(LĐXH)- Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 3 tại Việt Nam, ngày 22/10, Bộ Lao động – TBXH Việt Nam phối hơp với Ban Thư ký ASEAN, Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) và Chương trình tăng cường đối thoại EU - ASEAN (E-READI) tổ chức hội nghị Đối thoại ASEAN – EU về bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ và trẻ em gái.
Cuộc đối thoại tập trung vào chủ đề “Thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 5: bình đẳng giới tại nơi làm việc”. Cuộc đối thoại có sự tham gia của các quan chức cao cấp của Liên minh Châu Âu (EU) và các Quốc gia thành viên ASEAN chịu trách nhiệm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Thị Hà trao đổi trước hội nghịVề phía Việt Nam, phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Nguyễn Thị Hà, cho biết: Bình đẳng giới tại nơi làm việc là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quyền năng kinh tế, là tiền đề nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Nhận thức rõ điều này, Việt Nam đã xây dựng những khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ về kinh tế thông qua các mô hình, hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc.
Ước tính có khoảng 50% lao động nữ được học nghề từ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tỉ lệ có việc làm của phụ nữ trong tổng số lao động có việc làm được duy trì ở mức trên 48%. Nhiều địa phương xây dựng được Quỹ “Phụ nữ khởi nghiệp” và có tỉ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt trên 30%. Nhiều cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất có mô hình nhà trẻ. Nhờ đó, bình đẳng giới trong lao động, việc làm ngày càng được cải thiện đáng kể, tăng cường bình đẳng giới thực chất về quyền và cơ hội giữa nam và nữ.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc hội nghị đối thoại"Sự ra đời của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc với Mục tiêu số 5 về bình đẳng giới đã tiếp thêm động lực cho các nước trên thế giới và các cơ chế khu vực để thực hiện những cam kết của mình trong lĩnh vực này. Mục tiêu số 5 nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực và hiệu quả của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế, là động lực chính tạo ra sự phát triển bền vững. Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, bao gồm cả việc thực hiện Mục tiêu số 5 về đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Ông Bruno Angelet, Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại hội nghịÔng Kung Phúc (Kung Phoak), Phó Tổng thư ký Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN phát biểu: ASEAN cam kết đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái như đã thể hiện trong Tầm nhìn ASEAN 2025 và các văn kiện trọng yếu của ASEAN. Năm 2017 là một năm thành công của ASEAN trong việc tôn vinh phụ nữ và trẻ em gái.
Ông Geiger Henriette, Giám đốc về nhân dân và hòa bình, Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Hợp tác và phát triển quốc tế, Ủy ban Châu Âu, trao đổi: Bình đẳng giữa nam và nữ là một trong những giá trị cơ bản của Ủy ban Châu Âu được nêu rõ trong các Hiệp định của EU. Liên minh Châu Âu thúc đẩy bình đẳng giới trong phạm vi lãnh thổ của mình cũng như trong quan hệ với các nước đối tác, đặc biệt là trong các hoạt động hợp tác phát triển.
Các đại biểu chụp ảnh chung tại hội nghị đối thoạiASEAN và Liên minh Châu Âu là hai đối tác cam kết chặt chẽ trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và các quyền tự do cơ bản được quy định trong Tuyên bố toàn cầu về Quyền con người và các văn kiện quốc tế liên quan mà các quốc gia ASEAN tham gia. Cuộc đối thoại chính sách giữa EU và ASEAN về quyền con người được tổ chức tại Bruc-xen Bỉ năm 2015 và tiếp đó là cuộc đối thoại chính sách lần 2 về quyền con người vào 2017 tại Bohol, Phil-lip-pin.
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Nguyễn Thị Hà, cho biết thêm: Cuộc đối thoại này được tổ chức trong chuỗi các sự kiện hướng tới Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần 3 vào ngày 25/10/2018 tại Hà Nội, chúng tôi hy vọng rằng sự kiện này sẽ là khởi đầu cho các diễn đàn thảo luận và trao đổi về các thách thức, kinh nghiệm tốt cũng như các giải pháp dựa trên bằng chứng về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững số 5 và các mục tiêu phát triển bền vững khác liên quan tới giới trong cả hai khu vực.
Đại biểu trao đổi bên lề hội nghịNgoài việc tham gia tích cực vào các hoạt động khu vực, Việt Nam cũng là nước điều phối dự án “Lồng ghép giới vào các chính sách lao động và việc làm nhằm thúc đẩy việc làm bền vững cho tất cả mọi người” giai đoạn 2018 - 2020. Đây là hoạt động do Việt Nam đề xuất thuộc kênh Lao động ASEAN và đã nhận được sự phối hợp của kênh Phụ nữ ASEAN (ACW). Dự án hiện đã được các Bộ trưởng Lao động ASEAN phê duyệt trong trong Kế hoạch làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2016 - 2020. Đầu ra của dự án là xây dựng bản Hướng dẫn lồng ghép giới vào luật pháp và các chính sách lao động, trong đó đề cập tới vấn đề lao động nữ trong pháp luật, chính sách lao động so với các tiêu chuẩn quốc tế. Thông qua hướng dẫn đó, các nước trong khu vực có thể định hình thực trạng bình đẳng giới tại quốc gia mình, đồng thời tăng cường hơn nữa việc lồng ghép giới trong lĩnh vực lao động và việc làm nhằm góp phần thúc đẩy bình đẳng giới hướng tới việc làm bền vững cho tất cả mọi người.
Đại điện Đại sứ quán Ai - len tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm bình đẳng giớiBình đẳng giới không chỉ là một quyền cơ bản của con người mà còn là một nền tảng cần thiết để xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững. Mặc dù ghi nhận những tiến bộ đã đạt được cho đến nay, phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục chịu sự phân biệt và bạo lực trên khắp mọi nơi trên thế giới. Mục tiêu phát triển bền vững số 5 nhằm đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, được coi là tiền đề để đạt được tất cả các mục tiêu phát và chỉ số phát triển bền vững.
Chí Tâm