(LĐXH) - Sáng ngày 15/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra phiên khai mạc của buổi Đối thoại cao cấp APEC 2017 về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, nằm trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM 2) ở Hà Nội. Sự kiện thu hút sự tham dự của bộ trưởng các bộ phụ trách lao động và việc làm; đại diện các bộ giáo dục và đào tạo; các nhà hoạch định chính sách và các bên có liên quan trong nước và khu vực đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Về phía nước chủ nhà Việt Nam, Đối thoại có sự tham dự của Phó Thủ tướng Nước CHXHCN Việt Nam Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, một số trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh nguồn nhân lực ở bất kỳ thời gian nào cũng là yếu tố trung tâm, là động lực của phát triển. Điều này, thể hiện tầm quan trọng, ý nghĩa của Đối thoại với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số”. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kỷ nguyên số sẽ đặt ra rất nhiều thách thức cho người lao động, nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng trong việc phát triển, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đọc lời chào mừng Đối thoại Theo Phó Thủ tướng, công nghệ thông tin giúp thị trường lao động được tổ chức, vận hành hiệu qủa, tiết kiệm thời gian kết nối việc làm. Ở Việt Nam, từ nhiều năm duy trì hệ thống gần 130 trung tâm giới thiệu việc làm công lập, hàng năm tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 3 triệu lao động. Những năm gần đây nhiều sàn giao dịch việc làm trực tuyến ra đời với bộ máy gọn nhẹ hơn nhiều. Có thể khẳng định,công nghệ thông tin giúp thị trường lao động được tổ chức, vận hành hiệu qủa, tiết kiệm thời gian kết nối việc làm.
Thủ tướng cũng cho rằng quan trọng là nắm bắt được cơ hội. Không chỉ có ngành nghề mới, việc làm mới mà còn là phương thức cung cấp, tổ chức lao động mới. Ngoài ra còn cần thay đổi phương pháp giáo dục ngay từ những bậc phổ thông, mẫu giáo nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức công dân về kỷ nguyên số với những đòi hỏi, yêu cầu gắt gao hơn về mặt kỹ năng, kiến thức trong lao động.
Toàn cảnh buổi Đối thoại Cao cấp APEC 2017 về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số Trong bài phát biểu chào mừng, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: Các nền kinh tế đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy các nỗ lực để đảm bảo tăng trưởng bền vững và toàn diện, trong đó tập trung mạnh vào việc nâng cao khả năng thích ứng của lực lượng lao động để nhanh chóng đáp ứng với sự thay đổi của phát triển công nghệ. Theo đó việc tăng cường các nỗ lực để bảo đảm việc làm bền vững và chất lượng cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm yếu thế, bằng cách hỗ trợ tiếp cận hệ thống giáo dục và dạy nghề bao trùm, có chất lượng, khích lệ tinh thần khởi nghiệp; hoàn thiện an sinh xã hội và tăng cường hợp tác khu vực là mối quan tâm và là cam kết của các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế APEC.
"Đối thoại chính sách Cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là một bằng chứng về cam kết của các nền kinh tế APEC nhằm tăng cường và thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển, phù hợp với yêu cầu của người lao động và người sử dụng lao động, nhằm vun đắp tương lai chung về một APEC năng động, hòa bình, đi đầu trong tăng trưởng và liên kết toàn cầu, có khả năng ứng phó với những biến đổi kinh tế - tài chính và những thách thức do thiên nhiên và con người gây ra" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh; đồng thời bày tỏ tin tưởng, những sáng kiến, kinh nghiệm và bài học tốt về các chính sách và thực tiễn từ các nền kinh tế APEC hướng tới tương lai việc làm tốt đẹp hơn. Trong đó,chủ động đào tạo nguồn nhân lực, điều chỉnh chính sách an sinh xã hội sẽ góp phần quan trọng vào nỗ lực chung nhằm tiếp tục cụ thể hóa và hiện thực hóa những chỉ đạo, định hướng của Lãnh đạo Cấp cao, đồng thời bổ sung cho các sáng kiến và chương trình hành động hiện hành của APEC hướng tới việc làm bền vững, bao trùm cho tất cả mọi người.
Đối thoại Chính sách cao cấp về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là diễn đàn thảo luận, chia sẻ mối quan tâm, nhận định, đánh giá về tương lai việc làm và tác động của số hóa, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển thị trường lao động bền vững và toàn diện; về tăng cường giáo dục và đào tạo kỹ năng và các khía cạnh về an sinh xã hội.
Đối thoại tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu: Tương lai việc làm trong kỷ nguyên số hoá; những hàm ý chính sách dành cho thị trường lao động, các yêu cầu về giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế mới; và an sinh xã hội trong kỷ nguyên số.
Các đại biểu tham dự buổi Đối thoại đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC Tại Đối thoại, các đại biểu và diễn giả đã thảo luận về những hàm ý của số hóa đối với việc làm tương lai và những thách thức và cơ hội mà nó sẽ mang đến cho người lao động và cộng đồng của họ. Để giải quyết những thách thức này, các nền kinh tế APEC khuyến nghị: cần tập trung đặc biệt vào các kỹ năng, giáo dục và đào tạo để đảm bảo rằng những người tham gia thị trường lao động có khả năng tận dụng tốt những cơ hội mới. Đặc biệt chú ý để “ không để ai bị bỏ lại phía sau”, các chính sách bảo trợ xã hội cần được thực hiện để hỗ trợ những lao động bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi cơ cấu.
Đại biểu các nền kinh tế APEC cũng sẽ xem xét Khung phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số nhằm đưa ra một loạt các chính sách và biện pháp thích hợp nhằm hỗ trợ các nền kinh tế chuẩn bị cho những người tham gia thị trường lao động về những thách thức và cơ hội trong việc làm hiện tại và xa hơn trong tương lai, góp phần vào những sáng kiến và đóng góp của APEC vào những nỗ lực toàn cầu, bao gồm cả sáng kiến của ILO “Tương lai việc làm” và những nỗ lực nhằm đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, cũng như tăng cường sự thịnh vượng chung cho khu vực. Khung này sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng APEC và Hội nghị các Nhà Lãnh đạo Kinh tế vào tháng 11 năm 2017, tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.
Kết quả của Đối thoại sẽ là một văn kiện về Phát triển nguồn nhân lực trong Kỷ nguyên số, dự kiến được thông báo vào chiều nay.
Minh Ngọc