Xây dựng Đảng
Trang chủ / Thời sự / Xây dựng Đảng
Điểm tựa truyền thống tiếp bước cho khát vọng Tây Hồ
02:07 PM 14/03/2024
(LĐXH) - "Địa vô Tây hồ, Thăng Long bất thành đô": không có hồ Tây thì Thăng Long không thành kinh đô. Trong tâm thức mỗi người dân Thủ đô, vùng đất Tây Hồ luôn gắn với những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc. Biết bao giai thoại, trầm tích "phủ bóng" khiến mảnh đất này trở thành vùng đất biểu tượng không thể không nhắc đến tại Hà Nội.

Lịch sử gợi nhắc về hồ Tây như chốn thơ hay lui tới của các bậc đế vương, tao nhân mặc khách. Trong "Thăng Long tứ trấn" thì có 2 công trình đặc biệt đều nằm ở hồ Tây, đó là đền Quán Thánh (còn có tên là Trấn Vũ quán) ở khu vực phía Bắc và đền Thủ Lệ (còn gọi là đền Voi Phục) ở phía Tây. Hồ Tây là tâm điểm của một vùng “linh địa”, được bồi đắp bởi bề dày trầm tích văn hóa phong phú. Từ thời Lý, vùng này đã quy hoạch tổng thể với quy mô lớn và độc đáo bằng việc hình thành 13 làng nghề chuyên canh đầu tiên, là những thực thể gắn bó với nông nghiệp như: hoa cây cảnh ở Nghi Tàm, Ngọc Hà; quất ở Tứ Liên, Quảng Bá; đào ở Nhật Tân, Phú Thượng; cá cảnh ở Yên Phụ; trồng dâu, nuôi tằm ở Nghi Tàm; dệt lụa, the ở Bưởi; trồng thuốc Nam ở Đại Yên; đúc đồng ở Ngũ Xã…

Theo tiến trình phát triển, lấy mốc từ tháng 12/1995, quận Tây Hồ chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 phường Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ của quận Ba Đình và 5 xã Quảng An, Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng, Xuân La của huyện Từ Liêm (cũ). Xuyên suốt quá trình hơn 28 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan trong định hướng, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc của quận, đến thời điểm này, Tây Hồ khởi sắc trở thành địa bàn hội tụ đầy đủ các tiềm năng để góp phần cùng sự phát triển của thủ đô, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng quận thành trung tâm dịch vụ, thương mại và du lịch của Thủ đô… Sự nghiệp văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển toàn diện, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân được nâng cao. Trên địa bàn quận không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố. Công tác Quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường được thực hiện hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn.

Hồ Tây - viên ngọc bình yên giữa lòng thủ đô

Nét nổi bật của Tây Hồ - “lá phổi xanh của thủ đô”, hiện đã sở hữu hệ thống giao thông ấn tượng với các tuyến đường huyết mạch từ 8 - 10 làn xe kết nối thẳng với các quận, huyện lân cận như: đường Võ Chí Công nối từ đầu Nam cầu Nhật Tân đến ngã tư đường Hoàng Hoa Thám – Hoàng Quốc Việt và đường Bưởi; đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài chạy xuyên qua Khu đô thị Tây Hồ Tây, chạy qua các phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy), Xuân La (Tây Hồ); đường nối cầu Nhật Tân – cầu Thăng Long… Những tuyến đường này được coi là trục liên thông kết nối hệ thống giao thông ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc của Hà Nội. Toàn quận có 71 di tích lịch sử văn hóa, 42 di tích đã xếp hạng, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng như: Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, đền Đồng Cổ, chùa Vạn Niên, chùa Hoằng Ân… Cùng với đó là những làng nghề truyền thống cổ xưa vang danh cả nước. Nổi bật, đô thị hóa thường khiến nghề nông mất đi, nhưng nhiều "làng lúa, làng hoa" đi vào thơ ca vẫn tiếp tục phát triển khi bước vào thời đại 4.0. Đơn cử như trước sự cạnh tranh của các làng hoa ven đô, người Tây Hồ chọn cho mình một lối đi riêng. Phần đông người Nhật Tân chuyển sang trồng đào thế. Với nghề truyền thống tích lũy qua nhiều thế hệ, đào Nhật Tân khác biệt hẳn so với những cây đào nơi khác.

Từ những tiềm năng đó, trải qua quá trình phát triển, quận Tây Hồ tiếp tục duy trì và gìn giữ, phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống và sản xuất, xây dựng thương hiệu các làng nghề truyền thống và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quận.

Với định hướng phát triển kinh tế bền vững theo cơ cấu “dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp”, “Không đánh đổi môi trường, an sinh xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới luôn là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt được thành phố Hà Nội quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong quá trình thực hiện đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô. Thế nước lên thuyền lên hợp với ý Đảng lòng dân, nhưng cốt lõi là chính quyền địa phương đã có những chính sách thông thoáng, chú trọng cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân.

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quận Tây Hồ đã tập trung nguồn lực đầu tư cho hệ thống hạ tầng đô thị nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện để phát triển ngành dịch vụ, du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống trên địa bàn; tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, với việc phê duyệt quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương tại Hà Nội đến năm 2030, quận Tây Hồ được chính quyền Hà Nội quy hoạch trở thành một trong 2 khu hành chính mới đặt trụ sở cho 13 đại sứ quán, di dời 5 bộ ngành, 8 sở ngành bao gồm: Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây Dựng cùng hàng chục văn phòng của các tổ chức phi chính phủ. Cùng với đó, sự xuất hiện của các Khu đô thị Tây Hồ Tây, Ciputra, trung tâm tâm thương mại Lotte Mall… đã từng bước cải thiện bộ mặt đô thị và vị thế của quận trung tâm hành chính, kinh tế đa quốc gia năng động bậc nhất.

Trong năm 2023, chỉ số cải cách hành chính và chỉ số SIPAS của quận Tây Hồ xếp thứ 4/30 quận/huyện/thị xã, xếp thứ 3/30 quận/huyện/thị xã về chỉ số hài lòng của người dân. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được chỉ đạo triển khai bảo đảm đúng quy định. Cơ bản 100% thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn. Cắt giảm thời gian giải quyết đối với 22 thủ tục hành chính cấp quận và 23 thủ tục hành chính cấp phường. Thực hiện nghiêm túc việc ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai cơ bản hiệu quả 2 dịch vụ công liên thông theo Đề án 06 của Chính phủ… Đặc biệt trong năm 2023, các Ban chỉ đạo bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, nhiều sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn quận, bảo vệ thành công các đoàn khách quốc tế, nguyên thủ quốc gia đến thăm và làm việc của Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình... tạo được uy tín cũng như được đông đảo nhân dân đánh giá cao, anh em bạn bè quốc tế ghi nhận.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, cơ hội và thách thức đan xen, nhưng với quyết tâm chính trị và tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quận Tây Hồ đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 21/21 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó 6/21 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch; 3/3 chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Quận cũng đã triển khai thực hiện đạt kết quả tốt như việc di dời các phương tiện thủy nội địa đang neo đậu tại khu vực Đầm Bảy ra khỏi hồ Tây; tổ chức xử lý các trường hợp vi phạm đất đai, quản lý trật tự xây dựng, đô thị còn tồn đọng trong các kết luận thanh tra, kiểm tra; công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ vào Quân đội và tham gia nghĩa vụ Công an Nhân dân có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, ngày giao, nhận quân thực sự trở thành ngày hội lên đường bảo vệ Tổ quốc của thanh niên trên địa bàn…

Với vị thế thuận lợi, nhiều công trình kinh tế, chính trị, trung tâm thương mại được xây dựng, nâng tầm vị thế quận Tây Hồ

Điểm sáng thời gian qua, Tây Hồ là quận đầu tiên trên địa bàn thành phố triển khai xây dựng thành công mô hình “Phường văn hóa”. Đây là một mô hình văn hoá riêng có của quận Tây Hồ được triển khai với quan điểm: lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, góp phần xây dựng khối đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, nâng cao dân trí, phát triển đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát huy nội lực, tiềm năng của cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, quận Tây Hồ đã có 7/8 phường đạt danh hiệu “Phường Văn hoá”. Qua đó, định hướng xây dựng, phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, sinh thái đặc trưng của quận Tây Hồ, gắn với hồ Tây; quyết tâm xây dựng thành công các phường đạt chuẩn đô thị văn minh trong thời gian sớm nhất.

Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo phát triển toàn diện, Hà Nội dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước. chất lượng giáo dục và đào tạo quận tiếp tục giữ vững và nâng cao: tỷ lệ học sinh thi đỗ vào lớp 10 THPT đứng thứ 9/30 quận, huyện; tỷ lệ học sinh giỏi đạt giải Thành phố tăng 22,4% so với năm học trước; số trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 96,3% đứng trong tốp đầu Thành phố. Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục & Đào tạo quận được Sở Giáo dục & đào tạo Thành phố đánh giá 11/13 chỉ tiêu xuất sắc (tăng 5 chỉ tiêu xuất sắc so với năm học trước), được tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Thành phố.

Đối với địa bàn có 106.000/gần 170.000 dân trong độ tuổi lao động, nhu cầu đào tạo nghề, hướng nghiệp, giải quyết việc làm tương đối lớn. Bằng các giải pháp tích cực, mỗi năm toàn quận đã có trên 6.000 lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm tập trung ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Thông qua các hoạt động, các buổi sinh hoạt của các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ dân phố, các phòng, ban, ngành đã mở các hội nghị tư vấn hướng nghiệp, lớp dạy nghề ngắn hạn miễn phí, phiên giao dịch việc làm; điều tra cập nhật biến động cung - cầu lao động; vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội”. Trong các trường phổ thông các em học sinh cuối cấp được tư vấn hướng nghiệp, được học một số nghề phù hợp, giúp các em lựa chọn những ngành nghề xã hội đang cần, phù hợp với năng lực sở trường của bản thân. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, vào sự phát triển về kinh tế - xã hội của quận Tây Hồ.

Chè sen Quảng Bá, xôi Phú Thượng và nhiều làng nghề mang nét đặc trưng của thủ đô

Với các lợi thế về vị trí, quy hoạch, định hướng phát triển và cảnh quan thiên nhiên, Tây Hồ được ví như viên ngọc xanh của mảnh đất ngàn năm văn hiến và là trung tâm của Thủ đô Hà Nội trong tương lai. Tính tới thời điểm này, theo Sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có trên 140 điểm đến, trong đó 42 điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố đã được công nhận. Khu du lịch Nhật Tân có tài nguyên hấp dẫn, đã đón du khách tham quan, trải nghiệm các dịch vụ từ năm 1999 và mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 5642/QĐ-UBND của về việc công nhận khu du lịch cấp thành phố đối với Khu du lịch Nhật Tân. Với sự nổi tiếng sẵn có của làng trồng hoa đào Nhật Tân, vẻ đẹp của hồ Tây và các điểm đến tham quan du lịch, việc công nhận khu du lịch cấp thành phố sẽ tạo điều kiện để quận Tây Hồ triển khai các hoạt động quảng bá thu hút khách du lịch. Đây được xem là bước tiến mới trong hành trình xây dựng, phát triển Nhật Tân thành “Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, sản phẩm du lịch đặc sắc, tiêu biểu của Thủ đô, phù hợp với phương châm của du lịch Việt Nam được nêu tại Chỉ thị 08-CT/TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ là “Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững”.

Trong bối cảnh Thành phố Hà Nội đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, quận Tây Hồ đang tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện việc xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, tạo sức hấp dẫn cho quận Tây Hồ, lan tỏa cảm hứng sáng tạo, ý thức bảo tồn văn hóa lịch sử trong mỗi người dân và du khách. Đây cũng là phương thức để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tăng khả năng thu hút khách du lịch nhằm đưa Tây Hồ trở thành “trung tâm văn hoá, du lịch” của Hà Nội. Theo đó, quận đã và đang tập trung xây dựng không gian văn hóa sáng tạo đặc trưng, không chỉ nhằm phục vụ vui chơi, giải trí cộng đồng, mà hơn hết, những không gian đó sẽ “đánh thức” giá trị văn hóa lịch sử gắn với đặc trưng của khu vực hồ Tây – nơi bảo tồn nhiều di tích lịch sử mang dấu ấn đậm nét của Kinh thành Thăng Long xưa như: chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ, đền Đồng Cổ... Trong số 71 di tích ở vùng này đã có 40 di tích được xếp hạng và trở thành điểm đến nổi tiếng của các du khách trong và ngoài nước. Ở các di tích này có nhiều văn vật có giá trị: 102 bia đá, 165 câu đối, 140 bức hoành phi, 18 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá…

Phủ Tây Hồ, huyền thoại linh thiêng của Thủ đô

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, cũng như nhiều đô thị khác ở châu Á, trong quá trình phát triển bùng nổ, Hà Nội đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường bất động sản. Các nguồn lợi kinh tế dẫn đến mối đe dọa về sự phá vỡ cấu trúc đô thị lịch sử, vấn đề xung đột giữa thiên nhiên và con người ngày càng nghiêm trọng, cả hệ sinh thái thiên nhiên, hệ sinh thái nhân văn đang dần bị phá vỡ trong các đô thị. Và theo các chuyên gia, các đặc điểm của mối quan hệ qua lại giữa hệ thống này và sự hình thành những hình thái đặc trưng, thể hiện rõ trong khu vực hồ Tây, một trong những khu vực tập trung và phát triển nhất Hà Nội với tốc độ đô thị hóa và xây dựng mạnh. Trong tình hình đô thị hóa như hiện nay, có được một vùng nước, đất như ở hồ Tây và các ao đầm để tạo nên một hệ sinh thái đất ngập nước trong đô thị là rất đáng quý.

Thiên nhiên quanh hồ Tây là một hệ sinh thái trù phú và vô cùng quý giá cần phải được gìn giữ. Các di tích văn hóa quanh hồ Tây được bảo tồn trong một vùng thiên nhiên đặc biệt sẽ làm cho môi trường thiên nhiên và môi trường văn hóa nơi này đẹp hơn và thẳm sâu hơn, tạo ra được một khu du lịch sinh thái và văn hóa đặc biệt ngay trong lòng Hà Nội. Điều này đã được làm rõ trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Quy hoạch này hướng tới khuyến khích xây dựng không gian mới hiện đại, đồng thời, gìn giữ các công trình di tích lịch sử, mang đậm nét văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, phát triển đô thị và khai thác tiềm năng du lịch là bài toán mà chính quyền quận Tây Hồ phải cân nhắc đảm bảo không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế trước mắt.

Các tuyến phố được gắn bảng Tuyến phố văn minh thương mại

“Cần coi hồ Tây là báu vật để giữ gìn và phát triển” đây là chỉ đạo của đồng chí Bí thư thành uỷ Hà Nội trong buổi làm việc với làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ về kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020-2023, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo. Đồng chí Bí thư thành uỷ gợi mở những định hướng để quận Tây Hồ phát triển nhanh và bền vững thời gian tới, trên tinh thần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, thành phố, cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương, định hướng trên một số lĩnh vực thế mạnh như di tích văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục..., trong đó quận phải khơi thông nguồn lực từ văn hóa để phát triển nhanh và bền vững.

Hiện, UBND quận đang hoàn thiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực hồ Tây và phụ cận. Quận sẽ đầu tư triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án “Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực quận Tây Hồ” giai đoạn 2; Đề án “Điểm du lịch, dịch vụ văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy Dó, phường Bưởi”; Đề án “Trung tâm giới thiệu và thưởng thức trà sen Tây Hồ phường Quảng An”; Đề án “Điểm thông tin giới thiệu, quảng bá dịch vụ du lịch, văn hóa quận Tây Hồ”; Đề án “Phát triển làng nghề hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên gắn với dịch vụ du lịch”… Đây là phương thức để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa xung quanh khu vực hồ Tây. Phấn đấu đến năm 2025 quận Tây Hồ trở thành Trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô.

Triển lãm ảnh sáng tạo Tây Hồ 360°

Quận cũng đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch quận Tây Hồ”; ra mắt trang thông tin điện tử “Tây Hồ 360°”. Đồng thời, thông qua các phương tiện công nghệ thông tin trực tuyến, tạo lập cơ sở dữ liệu phục vụ quá trình chuyển đổi số trong ngành văn hóa, du lịch, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của người dân và khách du lịch.

“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ tiếp tục đoàn kết hiện thực hóa khát vọng xây dựng khu vực hồ Tây với chức năng là trung tâm văn hóa, công cộng, phát triển du lịch, khai thác cảnh quan, trở thành điểm nhấn của Thủ đô, nhất là khai thác tiềm năng to lớn, đặc biệt là tiềm năng về văn hóa khu vực hồ Tây, góp phần phát triển Hà Nội xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại”, theo Thường trực Thành ủy Hà Nội, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng.

Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố luôn được Đảng bộ quận Tây Hồ quan tâm tổ chức thực hiện

Hồ Tây vẫn đẹp thơ mộng trong lòng phố thị cổ Hà Nội, nhưng có lẽ đến giờ, xu thế tất yếu của đô thị hóa cùng với yêu cầu quy hoạch xây dựng thủ đô, những làng hoa Ngọc Hà, Quảng Bá, Nhật Tân, làng lúa Xuân La, Xuân Đỉnh không còn nữa. Nhưng nhắc đến thủ đô Hà Nội, đặc biệt mỗi dịp xuân về, lời bài hát “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” của nhạc sĩ Ngọc Khuê lại vang lên trong trẻ mà tha thiết vô cùng. Bởi, không còn làng hoa Ngọc Hà, nhưng nhiều làng hoa khác vẫn đua nhau nở rộ trên khắp các làng quê, và bao làng lúa vẫn xanh tươi trên mọi miền đất nước.

“Bên lúa, anh bên lúa,Cánh đồng làng ven đê.

Hồ Tây xanh mênh mông, trong tươi thắm nắng chiều.

Làng em làng hoa, hoa hơm ngát bốn mùa…”.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, lòng quả cảm chiến đấu vì độc lập, tự do, khát vọng hòa bình và dựng xây quê hương của quân và dân Thủ đô không chỉ được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước ghi nhận, mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao, tôn vinh là “Thành phố của lương tri và phẩm giá con người,” “Thành phố vì hòa bình” và nay là "Thành phố sáng tạo". Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Quận Tây Hồ, một mảnh ghép quan trọng, đẹp và không thể thiếu của Hà Nội đang hoà làm nên thanh âm của khát vọng Thăng Long – khát vọng Tây Hồ./.

 Đăng Doanh

TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giáo dục truyền thống cho các thế hệ hiện tại và tương lai về ngành
Khơi dậy lý tưởng cách mạng của lực lượng cán bộ trẻ hướng tới phát triển tổ chức Đảng vững mạnh
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần tập trung vào Đề án phát triển nhân lực chất lượng cao
Phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng (Bài 2)
Việt Nam tiếp tục mở rộng hợp tác lao động với các nước khu vực Châu Á
Tổng kết, trao giải cuộc thi viết 'Vượt lên số phận' lần thứ VII
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan tham dự Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 28
Phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng