Điện Biên: Giúp người nghèo “cần câu”
Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ cho người nghèo. Ðồng thời các cơ quan, đơn vị cũng thường xuyên kết nối, vận động hỗ trợ người nghèo các xã khó khăn, vùng cao, biên giới theo hình thức “trao cần câu, không trao xâu cá”.
Thực hiện Quyết định số 182/QÐ-UBND, ngày 26/3/2012 của UBND tỉnh về việc phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã khó khăn, Ban Tổ chức Tỉnh ủy được phân công giúp xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên), nay chia tách thành 2 xã: Mường Nhà và Na Tông. Song song với việc phân công cán bộ giúp 2 xã củng cố hệ thống chính trị; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban thực hiện kết nối các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quyên góp tiền mua bò sinh sản hỗ trợ hộ nghèo. Từ năm 2015 đến nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã trao 23 con bò sinh sản với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng cho 43 hộ nghèo xã Na Tông nuôi luân chuyển.
Cuối tháng 12/2017, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao tặng 3 con bò sinh sản và 6 suất quà cho 6 hộ nghèo tại xã Na Tông. 3 hộ được nhận bò đợt này là: Mùa A Só, Giàng A Sếnh (bản Hin Phon) và Quàng Thị Săn (bản Na Hươm). Ông Giàng A Sếnh, bản Hin Phon cho biết: Ðiều kiện gia đình tôi rất khó khăn, thường xuyên bị đói giáp hạt. Ðợt này được các cấp quan tâm tạo điều kiện trao bò giống, tôi sẽ chăm sóc bò thật tốt, khi bò đẻ sẽ luân chuyển cho hộ khác, tôi sẽ nuôi bê con.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tích cực kết nối với các nhà hảo tâm, nhà tài trợ để hỗ trợ người nghèo trên địa bàn. Năm 2017, Hội đã kết nối, hỗ trợ 4 con bò giống cho 4 hộ nghèo ở xã Mường Tùng với hình thức tài trợ một phần (70%) và người dân đối ứng 30%. Bà Ðào Thị Luyến, Trưởng Ban Công tác xã hội và cứu trợ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Trước tiên phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ nghèo. Các hộ nghèo thường thiếu vốn sản xuất, thiếu khoa học kỹ thuật do trình độ học vấn thấp, thiếu đất sản xuất và cũng có một phần còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng… Qua đó, tùy điều kiện của từng hộ mà hỗ trợ tiền và quản lý việc sử dụng tiền hợp lý. Cơ bản, Hội thường giúp theo cách “cầm tay chỉ việc”, tạo cho người dân xuất phát điểm ban đầu để họ trực tiếp lao động sản xuất, phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo bền vững. Những năm qua, hình thức hỗ trợ bò luân chuyển đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều hộ đã thoát nghèo.
Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 2894/KH-UBND ngày 5/10/2017 với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm. Phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020) từ 48,14% năm 2015 xuống dưới 33%. Cụ thể, đối với các huyện, thị giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5%/năm trở lên trong 5 năm liên tục; đối với các huyện 30a và tương đương giảm từ 7%/năm trở lên; giảm tỷ lệ hộ nghèo đối với xã được phân công giúp đỡ từ 2%/năm trở lên. Ðể thực hiện thành công mục tiêu này, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách như: 30a; 135/CP… đối với từng địa bàn, đối tượng thụ hưởng. Ðồng thời tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp giàu lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ người nghèo. Tạo phong trào thi đua sâu rộng, với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, phát huy tinh thần sáng tạo của các tập thể và tầng lớp nhân dân trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Nhật Phương
TAG: