Nậm Pì, Nậm Hàng và thị trấn Nậm Nhùn hiện đang là 3 địa phương được huyện đánh giá tiêu biểu trong triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Theo đó, huyện đã phê duyệt và triển khai thực hiện 3 dự án chăn nuôi gia súc trên địa bàn 3 xã, thị trấn. Tại xã Nậm Pì được phê duyệt thực hiện dự án nuôi dê sinh sản với 2 nhóm hộ với 13 hộ tham gia; 5 nhóm cộng đồng với 36 hộ thực hiện dự án nuôi bò sinh sản. Thị trấn Nậm Nhùn có 1 nhóm hộ với 21 hộ tham gia thực hiện dự án nuôi bò sinh sản. Xã Nậm Hàng có mô hình nuôi dê tại bản Huổi Pết với hơn 30 hộ tham gia. Các dự án được triển khai đều đảm bảo quy hoạch phát triển, sản xuất tại địa phương; giúp các hộ dân thêm điểm tựa phát triển kinh tế, thoát nghèo nhanh và bền vững.
Chính nhờ sự linh hoạt giải pháp triển khai thực hiện, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương được giao thực hiện các dự án thành phần, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã và đang góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện giảm xuống còn 32,2%, giảm khoảng 12% so với năm 2021. Dự kiến đến cuối năm 2024, huyện còn 1.803 hộ nghèo (chiếm 28,2%); 509 hộ cận nghèo (chiếm 7,96%); mức giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt trung bình khoảng 5%/năm.
Tại Nậm Hàng, xã đặc biệt khó khăn của huyện, thuộc huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) gồm 8 bản với 1012 hộ và 4486 khẩu, trong đó người lao động thuộc dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 94,62%; tỷ lệ hộ nghèo là 18,28%, cận nghèo 11,36%.
Thực tế trên địa bàn xã Nậm Hàng không có công ty, doanh nghiệp nên hầu như người lao động sản xuất nông nghiệp tại gia, thu nhập bấp bênh, thời điểm nông nhàn không có việc làm thêm để cải thiện, nâng cao nguồn thu nhập; hơn nữa, với truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc chỉ quen việc sản xuất nông nghiệp, tự cung tự cấp, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật và chăn nuôi, sản xuất, hoạt động sản xuất nông nghiệp còn mang tính chất hộ gia đình. Địa phương đã quan tâm chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, Nậm Hàng đã tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, nhiều mô hình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm được nhân rộng. Diện tích khai hoang ruộng nước được nhân dân chú trọng thực hiện nhằm mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Đến hết năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/ người/ năm, năm 2024 phấn đấu đạt 40 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có 2.629 người trong độ tuổi lao động, có hơn 200 người đang đi làm tại các công ty ngoài tỉnh, 18 đi làm việc ở nước ngoài theo hợp động, 455 người được tham gia đào tạo qua các lớp dạy nghề ngắn hạn như may dân dụng, thêu dệt thổ cẩm, nuôi và phòng trừ bệnh cho trâu bò, nuôi ong mật, kỹ thuật trồng dứa, kỹ thuật trồng cây ăn quả, trồng cây sa nhân, chăn nuôi gia cầm.
Xuyên suốt quá trình triển khai thực Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Nậm Nhùn luôn bám sát các giải pháp trọng tâm: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền cùng vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững. Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy tính chủ động, tham gia tích cực của nhân dân trong thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế, tự lực vươn lên. Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp đối với các dự án, tiểu dự án chưa giải ngân đã xác định được nội dung, định mức chi. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giảm nghèo, đặc biệt là công tác giám sát, đánh giá tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thực hiện.
Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp cùng trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, các công ty tuyển dụng lao động tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức lồng ghép trong các cuộc họp bản, qua các trang mạng xã hội, hệ thống loa phát thanh, tờ rơi. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền Chỉ thị số 20-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới” và các chính sách ưu đãi đối với người lao động tham gia làm việc ở nước ngoài thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với nhận thức, phong tục tập quán của người dân.
Đặc biệt, xác định công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên, các doanh nghiệp tuyên truyền trực tiếp tại các xã, bản, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về xuất khẩu lao động; phối hợp với các ngành chức năng tìm nguồn hỗ trợ vốn cho người dân, lựa chọn những đơn hàng chất lượng, uy tín nhằm tạo niềm tin cho nhân dân khi đăng ký đi xuất khẩu lao động.
Trần Huyền