Tăng trưởng GDP của Việt Nam trở thành điểm sáng
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính cho rằng, năm 2024, GDP Việt Nam tăng trưởng 7,09%. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trở thành điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực. So với thế giới, GDP của Việt Nam nằm trong khoảng top 5 đến top 7 về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.
Theo chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, năm 2025, Việt Nam rất quyết tâm, ít nhất đạt mức độ tăng trưởng 8%. Đây là con số mà các chuyên gia tư vấn cho Quốc hội và Chính phủ đều cảm thấy rất khả thi.
“Mong muốn của Đảng và Nhà nước là GDP đâu đó tăng trưởng 2 con số từ 10% chạy dài từ 10 – 15 năm, khi đó Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao năm 2035. Với sự đồng thuận, thống nhất của của người dân, doanh nghiệp, từ trung ương tới địa phương là “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để kinh tế Việt Nam bứt phá”, TS Cấn Văn Lực nói thêm.
Nhận diện thách thức
Bên cạnh các đánh giá tích cực, nhiều ý kiến cũng nhìn nhận, kinh tế Việt Nam 2025 phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, một số rủi ro có thể ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam trong năm 2025 như giải ngân đầu tư công còn chậm và không đồng đều; Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang hiện hữu. Mặc dù lạm phát năm 2024 dự kiến dưới 4,5%, nhưng áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán MBS cũng chỉ ra những rủi ro từ thị trường bên ngoài, chẳng hạn, rủi ro từ nhu cầu về linh kiện điện tử suy giảm trong ngắn hạn, khả năng tăng thuế quan của Mỹ, lãi suất theo đó có thể phải neo ở mức cao dưới áp lực của đồng USD mạnh hơn... Căng thẳng và xung đột địa chính trị kéo dài và khả năng Mỹ áp chính sách thuế quan rộng hơn có thể làm gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu và ảnh hưởng tới các đối tác thương mại chính.
Để giải quyết các khó khăn, thách thức trên, các chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh và mạnh mẽ hơn.
Tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” được tổ chức ở Hà Nội vừa qua, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho rằng, về trung hạn, cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ, nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh. Bởi theo các chỉ báo và đánh giá về năng lực cạnh tranh toàn cầu thì đây là những điểm nghẽn, điểm dưới mức trung bình của Việt Nam trong suốt thời gian qua. Như vậy mới thúc đẩy chúng ta đặt ra mục tiêu thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và kinh doanh bền vững của doanh nghiệp, bởi suy cho cùng muốn có tăng trưởng nhanh và bền vững thì động lực vẫn đến từ khu vực doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho năm 2025, các giải pháp quyết liệt về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là rất cần thiết.
"Cần tập trung giải quyết các rào cản, điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh. Cải cách thể chế theo hướng phá bỏ những quy định, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không phù hợp với cơ chế thị trường. Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế. Thêm vào đó, cần có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ giữa Chính phủ, các cấp quản lý để đẩy nhanh quá trình cải cách", ông Cung nêu quan điểm.
TS Cấn Văn Lực phân tích, áp lực về lãi suất, về tỷ giá vẫn neo ở mức cao. Thứ hai là bảo hộ thương mại tác động rất mạnh đến doanh nghiệp Việt Nam. Một rủi ro khác là việc gắn mác thao túng tiền tệ. Do đó, chúng ta vẫn cần phát huy nội lực, đó là tiêu dùng và đầu tư.
Đối với các doanh nghiệp trong năm 2025, TS Cấn Văn Lực cho hay, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất để cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền; Nắm bắt xu hướng phát triển kép “xanh hóa và số hóa” để xây dựng và nhất quán thực hiện Chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm dịch vụ, nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, tham gia thị trường tín chỉ carbon.
Ngọc Anh