Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm, chuyển đổi số trong GDNN nhằm triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm, cho rằng chuyển đổi số trong GDNN trên địa bàn TP.HCM nhằm triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận GDNN tạo ra đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế…
Theo đó, ông Lâm mong muốn, đại biểu tham dự cần tập các nội dung trọng tâm về nhưng vấn đề như: xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN; Công tác phát triển chương trình đào tạo GDNN gắn với yêu cầu của chuyển đổi số; Công tác phát triển hạ tầng, thiết bị và học liệu số; Công tác phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN và đổi mới phương pháp dạy và học trong chuyển đổi số; Vấn đề về chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường. Cuối cùng là các vấn đề khác có liên quan trong công tác chuyển đổi số ở lĩnh vực GDNN…
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội nghị về Chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN
Tham gia ý kiến PGS.TS Nguyễn Đình Thuân, Trường Đại học Công nghệ thông tin, ĐHQG TP.HCM cho rằng, chuyển đổi số trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi người lãnh đạo của đơn vị đó phải có tầm nhìn, đi trước, chứ không phải khoán trắng cho cấp dưới… công nghệ có phát triển đến đâu thì yếu tố con người vẫn sẽ là quyết định cuối cùng cho việc chuyển đổi số thành công hay thất bại. Với lĩnh vực GDNN cũng vạy, cán bộ quản lý, thầy cô giáo vẫn là quan trọng nhất; Các hình thức dạy và học khác chỉ là bổ sung, không thay thế được giáo viên.
Còn TS Huỳnh Thanh Điền (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cho rằng, để chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN thành công, trước hết cơ sở GDNN phải nhận định được hạn chế lớn nhất của chính mình, đó là chương trình đào tạo tại các cơ sở GDNN còn chậm đổi mới theo hướng ứng dụng các nền tảng công nghệ trong thực hiện các thao tác nghề nghiệp. Dẫn đến kiến thức và kỹ năng của học viên sau tốt nghiệp không được vận dụng ở thực tiễn doanh nghiệp, yếu kém trong kỹ năng tương tác với thị trường.
Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết chính sách, pháp luật về GDNN giai đoạn 2015-2022 trên địa bàn TP.HCM.
Vẫn đề còn hạn chế, đội ngũ giáo viên chậm cập nhập kỹ năng ứng dụng công nghệ 4.0 trong thực hành kỹ năng nghề nghiệp cũng là nguyên nhân làm gia tăng thêm khoảng cách giữa đào tạo với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh.
TS Huỳnh Thanh Điền cho rằng, ở góc độ quản lý nhà nước, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cần phải làm được 3 việc: Chuyển đổi số; chính sách thúc đẩy và cuối cùng là đưa ra các Qui định thuộc thẩm quyền của Thành phố và sở; cơ sở GDNN phải có lộ trình cụ thể về chuyển đổi số cho từng ngành, từng nghề; tiếp đó, sử dụng phần mềm nào để quản lý đào tạo, cơ sở vật chất, quản lý học sinh, sinh viên…
Tại hội nghị này, nhiều tham luôn đưa ra những ý kiến liên quan đến việc chuyển đổi số cần chú trọng đến dữ liệu dùng chung, phục vụ cho giảng dạy và quản lý nhà nước về nghề,...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM khẳng định, những thông tin, chia sẻ của các đại biểu tại hội nghị sẽ giúp Sở LĐ-TB&XH Thành phố tổng hợp, tham mưu kịp thời cho UBND TP.HCM trong chương trình, kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực GDNN trên địa bàn Thành phố phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Chiều cùng ngày, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Sơ kết chính sách, pháp luật về GDNN giai đoạn 2015-2022 trên địa bàn TP.HCM. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những kết quả đạt được cũng như vướng mắc, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật GDNN. Qua đó, tìm ra các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu lực thực thi các chính sách, pháp luật về GDNN, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng.
Hội nghị cũng nhằm đánh giá mối quan hệ giữa những chính sách, pháp luật về GDNN với những chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng, các Bộ Luật Luật hiện hành và các Công ước, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; những vấn đề mới phát sinh cần được điều chỉnh,.. để hoạt động GDNN ngày càng phát triển và tiệm cận với công tác đào tạo nghề của khu vực và thế giới.
Trương Đăng