Tin quốc tế
Trang chủ / Thời sự / Tin quốc tế
Sáng 8/1: Ghi nhận 515 dư chấn sau trận động đất ở Tây Tạng
11:45 AM 08/01/2025
(LĐXH) - Tính đến 8h sáng nay (8/1), Tây Tạng ghi nhận tổng cộng 515 dư chấn, trong đó có 27 dư chấn từ 3.0 độ Richter trở lên, dư chấn mạnh nhất là 4.4 độ Richter.

Một trận động đất mạnh 6.8 độ Richter đã làm rung chuyển huyện Đinh Nhật, khu tự trị Tây Tạng vào ngày hôm qua (7/1), gây ra hậu quả nghiêm trọng về người và của. Tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 126 người đã thiệt mạng và 188 người khác bị thương, trong khi các nỗ lực cứu hộ vẫn đang được khẩn trương triển khai.

Theo thông tin từ chính quyền địa phương, công tác cứu hộ đang đối mặt với những thách thức không nhỏ do nhiệt độ xuống thấp kỷ lục. Trong đêm đầu tiên của chiến dịch cứu hộ, nhiệt độ tại khu vực đã giảm sâu xuống mức -18 độ C, buộc cả lực lượng cứu hộ và người dân phải vật lộn với cái lạnh khắc nghiệt song song với việc tìm kiếm và hỗ trợ nạn nhân. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là nguồn cung cấp điện đã dần được khôi phục tại nhiều khu vực bị ảnh hưởng, bao gồm trung tâm huyện Đinh Nhật và các trấn, hương lân cận, giúp giảm bớt phần nào gánh nặng chống chọi với thời tiết giá rét.

Có tới 515 dư chấn được ghi nhận sau trận động đất ở Tây Tạng, cho thấy khu vực này vẫn tiềm ẩn nguy cơ rung chấn. (Ảnh: Sina)

Cục Mạng lưới Động đất Trung Quốc (CENC) cho biết, tính đến 8h00 sáng nay (8/1), đã ghi nhận tổng cộng 515 dư chấn, trong đó có 27 dư chấn từ 3.0 độ Richter trở lên. Dư chấn mạnh nhất được ghi nhận là 4.4 độ Richter với tâm chấn cách tâm chấn chính khoảng 18km. Điều này cho thấy khu vực vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các rung chấn tiếp theo, gây thêm khó khăn cho công tác cứu hộ và có thể đe dọa đến sự an toàn của người dân.

Ngay sau khi trận động đất xảy ra, CENC đã khẩn trương tổ chức các cuộc họp với các chuyên gia để phân tích và đánh giá tình hình. Kết quả cho thấy, tâm chấn của trận động đất nằm sâu bên trong mảng kiến tạo Lhasa ở phía nam cao nguyên Thanh Tạng và cơ chế gây ra động đất là do sự đứt gãy kiểu kéo giãn.

Theo các chuyên gia, trong điều kiện thời tiết lạnh giá khắc nghiệt, cần tăng cường các phương pháp cứu hộ nhanh chóng. (Ảnh: CCTV)

Các chuyên gia nhận định, đây là một sự kiện giải phóng năng lượng tự nhiên do sự va chạm và chuyển động về phía bắc của mảng Ấn Độ Dương, gây áp lực lên khu vực. Được biết, khu vực này khá nhạy cảm về địa chất và đã ghi nhận 21 trận động đất có biên độ từ 6.0 độ Richter trở lên kể từ năm 1950, trận động đất mạnh nhất là 6.9 độ Richter xảy ra ở Mễ Lâm, Tây Tạng vào năm 2017.

Để ứng phó với tình hình khẩn cấp, chính quyền các cấp từ khu tự trị Tây Tạng, thành phố đến huyện đã nhanh chóng triển khai các biện pháp cứu trợ. Tổng cộng 24 đội cứu trợ y tế với 568 nhân viên y tế và 106 xe cứu thương đã được điều động để hỗ trợ vận chuyển và điều trị người bị thương. Bên cạnh đó, một lượng lớn vật tư thiết yếu, ước tính hơn 170.000 mặt hàng, bao gồm lều bạt chống rét, giường gấp, chăn bông, áo ấm, giày bông, máy sưởi, máy phát điện, đèn chiếu sáng khẩn cấp, nước uống và mì ăn liền đã được khẩn trương vận chuyển đến khu vực bị ảnh hưởng.
Lê Nguyên
TAG: động đất Tây Tạng
Tin khác
Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện
Đoàn công tác của lãnh đạo Bộ Nội vụ làm việc với các đơn vị thuộc Bộ tại phía Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi trao Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội
Hậu Giang: Trình các đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp chậm nhất trước ngày 5/5
Sẵn sàng triển khai đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở
Lãnh đạo TPHCM thăm, động viên Khối diễu hành công nhân và nông dân tham gia Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4
Cần Thơ: Dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp chậm nhất đến ngày 15.4
Tiền Giang: Khẩn trương sắp xếp tinh gọn bộ máy đúng chỉ đạo, định hướng của Trung ương
Đồng Nai: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã lấy ý kiến cơ quan, đơn vị và nhân dân