Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Đào tạo nghề nghiệp cho lao động nữ di cư: Thực trạng và giải pháp
08:50 AM 25/10/2018
(LĐXH) - Thiếu kỹ năng, thiếu cơ hội nâng cao tay nghề hoặc các chính sách hỗ trợ về mặt xã hội... đã khiến công việc và cuộc sống của những lao động nữ di cư trở nên bấp bênh. Trong quá trình di cư, họ phải đương đầu với một số rủi ro như bạo lực/buôn bán người, phân biệt đối xử, ít được tiếp cận với việc tuyển dụng công bằng và việc làm bền vững, ít được bảo vệ và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ. Sự trải nghiệm tích cực và đóng góp của lao động nữ di cư chỉ được bảo đảm khi sự an toàn, quyền lao động và quyền con người của họ được bảo vệ đầy đủ.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có hệ thống luật pháp, chính sách về lao động – việc làm và giáo dục nghề nghiệp khá toàn diện liên quan đến lao động nữ di cư như Luật Giáo dục, Bộ Luật Lao động, Luật Cư trú, Luật BHXH, Luật Giáo dục Nghề nghiệp, Luật BHYT, Luật An toàn, vệ sinh lao động… và các văn bản liên quan. Về mặt pháp lý, các chính sách này có thể hỗ trợ tích cực cho việc phát triển thị trường lao động trong nước và hỗ trợ việc làm cho người lao động.
Điều 35, Hiến pháp 2013 quy định quyền của người lao động trong đó có lao động nữ di cư về bình đẳng trong việc làm và thu nhập, không bị phân biệt đối xử. Theo đó, mọi công dân đều có quyền làm việc và lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; được đảm bảo điều kiện làm việc bình đẳng và an toàn, có quyền được trả lương và thời gian nghỉ ngơi.
Lao động nữ di cư gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục và đào tạo
Về giáo dục và đào tạo nghề nghiệp, Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định duy nhất một nội dung người học là phụ nữ khi tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo duới 03 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của Thủ tuớng Chính phủ. Tuy nhiên, lao động nữ di cư không thể tiếp cận các khóa học và chính sách dạy nghề tại nơi họ đến vì những chính sách này thường chỉ được thông báo và dành cho người dân có hộ khẩu thương trú theo quy định. Ví dụ: Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27 tháng 11 năm 2009 về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được áp dụng đối với người lao động nông thôn đang sinh sống tại địa bàn họ thường trú, không bao gồm nhóm lao động di cư không có hộ khẩu. Mặc dù trong thời gian gần đây, một số văn bản quy phạm pháp luật và chính sách được ban hành như Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế… đã bao gồm yếu các tố nhạy cảm giới, tuy nhiên, vẫn còn một số luật còn có yếu tố trung lập giới mang tính chung chung như: Luật Việc làm (Điều 5, mục 6) về “Hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số” và Luật Giáo dục Nghề nghiệp (Điều 6, mục 7) về “…thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục nghề nghiệp”.
Thực trạng việc làm của lao động nữ di cư
Khảo sát thị trường việc làm cho nữ lao động nhập cư tại Hà Nội của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp năm 2017 cho thấy, lao động nữ di cư cũng như con cái của họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục và đào tạo. Còn theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa cao nhất, ước tính tới 86% lao động trong ngành dệt may - da giày và 75% lao động trong ngành điện tử. Trong đó, lao động nữ và lao động không có kỹ năng sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đào tạo và đào tạo lại cho người lao động, giúp họ nắm bắt được những kỹ năng mới, công nghệ mới để có thể thích ứng với những thay đổi trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi vì nếu không tiếp cận được với các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, lao động nữ lại càng dễ bị tổn thương hơn nữa.
Ảnh minh họa
Còn trong khuôn khổ Dự án Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội-Plan International năm 2017 (Tổ chức nhân đạo hoạt động tại 71 quốc gia trên thế giới để thúc đẩy quyền trẻ em và quyền bình đẳng cho trẻ em gái), lao động nữ chưa qua đào tạo nhận mức lương thấp đáng kể (4,8 triệu đồng/tháng) so với lao động qua đào tạo (6,1 triệu đồng/tháng). Nhìn chung, thu nhập của lao động nữ di cư tương đối thấp, chỉ đủ trang trải cho các nhu cầu căn bản của cuộc sống. Chưa kể lao động nữ phải thuê nhà và có con nhỏ còn gặp nhiều khó khăn hơn, buộc họ phải gửi con vào trường tư với chi phí đắt hơn với chất lượng không đảm bảo, hoặc là phải gửi về quê cho người thân chăm sóc. Đặc biệt, thời gian làm việc của họ thường kéo dài với trên 9 giờ/ngày, cá biệt có những trường hợp tới 12-14 giờ/ngày và trong điều kiện tương đối khắc nghiệt. Ngoài ra, lao động nữ ở khu vực kinh tế phi chính thức còn không được hưởng các chính sách bảo hiểm ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Có khoảng 70% lao động nữ di cư làm việc không có hợp đồng lao động hoặc chỉ ký hợp đồng ngắn hạn dưới ba tháng; khoảng 30% lao động nữ di cư được tham gia BHXH, 39% tham gia bảo hiểm y tế và 21% tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại nơi làm việc.
Có thể nói, nhận thức và trình độ của lao động nữ di cư nhìn chung còn hạn chế, đa số đều không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Phần lớn họ không được đào tạo nghề thông qua phương thức vừa học vừa làm. Mặc dù có được kỹ năng nghề qua tích lũy kinh nghiệm tại nơi làm việc nhưng các kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề, kỹ năng tiếng anh, tin học, kỹ năng giao tiếp của họ còn kém… Đặc biệt, lao động nữ nhận được rất ít hỗ trợ từ phía chủ cơ sở sử dụng lao động, điển hình là tại các cơ sở sản xuất - thương mại – dịch vụ thuộc khu vực phi chính thức.
Hầu hết các lao động nữ ngoại tỉnh chưa được tiếp cận, tư vấn thông tin đầy đủ về đào tạo nghề và việc làm. Một số lao động nữ khu vực phi chính thức muốn tham gia BHXH tự nguyện nhưng họ cũng mới chỉ được hưởng chế độ bảo hiểm dài hạn như lương hưu, trợ cấp tử tuất mà không có chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp - là những điều mà họ thực sự cần để ứng phó, giảm thiểu những rủi ro trong làm việc và đời sống. Chưa kể, một số điều khoản trong Bộ Luật Lao động còn chung chung, không cụ thể dễ dẫn đến người sử dụng lao động nữ lợi dụng lách luật, gây hậu quả xấu với lao động nữ. Thực tế, việc sử dụng và thực thi Bộ Luật Lao động ở nhiều doanh nghiệp hiện nay còn tùy tiện, đặc biệt là trong việc bố trí việc làm, giờ giải lao và làm thêm giờ. Điều này cũng vô hình chung đã tước đi quyền có việc làm của lao động nữ.
Nhu cầu đào tạo nghề nghiệp và cơ hội việc làm bền vững
Trên thực tế, mặc dù lao động nữ di cư đang làm hoặc tìm được công việc không thật sự bảo đảm về mặt chất lượng, song họ vẫn có thể tìm việc khá dễ dàng và có cơ hội phát triển nếu được hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp phù hợp. Hoặc một bộ phận lao động nữ di cư đã có kinh nghiệm làm việc với trình độ tay nghề nhất định nhưng chưa có bằng hoặc chứng chỉ và chưa được công nhận chính thức trên thị truờng lao động, nếu được tạo điều kiện để tham gia các khoá học nghề, lao động nữ sẽ được chuẩn hóa về kiến thức, kỹ năng nghề và được công nhận chính thức, tự do tìm được việc làm tốt hơn.
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng nghề cốt lõi và các kỹ năng mềm phù hợp giải quyết vấn đề, giao tiếp, sắp xếp công việc hợp lý, phương pháp tổ chức, lập kế hoạch. Bên cạnh những yêu cầu về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, một số chủ cơ sở/doanh nghiệp còn nhấn mạnh cần đào tạo thêm về kỹ năng sống cho lao động nữ di cư, đặc biệt là các lao động trẻ. Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ và tin học của lao động nữ di cư còn thấp đã làm giảm cơ hội tìm được việc đối với các nghề thị trường có nhu cầu và mức lương tương đối hấp dẫn như lễ tân khách sạn, tiếp thị, bán hàng kiêm thu ngân...
Để giải quyết cơ bản vấn đề việc làm cho lao động nữ di cư, cần thiết phải nhận thức đúng về vị trí, vai trò và các vấn đề liên quan đến việc làm cho lao động nữ trong khu vực phi chính thức, đồng thời, có các chính sách hỗ trợ toàn diện cho lao động di cư. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện những giải pháp trọng tâm sau:         
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động và giáo dục nghề nghiệp: Cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện chính sách, cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho lao động nữ và lao động nữ di cư tại khu vực thành thị. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức truyền thông đối với lao động nữ di cư về phát triển kỹ năng, huớng nghiệp, tư vấn nghề và viêc làm. Triển khai giám sát có hiệu quả việc thực thi các chính sách về lao động-việc làm và phát triển kỹ năng đối với các cơ sở sản xuất-thuơng mại và dịch vụ khu vực phi chính thức. Cung cấp các hoạt động nâng cao năng lực và những huớng dẫn cần thiết để các cơ sở giáo duc nghề nghiệp phát triển chương trình và tổ chức đào tạo linh hoạt, thích ứng với các nhóm đối tượng đặc thù như lao động nữ di cư. Cùng với đó, xem xét hướng dẫn đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm với những ngành nghề sử dụng nhiều lao động nữ bao gồm lao động nữ di cư, đặc biệt những lao động nữ đã tích lũy kinh nghiệm làm việc hồi hương từ nước ngoài hoặc ở các khu vực đô thị lớn.        
Đối với các cơ sở đào tạo: Cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm một cách chuyên nghiệp, hiệu quả để người học có thể lựa chọn đúng đắn về ngành nghề và việc làm. Xây dựng hệ thống tiếp nhận, cập nhật thông tin về thị trường lao động quốc gia và địa phương; hàng năm tiến hành khảo sát các cơ sở sử dụng lao động để xác định nhu cầu mới về kỹ năng và trình độ theo ngành nghề hoặc điều chỉnh kịp thời các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tăng cường đào tạo các kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội cho học viên để họ có thể thích ứng tốt hơn với môi trường sống và làm việc. Bổ sung đào tạo về kỹ năng sống đặc biệt cho các nữ thanh niên ngoại tỉnh, tổ chức các hình thức trau dồi thông tin và chia sẻ kinh nghiem về cuộc sống, kiến thức về xã hội và pháp luât phù hợp với nhóm đối tượng này.     
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần thực hiện đầy đủ các chính sách đối với lao động nữ nói chung và lao động nữ di cư nói riêng (hợp đồng lao động, bảo hiểm), không phân biệt đối xử giữa lao động nam và nữ; Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc xây dựng chương trình và đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lao động; Chia sẻ, cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng và hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, thực tập nghề của lao động; Tạo điều kiện hỗ trợ lao động nữ di cư về nơi ở và giảm thời gia làm việc cho lao động nhữ di cư đang trong thời gian chăm sóc con nhỏ.
Hà Giang

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công