đội ngũ nhà giáo GDNN cũng từng bước được tăng cường. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 765 nhà giáo và cán bộ quản lý, trong đó có được 236 người có trình độ sau đại học (chiếm 30,8%); đại học: 451 người (chiếm 59%); cao đẳng: 24 người (chiếm 3,1%); trung cấp: 38 người (chiếm 5%). Giai đoạn 2016 - 2020, có 1.002 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng sư phạm. Đến nay, cơ bản đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Nhờ đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh cho 106.785 học viên (trong đó, cao đẳng: 8.198 học viên, trung cấp: 12.791 học viên, sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng: 85.796 học viên), đạt 100,7% so với kế hoạch, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 58,2% năm 2016 lên 70% năm 2020, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề từ 42% tăng lên 50%.
Giai đoạn 2021 – 2025, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho 75.000 người
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, bảo đảm nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề, nâng cao năng suất lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động trong và ngoài nước, ngày 6/7/2021, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nghiệp năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, Đồng Tháp hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho 75.000 người (trình độ cao đẳng 11.540 người, trung cấp 15.552 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 47.908 người. Riêng năm 2021, hỗ trợ đào tạo nghề cho 15.000 người (cao đẳng: 2.187 người, trung cấp: 2.855 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 9.958 người). Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79%, trong đó, qua đào tạo nghề đạt 57%; hằng năm, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt tối thiểu 80%.
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại cơ sở GDNN theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Trong đó, tập trung cơ cấu lại hoặc giải thể các cơ sở GDNN công lập hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập và hoạt động theo quy định; lồng ghép công tác đào tạo nghề vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đào tạo, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về nguồn lao động của các đơn vị sử dụng.
Tỉnh sẽ khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, nhất là đào tạo ngành, nghề xã hội có nhu cầu mà các cơ sở GDNN công lập chưa đáp ứng được; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành, nghề có thu hút nhiều lao động nông thôn vào làm việc, phù hợp với trình độ đào tạo nghề sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Chú trọng công tác đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; thực hiện dự báo nhu cầu cung - cầu lao động nhằm chủ động trong công tác đào tạo nghề và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đào tạo nghề phục vụ xuất khẩu lao động. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp thông qua sàn giao dịch việc làm, chú trọng công tác đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Phối hợp với doanh nghiệp tiếp nhận học sinh, sinh viên thực thực tập trên dây chuyền sản xuất; đưa giáo viên, học sinh, sinh viên đi thực tế để nâng cao kỹ năng nghề, cập nhật công nghệ mới.
Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh vào học GDNN. Quan tâm, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án về phân luồng, hướng nghiệp và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Đức Tùng
TAG: