Tin trong nước
Trang chủ / Thời sự / Tin trong nước
Chương trình "Những tấm lòng cao cả" tặng quần áo học sinh vùng biên Xín Cái (Mèo Vạc)
01:34 PM 19/03/2018
(LĐXH)- Trong 2 ngày 17 – 18/3, Chương trình “Những tấm lòng cao cả” do Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức chuyến thăm hỏi, động viên và tặng quà học sinh nghèo vùng biên giới xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang).
Đoàn cán bộ, phóng viên Tạp chí Lao động và Xã hội do TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập dẫn đầu. Cùng tham dự còn có đại diện Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Hà Nội, Chi hội tỉnh Hà Giang; chính quyền xã Xín Cái (huyện Mèo Vạc) cùng đông đảo thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Xín Cái.
Ngay từ sớm các em đã tập trung đến trường để nhận quà
Với tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Lao động và Xã hội mà trực tiếp là TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập đã vận động các đơn vị, nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ, chia sẻ khó khăn với học sinh vùng biên giới đặc biệt khó khăn tại Hà Giang. Chỉ sau một thời gian ngắn đã có các nhà hảo tâm là: bà Trần Ngọc Lan, Công ty Cổ phần Norfolk Hatexco (Khu công nghiệp Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam) và Bà Chu Thị Thọ, Công ty TNHH Đài Trang (Sài Gòn) đã ủng hộ 1.300 bộ quần áo mới để Tạp chí Lao động và Xã hội phân loại theo độ tuổi, đóng gói và vận chuyển lên Hà Giang tặng học sinh xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc; ngoài ra, Công ty Cổ phần Thủy sản khu vực I (Hà Nội) còn gửi ủng hộ 33 thùng nước mắm cho các em học sinh bán trú nơi đây.
TS. Trần Ngọc Diễn tặng quần áo, áo ấm cho đại diện nhà trường
Do đã được lên chương trình và chuẩn bị trước đó cả tháng, 5 giờ 30 ngày 17/3, Đoàn Tạp chí Lao động và Xã hội xuất phát lên đường từ Hà Nội trong tâm trạng khấp khởi mừng vui, mong đến được thật nhanh với các em học sinh vùng biên giới. Những món quà gồm: quần, áo, áo ấm; bánh kẹo, nước mắm được cán bộ, phóng viên sắp xếp, gói gém cẩn thận và vận chuyển miễn cước phí lên Hà Giang trước đó vài ngày bằng xe khánh và xe tải vào xã Xín Cái. Đoạn đường vào đến Xín Cái dài hơn 500km gập ghềnh đá núi chênh vênh nên đoàn phải đi ô tô mất tất cả 16 giờ đồng hồ đi chuyển, nhưng trên gương mặt ai cũng nở nụ cười tươi, sẵn sàng đến với vùng biên giới xa xôi của Tổ quốc.
TS. Trần Ngọc Diễn mặc áo ấm cho học sinh vùng biên giới Xín Cái
Ngay buổi sáng ngày 18/3, gần 100 em đại diện cho hàng trăm học sinh đến từ các bản của xã Xín Cái có mặt tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS từ rất sớm để chờ nhận quà của các nhà hảo tâm. Cuộc sống khó khăn khiến các em gần như chẳng bao giờ biết đến một tấm áo ấm, chiếc kẹo hay một hộp bánh nên biết được nhận quà, nhiều gia đình đã cùng con đi bộ vượt đường đèo núi để đến. Nhìn những đôi chân đi trần, những gương mặt lấm lem trước cái rét căm căm vùng biên và những ánh nhìn nhút nhát của nhiều phụ huynh và học sinh, đoàn ai cũng muốn bật khóc vì cảm thương. Những bộ quần áo mới, chiếc áo rét, mấy chiếc kẹo, hộp bánh được các em nâng niu, trân trọng và vui mừng khôn xiết nên đoàn công tác càng thấu hiểu sự khó khăn của người dân nơi đây.
Ông Lê văn Chương, đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản khu vực I trao nước mắm cho đại diện nhà trường
Được TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập trực tiếp mặc cho chiếc áo ấm, em Ly Thị Dúa (học sinh lớp 7) bản Báo Xả (xã Xín Cái) bỗng dưng dưng nước mắt, cho biết: Do nhà đông anh em, bố mẹ lại quanh năm làm nương, điều kiện gia đình khó khăn nên không có tiền để mua áo ấm mặc vào mùa đông. Hai anh chị của em phải bỏ học theo bố mẹ lên rẫy làm nương và đi làm thuê để phụ giúp gia đình. Sau khi được các thầy cô đến nhà vận động, bố mẹ nghe theo và tiếp tục cho em đến trường.
Thầy Hoàng Ngọc Khánh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Xín Cái, cho biết: Nhà trường chỉ có 10 lớp với gần 300 em nhưng việc duy trì học sinh đến cuối năm gặp nhiều khó khăn do nhận thức của phụ huynh cũng như học sinh về giáo dục còn nhiều hạn chế, chưa có điều kiện quan tâm đến việc học tập của con cái; một số học sinh đến lớp chưa mang tính tự nguyện, vẫn còn nhiều trường hợp bỏ học giữa chừng, do kinh tế gia đình rất khó khăn, thiếu thốn nên nhiều em thường xuyên bỏ học đi làm thuê để giúp gia đình, nhất là ở các khối lớp cuối cấp. Năm nào cũng có những hoàn cảnh với lý do tương tự như hoàn cảnh của em Ly Thị Dúa. Đặc biệt, trong dịp hè các em học sinh thường đi ngủ ở trên nương với cha mẹ, cho nên khi hết hè, việc đến gặp và huy động các em đi học trở lại có phần khó khăn. Tìm được lán rẫy của gia đình các em đã khó, vận động các em và cha mẹ lại càng khó bội phần.
Đoàn công tác phát bánh kẹo cho các em học sinh Xín Cái
Phát biểu tại tại buổi trao quà, TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập, cho biết: Mặc dù đường xá xa xôi, đi lại rất khó khăn vất vả, song chúng tôi đến đây mong muốn đóng góp một phần nhỏ giúp các thầy cô giáo và học sinh cùng nhau vượt qua khó khăn, đảm bảo việc dạy và học nơi biên cương của Tổ quốc. Món quà tuy nhỏ, nhưng mong rằng đây sẽ là những lời động viên, chia sẻ của các nhà hảo tâm, cán bộ, phóng viên Tạp chí Lao động và Xã hội đối với thầy và trò nơi đây. Sự nhiệt tình, trách nhiệm của những người gieo chữ mà học sinh ở xã vùng khó khăn này có cơ hội tới lớp nhiều hơn…
Chênh vênh đường đến Xín Cái
"Là xã có độ dốc lớn, địa hình phức tạp, thời tiết mùa đông rất lạnh, băng giá và sương muối, mùa hè mưa bão gió lốc và khan hiếm nước sinh hoạt, thiếu phục vụ sản xuất nên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống đồng bào các dân tộc Xín Cái cũng như việc giảng dạy, học tập thầy cô và học sinh nơi đây. Chương trình "Những tấm lòng cao cả" do Tạp chí Lao động và Xã hội tổ chức đã mang lại "hơi ấm", góp phần giảm bớt những khó khăn hàng ngày của các cháu học sinh; đây cũng là cơ hội thể hiện tấm lòng đoàn kết giữa những người ở miền xuôi với đồng bào miền núi biên giới còn nhiều khó khăn, trong đó có cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí" - ông Chảo Chỉn Chản, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xín Cái, chia sẻ.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chảo Chỉn Chản phát biểu bầy tỏ cảm ơn Tạp chí Lao động và Xã hội
Cũng trong dịp trao quà cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Xín Cái, đoàn công tác của Tạp chí Lao động và Xã hội cũng đã đến thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Săm Pun đóng trên địa bàn xã Xín Cái. Tại đây, Thiếu tá Nghiêm Duy Khiêm, Đồn trưởng đã trao đổi với đoàn về những khó khăn của địa phương cũng như cuộc sống của bà con các dân tộc vùng giáp biên. Do điều kiện địa lý và khí hậu không thuận lợi, ảnh hưởng rất lớn việc sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội. Xín Cái hiện có khoảng 70% người trong độ tuổi lao động, nhưng do không có việc làm nên nhiều người vượt biên trái phép, đi làm thuê cho các hộ làm nông nghiệp tại Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Đoàn đến thăm và động viên cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Săm Pun
Chia tay các em học sinh vùng cao biên giới trở về Hà Nội, trong lòng đoàn công tác ai cũng nặng trĩu suy nghĩ, hình ảnh những đứa con lấm lem, quần áo rách bươm, sộc xệch như một nỗi ám ảnh không nguôi. Cán bộ, phóng viên Tạp chí đến được với các con trong những ngày đông lạnh giá, nhưng còn cả những ngày dài phía trước em sẽ lại tiếp tục sống trong cảnh thiếu thốn, đói nghèo… Nghĩ đến điều này ai nấy mắt cũng đỏ hoe, lòng tự bảo “sau này sẽ có ngày quay trở lại nơi đây với các con” để một lần nữa được nhìn thấy nụ cười tươi rói và gương mặt rạng rỡ khi được mặc những bộ quần áo mới, giữ ấm cho các em khi mùa đông lạnh giá để cắp sách tới trường.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Top điểm đến ở Việt Nam 'gây mê' du khách nước ngoài
Sáng 8/1: Ghi nhận 515 dư chấn sau trận động đất ở Tây Tạng
Động đất, nam sinh dũng cảm quay lại lớp cõng bạn chạy trốn
Nâng cao ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh của người lãnh đạo, quản lý
Động đất Tây Tạng: 126 người thiệt mạng, mức khẩn cấp cao nhất
Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong nghiên cứu, sản xuất vaccine thú y
Vừa vạch trần bê bối xây dựng, nhà báo bỏ mạng tức tưởi
Bạn gái bị chê hát lạc nhịp, gã đàn ông đấm chết người chê
Cậu bé bị biến dạng mặt vì trò đùa tàn nhẫn của bạn