An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Dạy nghề vẽ móng nghệ thuật miễn phí cho người khuyết tật
05:02 PM 13/03/2019
(LĐXH) Sáng ngày 13/3/2019, tại Trụ sở Trung tâm Vì Ngày mai (389 Đường An Dương Vương, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Hà Nội) diễn ra Lễ khai giảng lớp kỹ thuật vẽ móng nghệ thuật miễn phí cho người khuyết tật.
Đây là khóa học do Trung tâm Vì Ngày mai phối hợp với Trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội phối hợp dạy nghề miễn phí cho 12 học viên là người khuyết tật với sự hỗ trợ về nguyên liệu để thực hành và học bổng 1 triệu đồng/học viên của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Ngọc Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh). Trong thời gian học nghề 10 ngày liên tục, các học viên sẽ được các giáo viên Trường Cao đẳng Hùng Vương hướng dẫn vẽ 10 mẫu hoa cơ bản, cách phối màu trên các mẫu hoa cơ bản đó, sơn, sửa trên móng tay giả rồi thực hành trên móng tay thật ... Cùng với đó, các học viên cũng sẽ được hướng dẫn tỷ mỷ các kỹ thuật làm móng tay nghệ thuật sao cho đẹp, nhanh và thuần thục.
Các học viên, giáo viên và Giám đốc Trung tâm Vì ngày mai 
tại Lễ khai giảng lớp kỹ thuật làm móng nghệ thuật miễn phí cho người khuyết tật.
Cô Nguyễn Ngọc Liên, một trong những giáo viên trực tiếp hướng dẫn các học viên khuyết tật trong khóa học này cho biết, sau khóa học cô sẽ lựa chọn một số học viên đạt kết quả học tập xuất sắc nhất đến cửa hàng của cô tiếp tục thực hành, nâng cao tay nghề, để sau đó các học viên này trở về làm việc tại cửa hàng của Trung tâm và trở thành những hạt nhân tiếp tục truyền nghề cho những người khuyết tật khác.
Bà Lê Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Vì ngày mai phát biểu tại Lễ khai giảng 
Phát biểu tại Lễ khai mạc lớp đào tạo nghề, bà Trần Bảo Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội cho biết, được thành lập năm 2008 trên cơ sở nâng cấp từ trường trung cấp nghề, qua quá trình trưởng thành và phát triển, đến nay Trường Cao đẳng Hùng Vương Hà Nội đã trở thành một địa chỉ đào tạo tin cậy, được nhiều người trên địa bàn Hà Nội và cả nước biết đến. Trong nhiều năm qua, nhà trường luôn nỗ lực để giữ vững và thực hiện đúng định hướng, tôn chỉ đào tạo của Trường là: Thực học - Thực hành - Thực làm, coi học sinh là trung tâm cho mọi hoạt động của Trường, phấn đấu đào tạo cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao có thể “làm việc thực sự” ngay sau khi tốt nghiệp.
Cô Nguyễn Ngọc Liên trao học bổng cho người khuyết tật tham gia khóa học
Bên cạnh việc chú trọng xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, đa bậc học, đa ngành và đa hệ đào tạo, Trường cũng đưa vào chương trình đào tạo thường xuyên để truyền nghề cho các học viên có nhu cầu tìm kiếm việc làm ổn định trong thời gian ngắn. Nhà trường đã kết hợp với nhiều trung tâm trong thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận để đào tạo nghề miễn phí cho các học viên khuyết tật, học viên có hoàn cảnh khó khăn để giúp họ có một nghề và công việc phù hợp, có thể tự lo cho cuộc sống của mình. 
Theo bà Lê Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Vì Ngày mai, Trung tâm được thành lập năm 2002 với mục tiêu đem lại cuộc sống bền vững và hạnh phúc cho thanh thiếu niên khuyết tật bằng cách chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng thông qua đào tạo nghề, tạo việc làm và trợ giúp họ có cuộc sống độc lập.
Hoạt động với 100% kinh phí từ nguồn xã hội hóa, qua 17 năm hoạt động, Trung tâm Vì ngày mai đã đào tạo nghề cho hơn 1.600 thanh thiếu niên khuyết tật. Kết quả trên 80% học viên đều có hướng phát triển tốt: Tiếp tục lên những bậc học cao hơn hoặc có việc làm ổn định. Trung tâm đã thành lập và hỗ trợ thành lập 8 cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật tại Nam Định, Thanh Oai, Sóc Sơn (Hà Nội), tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm người khuyết tật. Mỗi năm, lồng ghép trong các chương trình dạy nghề Trung tâm còn dạy văn hóa, xóa mù chữ cho 30 - 50 người khuyết tật, tổ chức hơn 100 sự kiện thực hiện quyền bình đẳng, hòa nhập cho người khuyết tật, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về các vấn đề của người khuyết tật nhằm tạo sân chơi “Bình đẳng - Hòa nhập - Trách nhiệm” cho người khuyết tật. Lớp học nghề kỹ thuật làm móng nghệ thuật này là một cơ hội, một bước ngoặt mới giúp người khuyết tật trang bị một kỹ năng nghề mới nhằm có việc làm, thu nhập, tự tin hòa nhập cộng đồng./.
Thảo Lan
TAG:
Tin khác
Những khu giải trí từng hot nhất Hà Nội: Hoàng kim rồi vụt tắt
“Bữa ăn hạnh phúc” cùng 662 phần quà được trao cho học sinh trường Khao Mang
Đắk Lắk: Chăm lo chu đáo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
Chương trình “Xuân biên cương - Tết ấm cho em – Hội chợ Tết 0 đồng”
Người dân Hà Nội 'xé rào', đi ngược chiều trên đường Lê Quang Đạo
Mang chim thú, cây lạ về nhà, coi chừng phạm pháp
Chương trình Tết đồng bào 2025: Mang Tết sớm đến với đồng bào vùng cao huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
Bắc Giang: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Chương trình 'Tết cho trẻ em nghèo' trao tặng hàng chục suất quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn