Cơ quan nào quản lý Nhà nước về dạy nghề?
Sắp tới chắc chắn Chính phủ sẽ phân công một cơ quan thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước về dạy nghề. Do vậy xin được trao đổi một vài ý kiến.
Hành trình 30 năm
Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, công tác đào tạo công nhân kỹ thuật chỉ là một phòng trong Vụ Quản lý nhân công thuộc Bộ Lao động. Đến những năm 1967-1968, khối lượng công tác đào tạo rất lớn chuẩn bị nhân lực xây dựng đất nước sau chiến tranh, công tác đào tạo lao động có tay nghề được tiến hành cả ở trong nước và cả ở nước ngoài (thời gian này ngoài việc đào tạo ở trong nước, hằng năm miền Bắc phải đưa hàng vạn lao động đi học nghề ở Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức). Trước tình hình đó, phòng Đào tạo được tách ra và thành lập Vụ Đào tạo thuộc Bộ Lao động. Để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của công tác đào tạo, nhất là về mặt quản lý, ngày 09-10-1969 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 200/CP thành lập Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật thuộc Bộ Lao động. Sau 9 năm hoạt động (1969-1978), vấn đề quản lý nhà nước về dạy nghề được tranh luận khi bàn về bộ máy nhà nước (lúc này đất nước đã thống nhất). Các ý kiến nói rằng phải chuyển công tác dạy nghề về Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp vì đó là chức năng đào tạo, Bộ Lao động chỉ nên quản lý nhà nước về người lao động, không nên có chức năng đào tạo. Các ý kiến nói, dạy nghề là một nhiệm vụ của Bộ Lao động vì công việc này vốn dĩ là nhiệm vụ của Bộ; mặt khác quản lý lao động không chỉ quản lý số lượng mà còn phải nâng cao chất lượng các nguồn lao động, muốn nâng cao chất lượng thì phải dạy nghề.
Thực ra việc phân chia một cách tương đối công tác đào tạo đã được hình thành từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đào tạo người làm việc chủ yếu bằng trí óc thì do các trường Đại học, Trung học chuyên nghiệp thuộc Bộ Giáo dục quản lý (khi ấy chưa có Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp); đào tạo người làm việc chủ yếu bằng chân tay, cơ bắp thì do các trường công nhân kỹ thuật và các xí nghiệp, nhà máy thực hiện thuộc sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động (là nơi cung cấp nhân công theo chỉ tiêu kế hoạch nhà nước). Bộ Giáo dục không thể quản lý các trường công nhân kỹ thuật, càng không thể quản lý các nhà máy, các xí nghiệp, hợp tác xã. Xét cho cùng thì việc phân công từ trong kháng chiến chống Pháp đến nay vẫn còn tính hợp lý. Tuy nhiên việc tranh luận không dứt, ngày 21-6-1978 Chính phủ ra Quyết định số 151-CP đổi tên Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật thành Tổng cục Dạy nghề và là cơ quan thuộc Chính phủ (từ Dạy nghề là do chính Hội đồng Bộ trưởng xác định để phân biệt một cách tương đối giữa đào tạo lao động chân tay với đào tạo lao động trí óc). Nhiệm kỳ Chính phủ 1981-1987 (lúc này là Hội đồng Bộ trưởng) có tới 71 cơ quan, trong đó Bộ, cơ quan ngang bộ là 34 vả 37 cơ quan thuộc Chính phủ. Vấn đề tinh giản biên chế và giảm đầu mối quản lý là một yêu cầu cấp bách. Ngày 16-02-1987[1], Chính phủ sáp nhập Tổng cục Dạy nghề vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thành Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề; giúp Bộ quản lý nhà nước về dạy nghề là Vụ Dạy nghề. Đến ngày 31-3-1990 Hội đồng Nhà nước lại ra Nghị quyết số 244NQ/HĐNN8 thì Bộ Giáo dục và đào tạo được thành lập trên cơ sở Bộ Giáo dục; Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề để thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.
Khi dạy nghề còn là một Tổng cục thì sự phát triển rất khá theo hướng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực cho sản xuất-kinh doanh cả về số lượng và cả về chất lượng. Nhưng từ khi nó bị “hòa tan” vào “một rừng” các công việc (từ quản lý mẫu giáo, vỡ lòng đến các cấp học phổ thông, đến cao đẳng, đại học và đào tạo thạc sí, tiến sĩ) thì dạy nghề bị teo tóp, lịm dần. Về quản lý, từ một Tổng cục xuống một Vụ; từ một Vụ xuống còn nửa vụ, rồi xuống tiếp còn một Phòng. Theo các tài liệu xây dựng Luật Dạy nghề năm 2006 thì năm 1969 khi mới thành lập Tổng cục, sang năm 1970 đã có 190 trường đào tạo nghề, với quy mô 48.000 học sinh; đến năm 1987 số trường đào tạo nghề đã lên tới 366, quy mô đào tạo năm 1980 đã là 176.000 học sinh. Đến năm 1990 (khi đã chuyển sang Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề) số trường đào tạo nghề tụt xuống còn 232 trường (giảm 134 trường), quy mô đào tạo ngay năm 1987 chỉ còn 71.000 học sinh. Đến đầu năm 1998 chỉ còn 129 trường (giảm tiếp 103 trường nữa)...
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu nhân lực được đào tạo rất bức xúc; trước tình hình mai một nghiêm trọng của công tác dạy nghề, Chính phủ đã quyết định tái lập Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội bằng Nghị định số 33/1998/NĐ-CP ngày 23-5-1998 (trên cơ sở văn bản số 1481-CV/VPTW ngày 08-12-1997 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Bộ Chính trị). Như vậy từ khi được thành lập năm1969 đến năm 1998, Tổng cục Dạy nghề đã “chu du một vòng” 30 năm với những tên tuổi khác nhau, “thử nghiệm” cơ quan quản lý khác nhau rồi trở về đúng nơi nó được sinh ra và lớn lên. Như trên đã nói, “các cụ” thế hệ trước phân công công tác đào tạo tuy lý lẽ đơn giản nhưng khá chính xác; đào tạo lao động chân tay, cơ bắp “bằng kìm, bằng búa” thì ngành lao động “phụ trách” gắn liền với nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất; đào tạo lao động trí óc, làm việc “bằng bút, bằng giấy” thì ngành giáo dục quản lý.
Tính đúng đắn của việc tái lập Tổng cục Dạy nghề và sự phát triển
Chính phủ tái lập Tổng cục Dạy nghề và giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước như xưa là hoàn toàn chính xác. Một mặt như thực tế đã nêu, 30 năm “chu du” với các đầu mối quản lý như những “phép thử” đã cho thấy, thuận lợi, khó khăn và sự phát triển thăng trầm ở từng giai đoạn trực thuộc từng đầu mối. Tuy nhiên quan trọng và quyết định hơn cả là do bản tính, đặc điểm riêng có của dạy nghề. Dạy nghề không nặng đào tạo hàn lâm mà dạy nghề đào tạo cho người lao động có kỹ năng nghề để trực tiếp sản xuất. Nội dung đào tạo chủ yếu là kỹ năng thực hành (chiếm từ 65 đến 90% thời lượng đào tạo). Đào tạo theo yêu cầu sản xuất, yêu cầu thị trường nên đa dạng về trình độ đào tạo (ngắn ngày, dài hạn, chuyên sâu, trình độ cao...). Dạy nghề không chỉ trong nhà trường mà còn được truyền nghề tại gia đình, tại làng nghề, phố nghề, tại cơ sở sản xuất, trên đồng ruộng; dạy nghề gắn với sản xuất, tạo việc làm... Do đó quản lý nhà nước về dạy nghề trong điều kiện như vậy thích hợp nhất vẫn là ngành lao động. Vì vậy sự phân công của Chính phủ tại Nghị định số 33/1998/NĐ-CP là đúng đắn, cần tiếp tục được ổn định để tiếp tục phát triển sự nghiệp quan trọng-dạy nghề trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Theo hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề và theo Báo cáo số 1129/BC-UBVHGDTTNNĐ ngày 12-5-2014 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tháng 5 năm 2014 cho thấy: Về mạng lưới các cơ sở dạy nghề, từ năm 2001 đến 2006, số cơ sở dạy nghề lần lượt qua các năm là 306 cơ sở, 396, 469, 565, 640 và 861 cơ sở. Từ năm 2007 đến năm 2013, theo Báo cáo số 1129/BC-UBVHGDTTN13 nói trên thì số cơ sở dạy nghề lần lượt là 898 cơ sở, 990, 1.164, 1.231, 1.292 và 1.337 cơ sở. Năm 2013 so với năm 2001tăng gấp hơn 4,3lần, so với năm 2006 (năm Luật có hiệu lực) tăng gần 1,5 lần. Về quy mô tuyển sinh dạy nghề cũng liên tục phát triển, cũng theo các nguồn tài liệu trên thì từ năm 2001 đến năm 2006, lần lượt các năm như sau: 887.300 học sinh, 1.105.000, 1.074.100, 1.153.000, 1.207.000 và 1.340.000 học sinh. Từ năm 2007 đến năm 2013 lần lượt là: 1.436.500, 1.538.000, 1.707.000, 1.745.527, 1.773.491, 1.494.379 và 1.732.016 học sinh, sinh viên (từ năm 2006 trở về trước chưa có Cao đẳng nghề).
Từ những cứ liệu trên mà trong báo cáo giám sát của mình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã kết luận: Hoạt động dạy nghề từ khi có Luật Dạy nghề đã từng bước phục hồi và có sự phát triển mạnh mẽ. Hệ thống dạy nghề với 3 cấp trình độ đào tạo (sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề) được hình thành. Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển rộng khắp trên cả nước, đa dạng về hình thức sở hữu và loại hình đào tạo. Quy mô tuyển sinh tăng nhanh, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Nguồn lực đầu tư cho dạy nghề được đa dạng hóa. Các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề từng bước được cải thiện và nâng cao. Chất lượng, hiệu quả dạy nghề có chuyển biến tích cực, đáp ứng về nhu cầu nhân lực phục vụ trực tiếp trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Do đó việc ổn định cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn là đúng đắn và hợp lý nhất.
TS. Bùi Ngọc Thanh
[1] Lịch sử Chính phủ Việt Nam, tập 3 (1976-1992), NXB Chính trị quốc gia, H. 2006, các trang 175-178.
TAG: