Đôi chân kỳ diệu
(LĐXH) - Nhiều lúc ngồi xem lại cuốn album ảnh thời học phổ thông, tôi lại nhớ về cô gái ấy. Điều tôi quý nhất, khâm phục nhất và học được ở cô bạn gái này nhiều nhất đó là nghị lực sống.
Cô đã đi bằng “chính đôi chân của mình” để vượt lên số phận, hòa nhập với cộng đồng. Cô gái ấy có tên là Nguyễn Thị Kim Ngân ở khu phố 7, phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.
Chúng tôi quen nhau rất tình cờ và trở nên đôi bạn thân từ lúc nào không nhớ nữa. Ngày đó khi mới chập chững bước vào lớp 10, buổi học đầu tiên tôi đi muộn nên các bạn đã ngồi hết chỗ, chỉ còn dãy bàn ghế cuối lớp và chỉ duy nhất một người ngồi, tôi xuống ngồi ở đó sát bên Ngân. Cô giáo chủ nhiệm bảo các bạn xuống ngồi cùng bàn với tôi nhưng không ai hưởng ứng cả, thậm chí còn cười mỉa mai. Một số bạn ngồi trước mặt tôi còn cười khúc khích, tôi không hiểu chuyện gì. Đến khi lớp học kết thúc, mọi người ra về hết, chỉ còn lại Ngân và tôi. Ngân đứng dậy và bước những bước đi thật khó khăn. Một chân của Ngân bị tật nên bước chân cao chân thấp, lúc đó tôi mới hiểu ra vì sao các bạn không chịu ngồi cùng Ngân mà còn chế nhạo nữa. Cái nhìn thị phi và định kiến của các bạn trong lớp khiến Ngân thu mình lại không muốn nói chuyện cùng với ai.
Nhưng rồi kết quả học tập hằng năm đã trả lời cho mọi người xung quanh biết Ngân không phải là cô gái bỏ đi, "là gánh nặng cho xã hội”. Năm nào cô cũng đạt học sinh giỏi được nhà trường biểu dương như là một tấm gương sáng về vượt khó học tập. Cô còn là cây viết văn rất hay, nằm trong đội tuyển học sinh giỏi văn cấp tỉnh.
Thời gian đã đưa chúng tôi xích lại gần nhau và trở nên thân thiết hơn. Qua những lần tâm sự tôi được biết một chân Ngân bị tật là do bại liệt từ nhỏ lúc năm 3 tuổi. Lúc đó gia đình Ngân cũng rất nghèo, nhà lại đông anh em, mặc dù đã hết sức chữa chạy cho Ngân khắp nơi nhưng một chân của Ngân không đi được nữa. Ngân trở thành người người tàn tật kể từ đó.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, cô bạn của tôi có hoàn cảnh thương tâm đến như vậy, thế mà tôi cứ tưởng tôi là người bất hạnh nhất. Mặc dù tôi có đầy đủ đôi mắt để nhìn, đôi chân lành lặn để đi nhưng tuổi thơ của tôi và cho đến bây giờ là những tháng ngày sống không có bố. Những lúc ngồi tâm sự với bạn về tuổi thơ của mình, Ngân luôn nắm tay tôi và an ủi “Đừng bi quan trước cuộc sống, hãy mạnh mẽ lên!”, rồi bạn ấy đã đọc câu danh ngôn mà tôi còn nhớ mãi: “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Có lẽ đó là một thông điệp, là nguồn động viên lớn để cho tôi và bạn ấy vững bước trên đường đời.
Ngày chia tay mái trường phổ thông, ai cũng ấp ủ trong mình một hoài bão lớn, tôi đăng ký vào trường Đại học Sư phạm Huế, còn Ngân cũng ước mơ trở thành cô giáo dạy văn. Nhưng vì gia đình quá khó khăn, vả lại theo quy định của ngành giáo dục không nhận những người tật nguyền đứng trên bục giảng nên buộc bạn ấy phải rẽ ngang cuộc đời. Ngân chọn nghề thợ may để theo học.
Lúc đầu công việc này với Ngân rất là khó khăn vì phải đạp máy bằng chân, mà một chân của Ngân thì không đạp được. Ngân có ý định bỏ cuộc, nhưng rồi nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè Ngân đã vượt qua. Bây giờ Ngân đang mở quán may tại nhà, mặc dù quán của Ngân không có bảng hiệu nhưng người tới may áo quần rất đông, phần lớn là phụ nữ trong thôn. Họ vừa đến may vừa trò chuyện với Ngân làm cô ấy có thêm niềm vui trong cuộc sống. Những chiếc áo dài, chiếc váy Ngân may được khách hàng hài lòng, thích thú, dù lâu mấy họ vẫn đợi để may cho bằng được. Ngân xem đó là nguồn động viên cho mình. Nghề thợ may bằng đôi bàn tay khéo léo của mình và sự kiên trì chịu khó đã giúp Ngân kiếm thu nhập, dù không nhiều nhưng Ngân đã chủ động về kinh tế trang trải cuộc sống.
Có lần về thăm bạn, tôi hỏi: “vì sao bạn chọn nghề này?”, Ngân cười và trả lời thật duyên: “vì nghề này cũng mang đến cho đời cái đẹp mà!”. Đúng thế, nghề nào cũng là nghề cao quý miễn là đem đến cho đời những bông hoa tươi thắm giữa vườn hoa muôn sắc. Từ đó tôi nghiệm ra rằng Ngân là cô gái đầy nghị lực, đúng như người ta xưng tụng “tàn nhưng không phế” bao giờ.
Không dừng lại ở đó, Ngân còn là người vợ đảm đang, người vợ hiền thục trong một mái ấm gia đình hạnh phúc. Tưởng như những sóng gió trong chuyện tình cảm làm Ngân không thể vượt qua nhưng ngược lại đó là cô gái mạnh mẽ, đầy bản lĩnh. Ngày ấy bạn cũng có mối tình rất đẹp với người mình yêu nhưng vì gia đình người con trai đó không đồng ý, không chấp nhận người con dâu tật nguyền, sau này sẽ khó khăn trong vấn đề sinh nở. Ngân chia tay mối tình đầu đầy nước mắt. Nhưng rồi số phận đã mỉm cười với Ngân, bạn đã gặp được chỗ dựa vững chắc trên đường đời. Người chồng của bạn cũng là người tàn tật, hai mảnh đời ghép lại đem đến hạnh phúc cho nhau và họ có với nhau một đứa con trai rất kháu khỉnh. Tuy vậy cuộc sống vật chất của Ngân đang gặp khó khăn vì người chồng của bạn không có nghề nghiệp ổn định, lại phải săn sóc bố mẹ chồng già yếu. Tất cả đều trông chờ vào đôi bàn tay Ngân trong khi bản thân mình lại tàn tật.
Gia đình nhỏ của Ngân
Vẫn biết rằng, số phận đã không cho Ngân một cơ thể lành lặn, nhưng bằng những cố gắng vươn lên không biết mệt mỏi, Ngân đã tự bù đắp cho mình niềm tin, sự lạc quan để vượt lên nghịch cảnh,. Trong Ngân vẫn khao khát được sống, được lao động bằng chính nghị lực của mình.
Ở ngôi nhà của Ngân, có lẽ niềm tin yêu vào cuộc sống như ngọn lửa chưa bao giờ tắt. Dường như ông trời thật công bằng, không cho ai tất cả và cũng không cướp đi của ai mọi thứ mà chính chúng ta mới quyết định số phận của mình. Từ cuộc đời của cô bạn gái đã cho tôi niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống đó là ý chí, là nghị lực để vươn lên, “vượt qua số phận”.
Thu Thanh
TIN LIÊN QUAN
TAG: