Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Đẩy mạnh các hoạt động vay vốn giải quyết việc làm ở Lai Châu
09:35 AM 07/08/2017
LĐXH - Trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm, hướng tới giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn, cũng như nhiều địa phương khác, Lai Châu đã chủ động bám sát, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Lai Châu vẫn còn khá cao, chiếm 36,51%. Với đặc thù miền núi, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, 80% lao động của tỉnh làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo về chuyên môn kỹ thuật còn thấp, chiếm 42,8%, trong đó lao động qua đào tạo nghề còn thấp, chỉ chiếm 27%. Trước thực tế đó, nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được lồng ghép, song hành cùng các chương trình xóa nghèo của địa phương. Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách được địa phương xác định là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, giúp hộ nghèo tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.

Nhiều mô hình chăn nuôi đã thành công nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm

(Ảnh: vbsp.org.vn)

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu, từ năm 2011 đến hết quý II/2017, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 6.715 lao động, chủ yếu là đồng bào người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Từ nguồn vốn thu hồi, tỉnh đã cho 354 dự án vay vốn việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, với số tiền cho vay là 13, 946 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 740 lao động, đạt 54,8% kế hoạch. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của trung ương cũng như vốn ngân sách của địa phương, bao gồm cả vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các chính sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng tỉnh miền núi đã phát huy hiệu quả, giúp cải thiện đáng kể diện mạo kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Lai Châu. Hàng nghìn hộ đã thoát nghèo, gần 2.600 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng, trên 3.000 lao động đã được tạo việc làm; hàng vạn gia súc, gia cầm được nuôi nhờ vốn vay ưu đãi…

Để đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các hội, đoàn thể trên địa bàn thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay. Qua kiểm tra, từ nguồn vốn vay, các hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, tập trung vào phát triển chăn nuôi, trồng, chăm sóc cây chè, kinh doanh dịch vụ, chu cấp cho học sinh, sinh viên theo học tại các trường cao đẳng, đại học. Mục đích sử dụng đúng, có hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống gia đình, nhiều mô hình từng bước mở rộng về quy mô, chất lượng có hiệu quả kinh tế cao, không chỉ bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống hộ vay vốn mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Niêm yết công khai các thông tin về vay vốn ưu đãi tại các điểm giao dịch xã

(Ảnh: vbsp.org.vn)

Vốn chính sách đang hàng ngày ghi những dấu ấn quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, để đồng bào nơi đây thoát được cảnh nghèo nhanh, hàng hóa sản xuất ra không chỉ còn mang tính tự cung, tự cấp, mà có thể trở thành hàng hóa lớn, phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành nhằm đầu tư cho hạ tầng, đưa thêm nguồn tín dụng ưu đãi, tuyên truyền, tập huấn phương thức canh tác cho đồng bào nơi đây, góp phần nâng cao nhận thức, thực hiện thành công công cuộc giảm nghèo bền vững. Trong thời gian tới, để hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 1.350 lao động năm 2017, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lai Châu sẽ phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội kiểm tra, giám sát đối với các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm nhằm đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, qua đó phát hiện, nhân rộng những mô hình vay vốn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Cùng với đó, các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thông qua nhiều hình thức để người dân biết quy trình vay vốn và đăng ký tham gia khi có nhu cầu./.

Trần Huyền

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật