An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Còn nhiều thách thức trong công tác giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn ở Lào Cai
04:12 PM 24/06/2019
(LĐXH) Năm 2018, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai đã có cuộc họp bàn các giải pháp thực hiện Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 44 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% giai đoạn 2018 - 2025. Một kế hoạch toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội nhằm xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững và giải quyết tốt các vấn đề xã hội đã được đề ra. Tuy nhiên, việc triển khai ở cơ sở vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Nếu như Tả Củ Tỷ là xã khó khăn nhất của huyện Bắc Hà thì Sông Lẫm là thôn khó khăn nhất của Tả Củ Tỷ. Thôn cách trung tâm xã chưa đến chục cây số nhưng con đường độc đạo men theo triền núi lên Sông Lẫm có thể coi là nguyên nhân khiến thôn vùng cao này mãi chìm trong cái nghèo. Cách đây 10 năm, con đường này được mở mới và cũng từ đó đến nay không được cải tạo, nâng cấp. Sau nhiều trận mưa lũ, nền đường trước đây đủ cho ô tô đi, nay trở thành con đường mòn chỉ có thể đi lại khi trời nắng. Đó là chưa kể con suối lớn ngay đầu thôn khiến cho Sông Lẫm gần như bị cô lập vào mùa mưa lũ. Một cán bộ xã kể, trước đây có đưa đoàn cán bộ huyện vào khảo sát để xây dựng kế hoạch nâng cấp đường, anh cùng một cán bộ xã nữa đi tiền trạm để chờ đoàn cán bộ đi theo sau. Chờ mãi không thấy, đến khi gọi điện mới biết đoàn cán bộ huyện quay về từ khúc cua đầu tiên vì thấy đường lên quá khổ.
Sông Lẫm cũng là 1 trong 3 thôn ở Tả Củ Tỷ hiện chưa có điện lưới quốc gia. Đêm xuống càng thấy cái nghèo ở đây hiện lên rõ hơn. Cả thôn chỉ thấy những ánh đèn lờ mờ như những con đom đóm phát ra từ những bóng điện chạy bằng máy phát điện tự chế. Không điện, người dân Sông Lẫm bị thiệt thòi đủ thứ, như không được tiếp cận thông tin qua phương tiện thông tin đại chúng, không sử dụng máy móc vào sản xuất, nhiều thiết bị sinh hoạt gia đình thiết yếu bà con cũng chưa nhìn thấy bao giờ…
Người dân Tả Thàng, huyện Mường Khương, Lào Cai phải đối mặt với khó khăn của địa hình chia cắt
nên diện tích đất canh tác rất ít.
So với những năm trước đây, trung tâm xã Tả Củ Tỷ nhộn nhịp với những dãy nhà ở san sát và vài cửa hàng bách hóa mọc lên, nhưng thực tế ở các thôn không có thay đổi nhiều. Mùa này, đất đai hầu như không canh tác được gì vì thiếu nước. Những thửa ruộng bậc thang xác xơ, trên triền núi cũng phủ một màu xám của đá núi và cỏ cây dại. Khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn khiến việc xây dựng các mô hình kinh tế gặp nhiều khó khăn. Dù ngô hay lúa thì quanh năm bà con cũng chỉ canh tác 1 vụ từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm, còn lại gần như bỏ không. Ngoài Sông Lẫm, các thôn khác như Sả Mào Phố, Sảng Mào Phố, Nậm Phàng, Ngải Thầu dù giao thông được cải thiện hơn nhưng vẫn đầy rẫy khó khăn.
Cách đây 10 năm, tuyến đường nhựa trục xã nối từ ngã ba Bản Già về trung tâm xã Tả Củ Tỷ (huyện Bắc Hà) hoàn thành. Khỏi phải nói, cán bộ và người dân nơi đây vui mừng thế nào, bao nhiêu hy vọng, dự định phát triển kinh tế được đặt ra nhằm đưa xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Nhưng đến nay, sự thay đổi ở Tả Củ Tỷ không có gì đáng kể, tuyến đường trục xã đã xuống cấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo xã, công tác giảm nghèo ở đây chưa có hướng đi hiệu quả bởi nhìn đâu cũng thấy khó.
Kinh tế kém phát triển tất yếu khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã đứng trong top đầu của huyện Bắc Hà. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 57%, đến năm 2018, tỷ lệ này còn 47%. Tuy nhiên, con số này có lẽ chưa phản ánh thực chất sự nghèo ở đây!
Xã Tả Thàng nằm trên tuyến đường huyết mạch Hoàng Liên Sơn 2 (Tỉnh lộ 159), cách trung tâm thị trấn Mường Khương hơn 2 giờ xe chạy. Nhưng những thương lái thu mua nông sản ở Tả Thàng thường đi theo đường từ Cốc Ly (Bắc Hà) lên. Dù vậy, đi theo đường nào thì lên Tả Thàng cũng không thuận lợi so với hầu hết các xã khác ở Mường Khương. Tuy nhiên, xa xôi, cách trở không phải là khó khăn duy nhất với người dân nơi đây. Thời tiết khắc nghiệt nên bà con muốn trồng cây hay nuôi con gì cũng khó, bởi không kịp theo dõi thời tiết là mất trắng ngay. Người dân Tả Thàng còn phải đối mặt với khó khăn của địa hình chia cắt nên diện tích đất canh tác rất ít. Nhìn con số thống kê diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Tả Thàng cũng có thể hiểu được một phần vì sao đời sống của người dân lại khó khăn đến thế. Xã có 30 ha lúa nước, tương đương với diện tích của một thôn vùng thấp ở huyện Bảo Thắng. Cây lúa nương vẫn là nguồn lương thực quan trọng của người dân, tuy nhiên diện tích cũng không đáng là bao, cả xã chỉ có 40 ha. Sản xuất nông nghiệp ở Tả Thàng phần lớn tập trung vào cây ngô nhưng do sản xuất một vụ nên chỉ đủ để bà con phục vụ chăn nuôi. Trưởng thôn Bản Phố là Vàng Thào cho biết: Dù muốn canh tác hai vụ nhưng thời tiết giá lạnh, lại thiếu nước nên bà con không thể thực hiện được. Sau khi thu hoạch xong vụ ngô, hầu hết những người còn sức lao động đều tìm đường đi làm thuê.
Trong số 8 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% của huyện Mường Khương thì Tả Thàng xếp hạng cao nhất với 56% hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo cao, tiềm năng phát triển kinh tế không có gì đáng kể khiến “bài toán” giảm nghèo ở Tả Thàng thực sự nan giải.
Con đường độc đạo hiểm trở men theo triền núi lên thôn Sông Lẫm, xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà
có thể coi là nguyên nhân khiến thôn vùng cao này mãi chìm trong cái nghèo
Ông Vương Văn Dầu, Chủ tịch UBND xã Tả Thàng tâm sự, biết là tìm hướng phát triển kinh tế rất khó khăn nhưng không thể dậm chân tại chỗ mãi được. Vừa qua, xã đã tổ chức hội nghị đối thoại với người dân để bàn giải pháp phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, ngoài cây chè, xã sẽ tập trung vào chăn nuôi đại gia súc và thủy sản.
Hiện xã Tả Thàng đã quy hoạch xong vùng trồng chè và triển khai cho người dân đăng ký diện tích trồng. Về chăn nuôi, các hộ đều được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mua trâu, bò, làm chuồng nuôi nhốt gia súc và tham gia dự án trồng cỏ để làm thức ăn chăn nuôi. Đối với nuôi thủy sản, hiện chủ yếu tập trung ở thôn Cán Cấu 1 và Cán Cấu 2, là hai thôn nằm ven hồ thủy điện Cốc Ly. Sau một thời gian được hỗ trợ giống, lồng nuôi cá, đến nay các hộ dân đã có nguồn thu để tái đầu tư sản xuất và bước đầu có lợi nhuận.
Ông Phạm Đăng Năm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Khương cho rằng, để giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ phát sinh nghèo ở Tả Thàng, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cần có sự trợ giúp kịp thời cả về vốn, kinh nghiệm làm ăn, sản xuất. Đồng thời cần thường xuyên cử cán bộ nắm thông tin từ người dân và có kế hoạch giúp đỡ phù hợp, hướng dẫn họ phát triển kinh tế từ khởi đầu, từ nhỏ lẻ, dễ làm nhưng vẫn đảm bảo thu nhập.
Để tháo gỡ khó khăn cho Tả Thàng, các ban, ngành, đoàn thể của huyện Mương Khương cũng đã vào cuộc quyết liệt. Thượng tá Nguyễn Văn Kỷ, Thường vụ Huyện ủy, Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Khương được phân công phụ trách xã thường xuyên có mặt tại địa bàn để cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn. Thượng tá Kỷ cho biết: Quan điểm của huyện là tập trung nguồn lực cho vùng đặc biệt khó khăn, minh chứng rõ nhất là thời gian qua Tả Thàng đã được đầu tư rất nhiều công trình hạ tầng nông thôn như điện, đường giao thông, thủy lợi. Về đội ngũ cán bộ, huyện cũng đã luân chuyển, bố trí những cán bộ có năng lực công tác tại các vị trí chủ chốt. Như vậy, những điều kiện cần đã có, phần còn lại là cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở cần chủ động, quyết liệt hơn và khơi dậy sự nỗ lực, quyết tâm trong dân thì mới có thể đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Mạnh Dũng

 

 

TAG:
Tin khác
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10
Ủy ban quốc gia về trẻ em làm việc với tỉnh Sơn La về thực hiện công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em
Huyện Can Lộc huy động hệ thống chính trị thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Chăm lo chu đáo cho người có công trên mảnh đất Hà Tĩnh