Theo ông Huân, khi tham gia hội nhập sâu rộng với thế giới, việc đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế, hệ thống luật pháp. Việc này càng cần thiết hơn vì quá trình đàm phán các hiệp định đều có yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động, việc làm… Với lĩnh vực đào tạo nghề, khi hội nhập sâu, để hàng hóa xuất được vào các nước thành viên, sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn của nước bạn. Khi đó, người lao động, nguồn nhân lực trong nước phải đáp ứng điều kiện về tay nghề, thậm chí phải chuyển đổi nghề nghiệp nếu sản xuất sản phẩm mới.
Để tăng cơ hội việc làm, mở ra cơ hội mới cho người lao động, những cơ quan liên quan ngoài việc tăng cường kế nối cung – cầu lao động phải thăm dò thị trường tiền năng ở các nước thành viên để đưa lao động sang làm việc. Song song đó; sau khi ký kết các hiệp định, do giảm thuế nên sẽ có sự ưu đãi giữa các thành viên, cùng với xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu nhân lực cũng có nhiều cơ hội và khâu kết nối là quan trọng nhất.
Về phía người lao động, thiết yếu nhất vẫn là tay nghề, ngoại ngữ. Ông Huân cho rằng, quan trọng phải có định hướng chiến lược. Khi tham gia là thành viên của tổ chức mà chúng ta không tìm được thị trường xuất khẩu sẽ rất lãng phí. Trong đó, có thị trường khó tính và dễ tính nên công tác đào tạo phải theo tiêu chuẩn của nước bạn.
Trên thực tế, công tác đào tạo hiện nay của Việt Nam vẫn nặng lý thuyết, ít thực hành. Ông Huân lấy ví dụ, tại Công ty Samsung Việt Nam, khi tuyển nhân sự họ nhận 90% lao động phổ thông, sau đó về đào tạo lại. Ngoài ra, sản phẩm của Samsung khi vào các thị trường khác nhau thì cũng khác nhau, do đó lao động cho mỗi thị trường cũng khác nhau.
“Để tăng thêm cơ hội việc làm cho người lao động, nhất định phải đào tạo theo định hướng thị trường, yêu cầu của thị trường, thị trường yêu cầu như nào thì đào tạo như thế; Không đào tạo cái mình có mà phải cung ứng cái thị trường cần”, ông Huân nhấn mạnh.
Theo Báo Lao động