Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, tỉnh Đồng Nai thăm, tặng quà mẹ VNAH Võ Thị Anh, xã Tam An, H.Long Thành dịp 30-4-2021
Kỷ niệm 74 năm Ngày thương binh liệt sĩ (TBLS) năm nay đúng vào thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch. Việc chăm lo đời sống người dân nói chung, gia đình NCC trong đại dịch được toàn tỉnh Đồng Nai nỗ lực làm tốt theo phương châm: Phấn đấu để NCC và gia đình họ có mức sống tốt hơn hoặc tối thiểu bằng với mặt bằng dân cư nơi sinh sống.
*Quan tâm chăm sóc mọi mặt…
Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, tỉnh Đồng Nai cũng như nhiều địa phương trong cả nước đã chịu bao mất mát, hy sinh. Đặc biệt, Đồng Nai còn là vùng trọng điểm chiến lược với các địa danh như: Tổng kho Long Bình, Cánh cửa thép Xuân Lộc, Rừng Sác, Sân bay quân sự Biên Hòa...
Theo Theo ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH, hiện toàn tỉnh đang quản lý trên 57,5 ngàn hồ sơ NCC, thân nhân họ và đối tượng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có khoảng 10,3 ngàn hồ sơ NCC đang hưởng trợ cấp hằng tháng với kinh phí chi trả gần 23 tỷ đồng; trên 4,7 ngàn hồ sơ hưởng trợ cấp một lần…
So với cùng kỳ năm 2020, toàn tỉnh đã tăng 208 hồ sơ, trong đó có 57 hồ sơ xác nhận mới, phục hồi 1 hồ sơ, còn lại là hồ sơ chuyển đến; giảm 289 hồ sơ (trong đó có 59 hồ sơ chuyển đi, còn lại là cắt giảm). 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã chi trả trợ cấp cho trên 13 ngàn đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng kinh phí là hơn 120,2 tỷ đồng; thực hiện chi trả trợ cấp 1 lần cho 294 trường hợp với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng.
Trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho 181 NCC với số tiền hơn 440 triệu đồng; tổ chức điều dưỡng lần 1 năm 2021 cho 2.758 đối tượng với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Sở LĐ-TBXH tham mưu UBND tỉnh bổ sung 498 triệu đồng từ nguồn kinh phí do Trung ương ủy quyền cho công tác mộ và nghĩa trang liệt sĩ năm 2021 cho Ban quản lý nghĩa trang tỉnh, TP.Long Khánh và H.Nhơn Trạch…
Ông Hồ Văn Lộc nhấn mạnh: “Quan tâm chăm lo mọi mặt đời sống NCC và gia đình họ thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với thân nhân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là việc làm thiết thực góp phần vun đắp truyền thống đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc”.
Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Anh, xã Tam An, H.Long Thành (92 tuổi) đang sống cùng cháu ngoại luôn được quan tâm, chăm sóc đầy đủ, nhất là trong mùa đại dịch. Trưa ngày 27-4-2021, mẹ sửa soạn, mặc áo dài đẹp, không ngủ trưa để chờ đón đoàn công tác của Bộ Quốc phòng và Ban chỉ đạo Hội thảo khoa học “Hướng Đông Nam trên địa bàn Đồng Nai trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” đến thăm.
Mẹ nói: “Mẹ chờ đón các con, các cháu như đón chính hai người con trai mà năm xưa mẹ tiễn ra chiến trường đã mãi mãi không về. Hôm nay, cán bộ lãnh đạo Bộ Quốc phòng và đoàn công tác tỉnh Đồng Nai về thăm mẹ giống như con trai mẹ trở về nên mẹ vui không ngủ được, thức trưa để chờ đón”.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, tỉnh Đồng Nai thăm, tặng quà mẹ VNAH Võ Thị Anh, xã Tam An, H.Long Thành dịp 30-4-2021
Mẹ Võ Thị Anh kể, mẹ có 3 người con (2 trai, 1 gái) thì cả hai anh đều hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chồng mẹ cũng là một liệt sĩ hy sinh thời chống thực dân Pháp. Giờ mẹ sống cùng đứa cháu ngoại nhưng cứ mỗi dịp Tết, lễ hay những lúc trái gió, trở trời, những ngày ảnh hưởng bởi đại dịch, “các con của mẹ” – Những cán bộ làm công tác TBLS địa phương cùng cán bộ chiến sĩ các đơn vị nhận phụng dưỡng lại về bên mẹ.
Giống như mẹ Anh, các mẹ, các mẹ Nguyễn Thị Xót (xã Long Đức), Nguyễn Thị Hiểu, Nguyễn Thị Ra (xã Long An) và 51 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng của các cấp, các ngành, các đơn vị quân đội.
Bên cạnh việc chăm sóc tốt các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh và NCC được quan tâm, tạo mọi điều kiện, nhất là trong lúc dịch covid-19 hoành hành. Nhờ vậy, nhiều thương binh, bệnh binh trở về sau các cuộc kháng chiến đã thực hiện tốt lời Bác dạy: “thương binh tàn nhưng không phế”, nỗ lực vươn lên làm kinh tế giỏi, đóng góp tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước của địa phương.
Đó là những trường hợp như thương binh ¼ Đoàn Trung Ngọc (H.Trảng Bom); thương binh ¼ Nguyễn Văn Tường (TP.Biên Hòa); bệnh binh Nguyễn Công Thứ (H.Vĩnh Cửu)…là những điển hình đã từng được biểu dương, tôn vinh ở nhiều cấp, ngành.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TBXH, chỉ riêng dịp Tết nguyên đán đầu năm, thực hiện hướng dẫn của trên về tặng quà của Chủ tịch nước cho người có công, toàn tỉnh đã tổ chức thăm, tặng hơn 17,5 ngàn suất quà với kinh phí khoảng 5,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Cộng cả quà của tỉnh trong dịp Tết nguyên đán có gần 20 ngàn suất quà với tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ Tết cho người có công với cách mạng và thân nhân của họ…
Do đặc thù của đại dịch, tỉnh không còn hộ NCC nghèo, khó khăn nhưng cũng bị ảnh hưởng, nhất là các hộ NCC nằm trong vùng bị phong tỏa, cách ly y tế. Vì vậy, Sở LĐ-TBXH đã chỉ đạo các địa phương, phối hợp chặt chẽ, rà soát những hộ NCC nằm trong vùng phong tỏa để triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng quy định…
*Tiếp tục các hoạt động nghĩa tình
Theo ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH, những kết quả đạt được trong công tác chăm sóc người có công, gia đình cách mạng của tỉnh đã góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững. Qua đó, thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã hy sinh cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Cũng theo ông Hồ Văn Lộc, trong phạm vi quản lý, ngành LĐ-TBXH sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghĩa tình; quan tâm, chăm sóc đời sống NCC là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về truyền thống đấu tranh anh hùng của dân tộc, của các liệt sĩ, thương binh, gia đình có công sức đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 14-CT/TƯ ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC với cách mạng. Với chức năng được giao, Sở LĐ-TBXH tiếp tục phối hợp với các sở ngành, các địa phương tập trung, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác NCC với cách mạng.
Cụ thể, nghiên cứu, tiếp tục rà soát, xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận NCC với cách mạng theo đúng quy định; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, sở, ngành và địa phương trong thực hiện công tác NCC với cách mạng. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác này; thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với NCC với cách mạng. Nỗ lực để NCC và gia đình cách mạng luôn có mức sống tốt hơn hoặc bằng với mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.
Kỷ niệm 74 năm Ngày TBLS, Sở LĐ-TBXH đã có hướng dẫn và triển khai đến các huyện, thành phố về việc tặng quà của Chủ tịch nước, quà của Chủ tịch UBND tỉnh cho NCC. Theo đó, quà của Chủ tịch nước có 2 mức gồm 300 ngàn đồng/phần và 600 ngàn đồng/phần cho đối tượng theo quyết định của Chủ tịch nước. Quà của Chủ tịch UBND tỉnh trị giá 700 ngàn đồng/suất các đối tượng NCC theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh. Sở chỉ đạo, do điều kiện dịch covid-19 nên quà này phải được nhận và trao tặng hoàn thành trước ngày 27-7-2021.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng phòng NCC (Sở LĐ-TBXH): Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, hiện toàn tỉnh không còn trường hợp NCC có hoàn cảnh khó khăn hay trong diện nghèo. Tuy nhiên, đại dịch covid-19 đã tác động ảnh hưởng trực tiếp đến NCC và gia đình họ, nhất là những hộ nằm trong diện phong tỏa.
Nguyệt Hà