Theo bà Vũ Thị Mỹ Phượng, Phó trưởng Phòng Việc làm và An toàn Lao động, Sở Lao động – TBXH tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Công tác an toàn lao động phải luôn gắn với sự phát triển của doanh nghiệp. Có như thế mới tạo nên sự bền vững và kích thích sự gắn bó, cống hiến của người lao động cho doanh nghiệp của mình. Khi người lao động luôn có cảm giác an toàn, được chăm lo thì họ sẽ xem doanh nghiệp như chính ngôi nhà thứ hai của mình vậy.
Trong những năm qua, Ngành LĐ-TB&XH Đắk Lắk luôn xác định việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động là “chìa khóa” trong thực hiện công tác ATVSLĐ - PCCN nên hằng năm Ban Chỉ đạo của tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền một cách sâu rộng hoạt động của các tổ chức, đơn vị về phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ - PCCN.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng đã in sao đĩa CD tuyên truyền về ATVSLĐ cấp cho các huyện, thị xã, thành phố để phát rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của địa phương. Trên các trục đường chính các huyện, thị xã, thành phố và trụ sở làm việc của các sở, ngành, doanh nghiệp đều treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền. Đây cũng được xem là một kênh thông tin đến với người dân một cách hữu ích nhất".
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra định kỳ các doanh nghiệp, đơn vị luôn được tiến hành nghiêm túc. Nhìn chung, qua kiểm tra, về cơ bản, các đơn vị trực thuộc đã thực hiện nghiêm các nội quy, quy định về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Cụ thể, các đơn vị đã chủ động nắm bắt và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định, có biện pháp xử lý nghiêm đối với người lao động vi phạm qui định về an toàn lao động và vệ sinh lao động. Xây dựng và niêm yết các quy trình vận hành an toàn trên từng máy, thiết bị, vật tư, hóa chất có nguy cơ gây cháy nổ, mất an toàn vệ sinh lao động.
Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương cũng tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt công tác ATVSLĐ - PCCN.
Có thể nói, xuất phát từ nhận thức trên, từ năm 1999, khi Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ – PCCN lần thứ nhất được Chính phủ phát động tại Hà Nội, Đắk Lắk luôn hưởng ứng và tham gia tích cực, đặc biệt là sự tham gia của các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh. Trong những năm qua, Ngành Lao động – TBXH tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cùng với nhiều cách làm phong phú như: tổ chức phát động thực hiện tại từng khu vực ( các cụm doanh nghiệp có đông lao động, các khu công nghiệp tập trung, các huyện trọng điểm), tổ chức tổng kết công tác BHLĐ hàng năm ở cấp tỉnh, tuyên truyền tin, bài, chuyên mục trên Đài phát Thanh – Truyền hình Đắk Lắk, Báo Đắk Lắk, báo và Tạp chí Lao động và Xã hội của ngành…đã làm cho người sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp nhân dân cư trong xã hội có một cách nhìn mới về công tác ATVSLĐ – PCCN trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế.
Chỉ tính riêng, trong năm 2016, ngành đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 18 năm 2016 như: kiểm tra công tác hưởng ứng Tuần lễ tại 05 đơn vị: huyện Ea Hleo, Krông Năng, Buôn Đôn, Krông Ana và Cư Mgar và thăm hỏi, tặng quà cho 03 người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Đồng thời, Ngành còn phối hợp với các Sở ngành tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác thực hiện pháp luật lao động về An toàn, vệ sinh lao động, công tác hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN tại 19 doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ngành còn tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho 40 người là đối tượng người nông dân. Tổ chức tập huấn phổ biến pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cho 45 người làm công tác an toàn vệ sinh lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh tại thị xã Buôn Hồ. Song song đó, Ngành còn tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh; ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động.
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nỗ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: việc tuân thủ pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động của phần lớn các doanh nghiệp hiện trên địa bàn của tỉnh chưa nghiêm, nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định có tính chất đối phó sự kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn xảy ra; công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động của các doanh nghiệp còn thấp so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Công tác quản lý huấn luyện ở doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Nhiều chủ sử dụng chưa quan tâm, đầu tư chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Cán bộ làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động còn thiếu và chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đầy đủ; phần lớn nông dân lao động trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chưa được thông tin, huấn luyện về cách phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh số vụ tai nạn lao động gia tăng, tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng diễn biến phức tạp.
Vương Linh