An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên: Vượt lên trở ngại đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới
09:35 AM 06/08/2019
Kỳ cuối: Chuyển động ở huyện nghèo biên giới.

(LĐXH)- Mới đây, sáng 29/7/2019, tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác quý II, triển khai nhiệm vụ công tác quý III năm 2019 của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH) tỉnh Điện Biên, báo cáo cho thấy, trong quý II, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cho vay thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng được giao năm 2019, trong đó có địa bàn các huyện nghèo nơi vùng sâu, biên giới, vùng có đông bà con các dân tộc thiểu số sinh sống...

Thống kê cho thấy tính đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 2.852,65 tỷ đồng (tăng 166,071 tỷ đồng so với đầu năm), đạt 81,6% kế hoạch giao tăng. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương 2.713,769 tỷ đồng, tăng 139,32 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 76% kế hoạch giao tăng; vốn ngân sách địa phương là 31,68 tỷ đồng, tăng 5,35 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 107% kế hoạch giao; doanh số cho vay đạt 479,59 tỷ đồng với 11.347 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ 2.846,773 tỷ đồng, tăng 164,429 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 87,4% kế hoạch giao tăng. Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được trong quý II và đề ra những giải pháp khắc phục một số tồn tại trong hoạt động của Ngân hàng Chính xã hội trong quý III/2019. Một số ý kiến rất cụ thể, thẳng thắn và cũng rất thiết thực đề nghị Ngân hàng CSXH hai cấp (tỉnh và huyện) cần phối hợp với các cấp, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nguồn vốn phát huy hiệu quả cao nhất. Mặt khác, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về chế độ, chính sách cho vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là người lao động nghèo tại các huyện vùng sâu, biên giới, vùng có nhiều dân cư là hộ đồng bào các dân tộc thiểu số…
Một buổi giải ngân và thu lãi của Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé,
tổ chức tại điểm giao dịch trụ sở UBND xã Nậm Vì
Như mọi người đều biết, tỉnh Điện Biên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện thì 7/10 đơn vị là huyện nghèo, trong số 7 đơn vị là huyện nghèo thì Mường Nhé là huyện nghèo với tất cả các yếu tố đặc trưng của một địa bàn khó khăn: Vùng sâu, biên giới, đại đa số cư dân là người dân tộc thiểu số với những trở ngại không dễ gì có thể vượt qua. Trong tình hình đó, cùng với các chính sách đầu tư phát triển từ nhiều chương trình, dự án... thì nguồn tín dụng do Ngân hàng CSXH mang lại đã và đang giúp các hộ nghèo, người nghèo, các đối tượng chính sách thêm quyết tâm cho nỗ lực xóa đói giảm nghèo, ổn định dân sinh, góp phần củng cố lòng tin của người dân vào đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ. Để đồng vốn không chỉ đến tay mà còn phát huy hiệu quả kinh tế với các hộ nghèo và hộ cận nghèo, các gia đình chính sách, Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé đã khắc phục khó khăn, triển khai một cách năng động các mô hình cho vay hiệu quả theo từng địa bàn dân cư; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... thực hiện tốt việc ủy thác vay vốn để hội viên được tiếp cận các nguồn vốn dễ dàng hơn. Xác định có được đồng vốn đã khó, nhưng để đồng vốn sinh lời còn khó khăn hơn, nhất là với hộ nghèo, hộ chưa có việc làm ổn định, hộ sản xuất - kinh doanh tại vùng đặc thù... Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện không chỉ đơn thuần giải ngân cho vay mà còn tư vấn cho người vay kinh nghiệm sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả cao nhất.
Trong chuyến công tác tại huyện Mường Nhé cách đây chưa lâu, chúng tôi có dịp cùng đoàn cán bộ Ngân hàng CSXH huyện về xã Nậm Vì. Quả thật, có đến đây mới thấy được đồng vốn quan trọng thế nào với bà con dân tộc, trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo... Mới hơn 6 giờ sáng mà sân trụ sở UBND xã Nậm Vì như mở hội, bởi sự có mặt của mấy trăm hộ nông dân các dân tộc thiểu số trong xã. Theo lịch làm việc, hôm nay là ngày cán bộ Ngân hàng CSXH huyện về xã thu vốn và lãi của một số nguồn vốn chương trình xóa đói giảm nghèo đã giải ngân cách đây 5 năm. Được xã thông báo trước, bà con tập trung rất đông và khi xe của đoàn cán bộ Ngân hàng CSXH huyện tới, bà con ùa ra mỗi người một tay giúp chuyển tài liệu, đồ đạc của đoàn lên phòng họp tầng 3 trụ sở UBND xã.
Tranh thủ lúc đoàn công tác đang sắp xếp bàn ghế và ổn định trật tự, chúng tôi tìm gặp một số người dân đến trả lãi theo kỳ hạn. Chị Mào Thị Hào (dân tộc Thái, sinh năm 1989, ở bản Nậm Vì, xã Nậm Vì), nói như khoe: “Gia đình tôi được vay 40 triệu đồng, theo chương trình hộ nghèo trong thời gian 5 năm. Với số vốn ấy vợ chồng tôi mua một cặp gồm 1 con trâu mẹ và 1 nghé con, đến nay đã phát triển được 5 con và mấy tháng nữa sẽ thêm một nghé con chào đời. Hôm nay là kỳ trả lãi và gốc, tôi đến để hoàn thành phần nghĩa vụ của mình. Nhờ được vay vốn mà gia đình tôi đã cơ bản thoát nghèo, đời sống đang dần khá hơn rất nhiều. Tôi dự định sẽ chăm cho đàn trâu phát triển mãi lên thật đông”.
Lớp học vùng sâu Mường Nhé
Anh Chao Hồ Sinh (dân tộc Hà Nhì, sinh năm 1980, bản Huổi Lúm, xã Nậm Vì), cho biết: “Trước đây gia đình tôi là hộ cận nghèo, nhờ được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay theo chương trình hộ cận nghèo, gia đình tôi đã mua được ruộng, mua được trâu và làm được nhà... Tổng thu nhập của gia đình mỗi năm khoảng 70 triệu đồng, kỳ trả lãi nào gia đình tôi cũng thực hiện đúng hạn”.
Anh Thào Chính Phông (dân tộc Mông, sinh năm 1979, bản Huổi Chạ 1, xã Nậm Vì), chia vui: Gia đình mình có 5 khẩu, tháng 12/2017 được vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của Ngân hàng CSXH huyện để mua dê. Đến nay, đàn dê của gia đình anh đã phát triển lên hàng chục con. Từ tiền bán dê anh đã mua được 2 con trâu, sắm được một số vật dụng thiết yếu cho gia đình và nuôi các con ăn học chu đáo. Trao đổi với chúng tôi, anh Thào Chính Phông cho biết: Vay vốn từ Ngân hàng CSXH bây giờ không khó khăn gì, miễn là gia đình mình thuộc đối tượng cho vay. Mọi giấy tờ, thủ tục vay vốn, trả lãi và gốc hàng tháng được các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn nhiệt tình, chi tiết ngay tại bản, sau đó gia đình cử người ra nhận vốn tại xã. Qua các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, chúng tôi còn nắm bắt được nhiều chương trình vay vốn mới của Ngân hàng CSXH; được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện của gia đình và địa phương.
Các gia đình chị Mào Thị Hào, anh Chao Hồ Sinh, anh Thào Chính Phông... chỉ là 3 trong hàng trăm gia đình nông dân nghèo đang mỗi ngày một khá lên nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của của Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé. Vốn vay của Ngân hàng không những tạo đà cho đồng bào các dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con. Từ chỗ thụ động trong trồng trọt, chăn nuôi, người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đã biết chủ động lựa chọn những mô hình kinh tế phù hợp và từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Có thể ví các tổ chức, đoàn thể các cấp như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng, đã đứng ra tín chấp vay vốn cho hội viên nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngoài ra, các tổ chức, đoàn thể còn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả, trả lãi và gốc đúng hạn.
Trở về trụ sở Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé, chúng tôi có buổi làm việc với ông Lê Tuấn Thành, Phó Giám đốc. Bên ly trà chanh, ông Lê Tuấn Thành, cho biết: Thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao, nguồn vốn của đơn vị chủ yếu cho vay chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh, hộ nghèo về nhà ở... Để giảm bớt chi phí và thời gian đi lại cho người dân, giảm tải lượng khách hàng về giao dịch tại trụ sở Ngân hàng CSXH huyện, bộ phận Giao dịch của Ngân hàng CSXH huyện duy trì tốt việc liên hệ với chính quyền các xã theo lịch cố định, đặt điểm giao dịch tại 11/11 xã và thực hiện giao dịch (theo lịch cố định) mỗi xã ít nhất 1 lần/tháng. Qua các kênh thông tin, chúng tôi nắm bắt tình hình nhu cầu về vốn, nguyện vọng của người dân ở các xã để có kế hoạch giải ngân phù hợp, hiệu quả và kịp thời, đúng chủ trương chính sách. Để tạo điều kiện tốt nhất giúp người dân tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện chủ động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến bà con về mục đích, ý nghĩa các chương trình cho vay và nguồn vốn vay. Thông qua nhiều giải pháp đồng bộ như củng cố, mở rộng hệ thống điểm giao dịch lưu động tại các xã và trung tâm huyện; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; cử cán bộ tín dụng chính sách phụ trách từng địa bàn cụ thể. Nhờ đó, hiệu quả sử dụng vốn vay không ngừng được nâng lên, đồng nghĩa với việc nhiều hộ nông dân nghèo đã và đang từng bước thoát nghèo. Cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã từ Ngân hàng CSXH huyện đã giúp cho hàng nghìn hộ nghèo được vay vốn phát tiển sản xuất, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, làm nhà ở, thực hiện các chương trình, các cuộc vận động về nông nghiệp, nông thôn.
Làm thủ tục cho hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh
Chia sẻ về những khó khăn, hạn chế trên địa bàn đặc thù, ông Lê Tuấn Thành, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé, trao đổi: Trong thời đại hội nhập, dưới tác động của nền kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình hình xã hội có những diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, thiên tai và dịch bệnh làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; người nghèo và các đối tượng chính sách khác càng dễ bị tổn thương hơn cả. Thu nhập của người dân vùng sâu, biên giới phụ thuộc rất nhiều vào mùa vụ (mà mùa vụ lại phụ thuộc vào thiên nhiên) nên việc thu lãi và vốn thật khó đạt chỉ tiêu, nhất là những tháng giáp hạt... Nhiều trường hợp bà con đi làm ăn xa, đến kỳ trả nợ không về được nên vốn cộng lãi dồn lại; có trường hợp do phong tục tập quán du canh du cư, người dân đi khỏi nơi ở cũ, đơn vị phải liên hệ và phối kết hợp với Ngân hàng nơi họ chuyển đến để quản lý lãi và thu hồi vốn vay... Mặt khác, trình độ nhận thức của một số cán bộ và nhân dân trên địa bàn còn hạn chế, chưa nắm vững quy trình, thủ tục vay vốn, chưa thấy hết tầm quan trọng của chính sách tín dụng ưu đãi đối với việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; một số hộ chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng và Chính phủ.
Được biết những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành huyện Mường Nhé đã thực hiện nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và việc làm nhằm nâng cao đời sống nhân dân, tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, an ninh làng bản được giữ vững. Công tác xóa đói giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, của Ban đại diện Hội đồng quản trị, sự phối hợp hiệu quả giữa Ngân hàng CSXH với các đơn vị nhận ủy thác. Phòng Giao dịch luôn được Ngân hàng CSXH tỉnh quan tâm chỉ đạo, ưu tiên nguồn vốn đầu tư tín dụng; cơ sở vật chất tiếp tục được bổ sung, điều kiện làm việc và sinh hoạt của cán bộ viên chức ngày càng được cải thiện... Theo Phó Giám đốc Lê Tuấn Thành, đó là những thuận lợi căn bản và là tiền đề để những năm tới, Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé tiếp tục hoàn thành và hoàn thành tốt hơn nữa vai trò “cầu nối” giúp người dân trên địa bàn huyện xóa đói giảm nghèo, góp phần đẩy nhanh cuộc vận động xây dựng nông thôn mới…
Tóm lại, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH được các hộ đầu tư đúng hướng, đã và đang góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, giúp cho hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo và từng bước ổn định cuộc sống, giúp cho đời sống các làng bản thêm hạnh phúc, bình yên. Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé thực sự trở thành địa chỉ tin cậy đối với người nghèo, hộ nghèo; là nơi giúp cho manh áo của người nghèo không chỉ ấm hơn mà còn đẹp hơn, giúp cho bát cơm của người nghèo không chỉ đầy hơn mà còn ngon hơn.../.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Đắk Lắk: Chăm lo chu đáo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
Chương trình “Xuân biên cương - Tết ấm cho em – Hội chợ Tết 0 đồng”
Người dân Hà Nội 'xé rào', đi ngược chiều trên đường Lê Quang Đạo
Mang chim thú, cây lạ về nhà, coi chừng phạm pháp
Chương trình Tết đồng bào 2025: Mang Tết sớm đến với đồng bào vùng cao huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
Bắc Giang: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Chương trình 'Tết cho trẻ em nghèo' trao tặng hàng chục suất quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
Hà Nội: Chợ đồ cũ Vạn Phúc sầm uất, tiểu thương vẫn gặp khó
Hà Nội: Tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác uỷ thác cho vay tín dụng chính sách xã hội