Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
(LĐXH) - Số liệu thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) cho thấy, sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) luôn nằm trong Top 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam. Sở dĩ sản phẩm TCMN của Việt Nam được thị trường quốc tế ưa chuộng là bởi sự tinh tế, độc đáo, đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong từng sản phẩm.
Các chuyên gia dự báo, thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới và sẽ đạt 1.204,7 tỷ USD vào năm 2026. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chính ở Châu Á và chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc. Một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Bên cạnh đó là các thị trường khác như: Nhật Bản, Liên minh châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan), Australia, Hàn Quốc...
Thường xuyên tổ chức các hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ để tăng cường giao thương, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 4/2024, thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã, bao gồm 268 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6 nhóm nghề, trong đó sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (thuộc nhóm nghề 2) có 22 làng nghề. Bên cạnh việc ngày càng được ưa chuộng bởi sự tinh tế, khéo léo của người nghệ nhân cùng cùng việc cho ra đời ngày càng nhiều những mặt hàng phong phú, mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn toát lên nét đặc sắc riêng, thể hiện cái “hồn” của văn hoá dân tộc. Nhìn chung, đa số các làng nghề và làng có nghề thủ công mỹ nghệ ngày càng tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và xuất khẩu qua các năm, đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, nhiều làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm.
Các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm sáng tạo nhằm tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp nhu cầu và thị hiếu của khách hàng
Theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của thành phố Hà Nội, mục tiêu giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng đạt 5,1% - 5,5%/năm; đến năm 2030 có từ 6 - 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm từ 3% - 5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố.
Tuy nhiên, để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có vị thế trên thị trường thế giới, cần có giải pháp tổng thể, trong đó bên cạnh nhóm giải pháp về các mặt kinh tế - xã hội, môi trường và thể chế, quy hoạch phát triển ngành, cần phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong thiết kế mẫu mã và sản xuất phù hợp thị hiếu của khách hàng; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường tiềm năng./.
Khánh Quyên
TIN LIÊN QUAN
TAG: