Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Cơ hội việc làm cho lao động là người khuyết tật
09:15 AM 18/04/2022
(LĐXH) Ngày 14.4/2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và Hội Người khuyết tật TP Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật.
Phiên giao dịch việc làm được tổ chức qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, đồng bộ từ Sàn Trung tâm tại số 215 Trung Kính (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) đến 14 sàn/điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện.
Phiên giao dịch việc làm  thu hút 34 doanh nghiệp với 1.022 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh. Những ngành nghề được các doanh nghiêp tuyển dụng nhiều chỉ tiêu là kinh doanh - marketing, bán hàng - chăm sóc khách hàng, may mặc, thu ngân, công nhân sản xuất điện tử, kế toán, cơ khí - hàn, bảo vệ - tạp vụ,…
Các doanh nghiệp trả lương theo vị trí việc làm và trình độ, năng lực của người lao động. Trong đó, mức thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng trở lên có 160 chỉ tiêu; mức thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng có 362 chỉ tiêu; mức thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng có 421 chỉ tiêu và 79 chỉ tiêu sẽ được doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận để có mức lương phù hợp.
Ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội
phát biểu tại Lễ khai mạc
Đặc biệt, tại phiên giao dịch việc làm có 10 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề có sử dụng lao động là người khuyết tật tham gia với 317 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh. Các chỉ tiêu tập trung vào nghề may, thủ công mỹ nghệ, nhân viên kinh doanh, thợ thêu tranh, thợ may công nghiệp.
Theo ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật vốn đã khó khăn, thì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp càng khiến vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật thêm nhiều trở ngại. Do đó, phiên giao dịch việc làm chính là một trong các giải pháp thiết thực nhằm khắc phục khó khăn, tăng cơ hội việc làm cho người khuyết tật trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
TP. Hà Nội hiện có khoảng hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động. Hỗ trợ giải quyết việc làm, nhằm tìm cho người khuyết tật một công việc phù hợp, không chỉ giúp nhóm lao động này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, mà còn khẳng định vai trò của người khuyết tật, giúp họ tham gia đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của thành phố.
“Để giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ trông chờ vào các chính sách xã hội hay tình thương. Về phía người khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình là những người “tàn mà không phế”, ông Thái nhấn mạnh.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội  
phát biểu tại lễ khai mạc Phiên Giao dịch việc làm
Trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các đơn vị liên quan tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực lao động - việc làm và công tác xã hội; nghiên cứu tham mưu cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ người khuyết tật học nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động nhận người khuyết tật vào làm việc, hỗ trợ những người khuyết tật có ý tưởng mở cơ sở sản xuất kinh doanh...
Về phía đơn vị kết nối tuyển dụng, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, đây là cơ hội cho lao động là người khuyết tật tự tin tìm kiếm được việc làm, địa chỉ đào tạo nghề phù hợp, từ đó tham gia vào thị trường lao động tạo ra thu nhập ổn định cuộc sống bản thân.
Từ thực tiễn quá trình tư vấn giới thiệu việc làm, ông Thành cho biết, tạo việc làm cho người khuyết tật vẫn có những trở ngại nhất định, không chỉ có rào cản trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng ban đầu, mà ngay cả khi đã làm việc tại các doanh nghiệp.
“Chúng tôi tiếp nhận được phản hồi từ các doanh nghiệp là có những lao động khuyết tật sau khi được tuyển dụng vào làm việc thì nhận thấy môi trường, điều kiện làm việc chưa phù hợp, tạo ra cảm giác mất tự tin nên đã xin nghỉ việc. Do đó, cần tuyên truyền để phá bỏ rào cản ngay cả từ phía người bình thường với người khuyết tật, tạo cho người khuyết tật sự tự tin, bỏ dần mặc cảm để sẵn sàng tham gia thị trường lao động”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, từ năm 2012 đơn vị này đã triển khai rất nhiều hoạt động, phối hợp cùng với 30 quận, huyện để triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động dành cho người khuyết tật, qua đó tổ chức các phiên giao dịch việc làm phù hợp với từng bối cảnh và giai đoạn khác nhau. Trong năm 2022 sẽ tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm dành cho nhóm đối tượng này, đặc biệt tăng cường tư vấn trực tuyến.
Đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức được gần 30 phiên giao dịch việc làm cho nhóm đối tượng lao động là người khuyết tật, có trên 600 người lao động tìm kiếm được việc làm tại các doanh nghiệp.
Thảo Lan

 

 

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật