Phát biểu tại hội nghị, TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục GDNN, nhấn mạnh cần đẩy mạnh đào tạo và phát triển trường tại doanh nghiệp, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo GDNN nói chung và ngành Logistics nói riêng.
Phát biểu chia sẻ về công tác tuyển sinh, đào tạo GDNN và những ngành đang thu hút nhân lực hiện nay và trong thời gian tới, đặc biệt là nguồn nhân lực logistics, TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục GDNN cho biết, trong 2 năm 2020- 2021 đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động đến hoạt động GDNN. Năm 2021 là năm đầu tiên sau nhiều năm công tác tuyển sinh, đào tạo trong GDNN không hoàn thành được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Những biến động về mặt xã hội đã tạo sự bất ổn về lực lượng lao động, dịch bệnh dần được khống chế hoạt động sản xuất kinh doanh mở cửa trở lại, đặt ra bài toán cấp bách về đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho doanh nghiệp và thị trường lao động.
Bước sang năm 2022, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Chính phủ đã có chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế, đặc biệt trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ; với mục tiêu phấn đấu hoàn thành kế hoạch tuyển sinh các trình độ trong GDNN năm 2022 đạt 2.086.000 người (trong đó tuyển sinh trung cấp và cao đẳng: 530.000 người, tuyển sinh sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác: 1.556.000 người). Theo đó, yêu cầu công tác tuyển sinh phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu của mỗi nhà trường, địa phương, trú trọng hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.
TS Bình nhấn mạnh, để kịp thời cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần phục hồi kinh tế theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, hệ thống GDNN nói chung, cơ sở GDNN đang đào tạo các ngành, nghề thuộc lĩnh vực Logistics nói riêng cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Tập trung toàn lực triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ công tác tuyển sinh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch tuyển sinh các trình độ GDNN năm 2022 đã đề ra. Duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, hoàn thiện chuẩn đầu ra, trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, có sự tham gia của các bên liên quan. Đồng thời, đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra đánh giá; chuẩn hóa, tăng cường cơ sở vật chất thiết bị; chuẩn hóa giáo viên; kiểm định chất lượng; ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics để cung cấp nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho doanh nghiệp; Đẩy mạnh đào tạo và phát triển trường tại doanh nghiệp, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo; Gắn kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp, trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của cơ sở GDNN,…
Theo quy định tại Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ LĐ-TB&XH ban hành danh mục đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng và thực tế tuyển sinh, đào tạo tại các trường, hiện nay trong lĩnh vực Logistics có khoảng 33 ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng và 44 ngành, nghề đào tạo ở trình độ trung cấp. Trong đó có 6 ngành, nghề đã xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra gồm: Xếp dỡ cơ giới tổng hợp, Logistics, Quản trị bán hàng, Hành chính logistics, Quản lý kho hàng, Kinh doanh xuất nhập khẩu.
Hiện nay trên cả nước có hơn 50 trường cao đẳng và trung cấp có đào tạo các ngành, nghề thuộc lĩnh vực logictics với quy mô đào tạo hàng năm từ 9.000 - 11.000 người trình độ cao đẳng và trung cấp. Ngoài ra, hàng năm các cơ sở GDNN và doanh nghiệp còn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động thuộc các ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực logisics từ 30.000 đến đến 45.000 lượt người. Công tác tuyển sinh, đào tạo các ngành, nghề trong lĩnh vực Logistics nhìn chung cũng gặp phải những khó khăn như tình hình chung của GDNN. Ngoài ra còn có những thách thức lớn hơn khi mà dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi nhiều thói quen trong toàn bộ đời sống xã hội, nhu cầu giao thương hàng hóa dịch vụ tăng cao, các doanh nghiệp trở lại hoạt động để phục hồi kinh tế đã tạo ra sự thiếu hụt lực lượng lao động, trong đó có nhân lực lao động trong lĩnh vực logistics.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Chương trình Aus4Skills, VCCI, VLA, các cơ sở GDNN và đối tác doanh nghiệp tổ chức thí điểm cơ chế phối hợp với doanh nghiệp trong GDNN. Thành lập và thực hiện thí điểm cơ chế phối hợp doanh nghiệp và GDNN dựa trên mô hình Ủy ban tham vấn doanh nghiệp vận tải và logistics của Australia; Thí điểm thực hiện chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn nghề cho 05 ngành, nghề trong lĩnh vực logistics gồm: Nhân viên nhà kho, Giám sát nhà kho, Nhân viên hành chính Logistics, Nhân viên giao nhận và Nhân viên xếp dỡ hàng tổng hợp tại 06 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam, gồm: Trường Cao đẳng Kinh tế TP. HCM; Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức; Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II; Trường Cao đẳng Viễn Đông; Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi; Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh,..
Trương Đăng