Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại các cấp địa phương
(LĐXH) - Chiều ngày 14/11/2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD) – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế: “Địa phương hóa các mục tiêu phát triển bền vững”.
Tham dự hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng. Đồng tham dự hội thảo gồm có các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách... những người quan tâm đến lĩnh vực phát triển bền vững, chỉ số phát triển bền vững nhằm chia sẻ, thảo luận những phát hiện, kết quả nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm quốc tế và bài học rút ra cho Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cấp địa phương trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc diễn ra trong tháng 9/2015 tại New York (Hoa Kỳ), các nhà lãnh đạo thế giới đã thống nhất thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát bền vững. Chương trình Nghị sự 2030 là bước tiếp nối, phát triển từ sự thành công của Mục tiêu thiên niên kỷ và Chương trình Nghị sự 21 (được thông qua năm 1992). Chương trình Nghị sự 2030 có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, với mục tiêu hoàn tất công việc dang dở của Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và Chương trình Nghị sự 21 không để ai bị bỏ lại phía sau. Chương trình này được thiết kế xung quanh 05 trụ cột, với 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chia sẻ: “Diễn dàn hôm nay tổ chức với mục đích nhìn lại tiến trình đã qua trong việc địa phương hóa các mục tiêu phát triển bền vững trên thế giới và tại Việt Nam. Hội thảo không chỉ bàn luận những vấn đề về lý luận, phương pháp, kỹ thuật trong việc áp dụng từng mục tiêu, từng chỉ số vào bối cảnh của mỗi quốc gia mà còn thảo luận những kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của các cộng đồng”
Để có thể theo dõi, đánh giá và giám sát quá thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, từng thành viên tại các quốc gia khác nhau đã và đang tiếp tục “địa phương hoá” các mục tiêu phát triển bền vững ở cả cấp quốc gia, cấp tỉnh và thậm chí ở cấp thấp hơn. Cụ thể hơn, địa phương hoá các mục tiêu phát triển bền vững chính là quá trình đưa các mục tiêu phát triển bền vững được xây dựng và qui ước bởi các tổ chức quốc tế vào địa phương, để đạt được sự phát triển cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường toàn diện và hiệu quả. Hoạt động này giúp hài hòa giữa mục tiêu quốc gia và nguyện vọng cộng đồng trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức khác nhau ở các mức độ khác nhau như vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề giảm nghèo, già hóa dân số, bảo tồn di sản văn hoá,...
Phát biểu tại Hội thảo TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng nhấn mạnh: “Địa phương hoá các mục tiêu phát triển bền vững sẽ giúp tập trung nguồn lực và năng lực tại cấp địa phương, nâng cao ý thức và hợp tác giữa các cấp chính quyền, nhà đầu tư, người dân trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Địa phương hoá các mục tiêu phát triển bền vững cũng là công cụ quan trọng giúp theo dõi, đánh giá, điều chỉnh chiến lược phát triển hướng tới bền vững của một quốc gia, vùng lãnh thổ hay địa phương một cách hệ thống; và trong nhiều trường hợp, đó chính là công cụ cảnh báo sớm giúp quá trình ra quyết định tốt hơn, hiệu quả hơn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở cấp quốc gia”.
Tại Việt Nam, thực hiện cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Kế hoạch hành động quốc gia đã xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 với 115 mục tiêu cụ thể và đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Kế hoạch hành động. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia là xây dựng Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, làm thước đo để đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam.
Ngày 04/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt nam đến 2030. Để theo dõi giám sát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đồng thời ban hành Thông tư 03 ngày 19/01/2019 của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư về chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam. Trước sự thay đổi mạnh của bối cảnh trong nước và quốc tế liên quan tới phát triển bền vững, gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 04/7/2023 ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 (thay thế Quyết định 681/QĐ-TTg). Quyết định này đưa ra lộ trình và cơ quan chủ trì cụ thể thực hiện 17 mục tiêu PTBV Việt Nam với 117 chỉ tiêu đến năm 2030. Về cơ bản, Việt Nam đã “địa phương hoá” các mục tiêu và lộ trình thực hiện phát triển bền vững để hướng tới hiện thực hoá Chương trình Nghị sự 2030 ở tầm quốc gia.
Trong khuôn khổ Hội thảo “Địa phương hoá các mục tiêu phát triển bền vững”, trên cơ sở các bài tham luận, các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, chuyên gia và tổ chức trong nước và quốc tế có cơ hội chia sẻ, thảo luận chi tiết hơn về các kết quả nghiên cứu, những phát hiện và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp địa phương nhằm hướng tới triển khai Chương trình Nghị sự 2030 ở cấp toàn cầu./.
Nguyễn Hoàng