Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên: Vượt lên trở ngại đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới
Kỳ 2: Giảm nghèo bền vững chứ không chạy theo thành tích
(LĐXH)- Là tỉnh miền núi, biên giới nhiều khó khăn, những năm qua, Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương ưu tiên đầu tư thực hiện nhiều chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên, các sở, ban ngành đã nỗ lực thực hiện các chương trình, dự án đem lại hiệu quả tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh...
(LĐXH)- Là tỉnh miền núi, biên giới nhiều khó khăn, những năm qua, Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương ưu tiên đầu tư thực hiện nhiều chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên, các sở, ban ngành đã nỗ lực thực hiện các chương trình, dự án đem lại hiệu quả tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh...
Theo quy định phân loại huyện nghèo của Chính phủ, năm 2015, Điện Biên có 7 huyện nghèo (trong đó, có 5 huyện nghèo nhóm 1 gồm các huyện thuộc Chương trình 30a và 2 huyện nghèo nhóm 2); toàn tỉnh có 103/130 xã, phường, thị trấn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Thời điểm triển khai Chương trình 30a, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 48,14% (57.214 hộ) và 9.135 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 7,69%); đời sống của đại bộ phận người dân vùng sâu, vùng biên giới, như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Chà... hết sức khó khăn. Lợi dụng vào những khó khăn đó, kẻ xấu tuyên truyền để chia rẽ nhân dân với chính quyền, để nhân dân đối lập với các lực lượng vũ trang; xúi giục, lôi kéo một bộ phận người dân tộc thiểu số tham gia các tổ chức tôn giáo trái pháp luật, kích động thành lập “Vương quốc Mông” (một trong những vụ việc phức tạp nhất xảy ra dạo cuối tháng 4 đầu tháng 5/2011 với hàng chục nghìn người Mông từ nhiều tỉnh trong nước, tụ tập trái phép về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé để... đón “vua Mông”). Mặt khác, tại không ít làng bản, tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, nạn vượt biên lén lút, buôn bán người, săn bắn động vật quý hiếm, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự địa bàn và “làm chậm” các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: Trong điều kiện tỉnh nghèo, nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc ngân sách Trung ương cấp hàng năm và việc huy động từ cộng đồng còn hạn chế, nên căn cứ nguồn ngân sách Trung ương phân bổ hàng năm, UBND tỉnh thực hiện nghiêm việc phân nguồn vốn chương trình xóa đói giảm nghèo ngay từ đầu năm tài chính. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh phải nêu cao trách nhiệm thực hiện các chương trình, dự án. Việc thực hiện các chương trình, dự án phải đến đích là giúp người nghèo xóa đói giảm nghèo bền vững chứ không chạy theo những con số vì thành tích. Nhờ các nguồn lực hỗ trợ, sự nhiệt tình, trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền các huyện, thị và sự nỗ lực của bản thân các xã nghèo, bản nghèo, hộ nghèo, người nghèo, đến nay công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 8,3%/năm; GDP bình quân đầu người là 26,7 triệu đồng/người/năm (tăng 15,08% so với năm 2015). Đến đầu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo còn 37,08% (giảm 10,69% so với năm 2015). Toàn tỉnh có 130/130 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm (đạt 100%); 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia (đạt mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2020); toàn tỉnh có 22/130 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài các chính sách hỗ trợ sản xuất, người nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để tăng thu nhập trên cùng một số vốn đầu tư và trên cùng một diện tích canh tác hoặc đàn vật nuôi…
Để góp vào thành công chung của công tác xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên, một trong những đơn vị có nhiều nỗ lực và mang lại những kết quả rất đáng hoan nghênh, đó là Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên. Theo ông Đàm Xuân Triệu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thông tin: Tính đến thời điểm đầu quý III/2019, tổng nguồn vốn tín dụng của Chi nhánh là 2.851,15 tỷ đồng, tăng 164,571 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 6,1%. Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2019 là 479,59 tỷ đồng, doanh số thu nợ 6 tháng đầu năm 2019 là 314,073 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm đã có 11.347 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà ở ổn định, đã tạo thêm và duy trì việc làm cho hàng trăm lao động; xây dựng, cải tạo 1.635 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; có 253 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Công tác vận động, tuyên truyền tiếp tục được các đơn vị ủy thác cấp tỉnh, cấp huyện quan tâm chỉ đạo sát với thực tế, qua đó các chủ trương chính sách mới của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân được kịp thời hơn. Chất lượng nội dung tuyên truyền phù hợp, đạt hiệu quả rõ rệt, trách nhiệm và nhận thức của Hội cấp dưới không ngừng được nâng lên. Công tác tham mưu, giúp việc của cán bộ hội phụ trách công tác ủy thác cũng được nâng cao. Tổng dư nợ ủy thác là 2.839,191 tỷ đồng, tăng 165,589 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ quá hạn và nợ khoanh 11,436 tỷ đồng, chiếm 0,40% của tổng dư nợ ủy thác, tăng 124 triệu so với tháng trước, giảm 3 triệu đồng so với đầu năm. Đến ngày 30/6/2019, các đơn vị nhận ủy thác đang quản lý 2.235 tổ tiết kiệm và vay vốn với 78.068 hộ. 6 tháng đầu năm, các đơn vị đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, triển khai đồng bộ các giải pháp và thực hiện tốt công tác nhận ủy thác. Rõ ràng đồng vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên đã góp phần quan trọng cho nhiệm vụ triển kinh tế, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội vùng sâu, biên giới, vùng dân tộc thiểu số nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh nói chung.
Năm học 2018 - 2019 là niên khóa đầu tiên thầy và trò Trường THCS Nậm Tin
(huyện Nậm Pồ) được dạy và học trong ngôi trường mới khang trang
Với quyết tâm phấn đấu đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển trung bình của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, các nhiệm kỳ qua và nhất là 15 năm kể từ khi chia tách tỉnh (2004 - 2019), những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc phấn đầu và giành được trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh thật đáng ghi nhận và trân trọng. Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 với sự tham gia của các thành phần kinh tế, có nhiều chuyển biến tích cực và mang lại hiệu quả rõ rệt. Sự tăng nhanh các nguồn vốn, chẳng những góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, mà còn chứng tỏ Điện Biên đang dần trở thành “điểm đến” để các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, trong và ngoài nước có thể tìm thấy ở đây những cơ hội làm ăn dài lâu.../.
Chí Tâm
(Còn nữa)
TAG: