Đào tạo nghề khối ngành công nghệ thông tin cho 650 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn
(LĐXH) Ngày 24/2/ 2022, tại Hà Nội, Viện REACH phối hợp với tổ chức Plan International tại Việt Nam tổ chức Lễ Bế giảng các lớp đào tạo nghề khối ngành công nghệ thông tin trong khuôn khổ dự án “Hướng Tới Tương Lai - Fit For The Future”.
Hơn 100 đại biểu tham dự sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến ở nhiều đầu cầu khác nhau như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Dương. Tham dự sự kiện trực tuyến tại Thành Phố Hồ Chí Minh có ông Andree Mangels – Tổng giám đốc Adecco Việt Nam. Tham dự sự kiện tại đầu cầu Hà Nội có bà Sharon Kane - Giám đốc Quốc Gia tổ chức Plan International Việt Nam, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Giám đốc Viện REACH, đại diện các doanh nghiệp là đối tác của Viện REACH. Ngoài ra, các cán bộ, giáo viên và sinh viên/cựu sinh viên các khóa học chuyên ngành công nghệ thông tin của dự án cũng tham gia trực tiếp và trực tuyến tại các đầu cầu Đà Nẵng và Hải Dương.
Bà Sharon Kane, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Plan Vietnam nhấn mạnh trong phần phát biểu của mình: “Trong chiến lược quốc gia 5 năm giai đoan 2020-2025, Tổ chức Plan International Việt Nam cam kết hỗ trợ 2 triệu trẻ em gái học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển. Dự án Hướng tới tương lai cùng với các dự án khác đã và đang hiện thực hóa cam kết của chúng tôi trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường quyền năng kinh tế cho các bạn nữ thanh niên. Với dự án này, chúng tôi hợp tác với Viện REACH và Trường Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnique (FPOLY) để thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách về giới trong ngành công nghệ thông tin bằng cách hỗ trợ các nữ thanh niên học nghề để sau đó có được công việc và thu nhập ổn định.”
Các học viên nhận chứng chỉ tốt nghiệp khoá đào tạo nghề về công nghệ thông tin tại lễ bế giảngVới sự tài trợ của tập đoàn Adecco, dự án Hướng tới tương lai được hai đối tác trong lĩnh vực đào tạo là Viện REACH và Trường cao đẳng FPT Polytechnic thực hiện từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 9 năm 2022. Dự án nhằm hỗ trợ 800 thanh niên có
hoàn cảnh khó khăn (chỉ tiêu của viện REACH là 650), đặc biệt ưu tiên cho các nữ thanh niên được học tập và làm việc trong các ngành công nghệ thông tin.
Tại lễ bế giảng, ông Andree Mangels, Tổng giám đốc ADECCO Việt Nam phát biểu: “Sự hợp tác giữa chúng tôi là một phần của chương trình Win4Youth thuộc Tập đoàn Adecco. Với chương trình này, chúng tôi chuyển đổi số giờ tham gia hoạt động thể chất của khách hàng, ứng viên và nhân viên thành các khoản đóng góp cho tổ chức Plan International. Mục tiêu chúng tôi hướng tới là hỗ trợ và trao quyền cho những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn phát triển các kỹ năng cần thiết và sự tự tin để bước chân vào thị trường lao động. Tình hình dịch bệnh trong hơn 2 năm qua đã gây ra không ít trở ngại trong việc đào tạo và học tập, nhưng Adecco Việt Nam rất vui và tự hào khi có thể tiếp tục đồng hành cùng Plan International, Viện REACH và các bạn học viên để từng bước hoàn thành khóa đào tạo như ngày hôm nay. Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực trong thời gian qua cùng với xu hướng phát triển nhanh chóng của ngành CNTT, các học viên sẽ có nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp trong tương lai.”
Bên cạnh việc trang bị các kiến thức chuyên môn được thiết kế sát với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, các học viên còn được trang bị các kiến thức và kỹ năng về tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sẵn sàng làm việc, kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm… để có thể sẵn sàng thích nghi với môi trường làm việc công sở chuyên nghiệp.
Vượt qua rất nhiều thách thức từ hoàn cảnh khó khăn của bản thân và dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, gần 650 học viên của REACH (nữ giới chiếm 34%) đã xuất sắc hoàn thành các khóa học dưới sự hỗ trợ của dự án. Trong tình hình kinh tế khó khăn vì đại dịch, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc cắt giảm nhân sự, gần 80% học viên của dự án sau tốt nghiệp đã tìm được việc, tỷ lệ nữ học viên có việc làm thậm chí còn cao hơn, trên 90%. Những kết quả khả quan này là minh chứng cho sự cam kết của viện REACH, sự nỗ lực của các bạn học viên, đặc biệt là các bạn nữ trong việc gia nhập lĩnh vực công nghệ thông tin, phá vỡ định kiến về giới trong lựa chọn nghề nghiệp.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Giám đốc Viện REACH chia sẻ: “Đây có thể nói là một trong những khóa học thử thách nhất mà REACH đã triển khai trong hơn 15 năm qua. Học nghề CNTT đối với thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đã khó, đối với các bạn nữ thanh niên còn khó khăn hơn rất nhiều. Với bao nhiêu nỗ lực để vượt qua những rào cản của gia đình, định kiến của xã hội về ngành nghề với phụ nữ, con đường lập nghiệp trong ngành CNTT đã được mở ra với các bạn nữ. Dịch bệnh cùng những khó khăn trong đi lại ăn ở của học viên, khó khăn của thị trường lao động nói chung cũng không giảm quyết tâm của cán bộ REACH, các giáo viên và các học viên trong quá trình chuẩn bị hành trang tham gia vào lực lượng lao động ngành CNTT. Trong suốt thời gian này, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, động viên và linh hoạt của Tổ chức Plan, ADECCO và sự đồng hành của các doanh nghiệp để REACH hoàn thành được các khóa học và có được kết quả như ngày hôm nay”.
Thay mặt cho các bạn học viên và cựu học viên của dự án, em Nguyễn Thúy Hiền, học viên lớp đồ họa 2D, K51 phát biểu: “Ngày hôm nay là dấu mốc lịch sử đổi với em và các bạn học viên dự án “Hướng tới tương lai”. Khi cầm trên tay giấy chứng nhận hoàn thành khóa học, em thấy mình đã đúng khi quyết định theo sự tư vấn, hướng dẫn của thầy cô Viện REACH, lựa chọn khóa thiết kế đồ họa. Em đã sẵn sàng trở thành một nhân lực lao động ngành đồ họa thực thụ, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, sự mong mỏi của các doanh nghiệp. Em tin rằng lĩnh vực công nghệ thông tin là dành cho tất cả mọi người, ai cũng có thể thành công được nếu như họ có ý chí phấn đấu và không ngừng nỗ lực, học hỏi. Tại buổi lễ trang trọng này, cho chúng em được bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới nhà tài trợ là tập đoàn ADECCO, Tổ chức Plan Quốc Tế tại Việt Nam, các thầy cô giáo ở Viện REACH, các doanh nghiệp đã tin tưởng, hỗ trợ và tạo cho chúng em cơ hội học tập, làm việc và giúp chúng em tự tin hơn vào năng lực của bản thân”.
Thảo Lan