Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Đồng Nai: Nâng cao nhận thức về Bình đẳng giới cho người lao động
08:49 AM 05/08/2017
(LĐXH) - Kết quả khảo sát của Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) tỉnh Đồng Nai về thực trạng nhận thức về bình đẳng giới đối với người lao động trên địa bàn tỉnh cho thấy, trong số hơn 8 ngàn người lao động được khảo sát thì có trên 94% người đã từng nghe và biết đến cụm từ “bình đẳng giới” (BĐG); gần 74% ý kiến cho rằng bất BĐG ảnh hưởng đến việc xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc; trên 98% ý kiến tán thành việc phụ nữ tham gia vào các công việc quản lý và hoạt động xã hội nên việc BĐG giữa nam và nữ phải được thực hiện như nhau ở nhiều lĩnh vực của đời sống.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Nai, trưởng đoàn giám sát 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới tại Vĩnh Cửu

BĐG trong mọi lĩnh vực

Công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ được tỉnh triển khai rộng khắp, bước đầu mang lại kết quả. Những cụm từ “BĐG”, “Bất BĐG” hay “Bạo lực trên cơ sở giới, bạo hành”... đã trở nên quen thuộc với nhiều người, trong đó, lực lượng lao động đã nhận thức rõ: Bình đẳng ở đây không chỉ cùng nhau chia sẻ công việc, cùng nhau bàn bạc và quyết định những vấn đề trong gia đình mà còn còn thể hiện ở sự tự chịu trách nhiệm với những việc mình gây ra, cùng tôn trọng nhau...

Anh Trần Công Nam, công nhân công ty Saitex (KCN Biên Hòa 2) cho biết: “Ngày nay cả hai vợ chồng cùng đi làm, cùng kiếm sống nên chia sẻ việc nhà, chăm sóc, nuôi dạy con cũng như bàn bạc những công việc của gia đình phải được cả hai vợ chồng cùng đồng thuận. Ngoài ra, hiểu biết pháp luật về BĐG, chính mỗi thành viên vợ hoặc chồng còn phải tự chịu trách nhiệm với những hành vi mà mình gây ra”.

Ý thức rõ điều này, anh Nam thường xuyên thực hiện những công việc đưa đón con đi học, dạy con học bài, nấu bữa tối và cho các con ngủ. Vì vợ anh chị Thanh Mai làm ca 2 nên thường về nhà vào lúc 10 giờ 30 phút đêm. Hiểu và chia sẻ công việc với nhau nên căn phòng trọ chật chội của anh chị luôn tràn ngập tiếng cười.

Trường hợp của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng (công nhân công ty Mabuchi Motor) và anh Lương Thế Vinh (Công ty Taekwang Vina) cũng tương tự. Anh Vinh làm theo giờ hành chính, còn chị Hồng chuyên làm ca 2 và ca 3 nên mọi việc đưa đón con, nấu ăn và dọn dẹp hầu như anh Vinh đảm nhiệm. Chị Hồng cho hay: “Công việc của chồng tôi ổn định hơn cả về giờ giấc, nội quy nên anh hỗ trợ tôi đưa đón, lo cho 2 đứa nhỏ và các việc gia đình. Bởi chồng bát còn có lúc xô xát huống chi vợ chồng nên sau mỗi lần to tiếng, chúng tôi ai thấy có lỗi tự mình xin lỗi, làm lành nên mọi việc lại được giải quyết nhanh chóng”. Cũng theo quan điểm của chị Hồng, BĐG không chỉ là chia sẻ việc nhà mà mỗi người phải tự chịu trách nhiệm với những việc mình gây ra. Vì thế sau mỗi lần va chạm, hạnh phúc gia đình anh chị lại gắn bó và bền chặt hơn.

Lao động nữ chủ yếu trong các doanh nghiệp may, da giày...

Tuyên truyền BĐG cho người lao động

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Phước Mạnh chia sẻ, qua khảo sát dù tỷ lệ lao động trả lời biết về các cụm từ “BĐG” khá cao nhưng thực sự hiểu sâu vấn đề và ý thức rõ công tác BĐG cũng như hành động để đạt các mục tiêu về BĐG chưa nhiều. Vì thế, cùng với việc tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức thì người lao động là mục tiêu để Liên đoàn Lao động tập trung tuyên truyền, nâng nhận thức, giúp họ biết, hiểu sâu sắc về nội dung này và vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn.

Trước hết là bình đẳng trong lĩnh vực lao động, việc làm, trong thực hiện các chính sách đối với lao động nữ và nhiều hoạt động khác. Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp tập huấn công tác truyền thông về BĐG cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp với 1,3 ngàn người (năm 2016) và trên 850 người từ đầu năm đến nay đã tác động tích cực đến việc nâng nhận thức cho lao động về BĐG.

Mặt khác, theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Phước Mạnh, làm tốt việc tuyên truyền nâng nhận thức về BĐG còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. BĐG từ gia đình sẽ tạo môi trường lành mạnh để con người đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước, giải phóng phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ được bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Theo đó, Ban chỉ đạo tỉnh và các ngành sẽ lồng ghép BĐG vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch hoạt động của sở, ngành, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BĐG; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức BĐG đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là khu nhà trọ, khu có đông người lao động, các doanh nghiệp, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc...phấn đấu đạt mục tiêu năm 2017 với 30,5% tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp; 34% nữ lao động nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề; 85% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có nội dung lồng ghép giới.

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh, Thường trực Ban chỉ đạo BĐG và Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2017, trên cơ sở Chương trình hành động quốc gia về BĐG giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Đồng Nai và kết quả khảo sát trong lao động thời gian qua, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, cổ động, nâng cao hơn nữa nhận thức cho toàn thể người lao động nói riêng và các tầng lớp trong xã hội theo mục tiêu của chương trình.

N. Trinh

TAG:
Tin khác
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật