Thời sự
Trang chủ / Thời sự / Thời sự
Chủ tịch nước Lương Cường làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa
04:34 PM 05/12/2024
(LĐXH)- Trong chương trình tiếp xúc cử tri và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa, sáng 5/12, Chủ tịch nước Lương Cường và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025.
Tham gia buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Quanh cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Thanh Hoá đã có những kết quả phát triển kinh tế - xã hội tương đối toàn diện, trong đó có bốn vấn đề nổi bật:
Thứ nhất, về tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm các địa phương tăng trưởng cao trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động. Năm 2023, Thanh Hoá đứng vị trí thứ 5 thì năm nay đã đứng thứ 2.
Thứ hai, việc thu hút FDI của Thanh Hoá thuộc diện lớn, trong khu vực miền Trung đứng thứ 2; còn toàn quốc đứng thứ 7, thứ 8.
Thứ ba, có một điều rất mừng là gần đây các chỉ số cải cách hành chính của Thanh Hoá có những bước nhảy vọt. Đây là động lực đáng ghi nhận trong cơ chế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hiện nay.
Thứ tư, các lĩnh vực văn hoá, xã hội, an sinh xã hội, tỉnh Thanh Hóa cũng triển khai tương đối đồng bộ, đầy đủ, kịp thời các chính sách đến với người dân, nhất là với những người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Gần đây, báo cáo Chủ tịch nước, so với tháng 7, tháng 8 năm ngoái, lượng đơn thư, khiếu nại, tố cáo của người dân về các vấn đề chính sách đất đai đã giảm dần, đây là điều rất tốt và tiến bộ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý một số vấn đề đối với tỉnh Thanh Hóa:
Thứ nhất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Thanh Hoá còn chậm. Tỉnh có rất nhiều lợi thế, đặc biệt là giao thông, nhưng việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kết cấu hạ tầng chưa thực sự chớp được thời cơ, chưa tận dụng được những lợi thế của tỉnh. Do đó, kết cấu hạ tầng chuyển đổi chưa nhanh, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Thứ hai, các cơ sở thiết chế văn hoá, các trung tâm của tỉnh còn thiếu và không đồng bộ, dẫn đến nhiều lợi thế trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, thu hút đầu tư, còn chậm.
Thứ ba, Thanh Hoá là một trong 10 địa phương được hưởng 7 cơ chế chính sách đặc thù. Trước đây, khi bàn các cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa, với trách nhiệm là ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi đã góp ý, đóng góp ý kiến rất nhiều. Thanh Hóa có 7 chính sách đặc thù và là những chính sách vượt trội mà sang năm chúng ta chuẩn bị tổng kết, nhưng tôi suy nghĩ thấy hiện tại trong 7 chính sách, mới có 1 chính sách đi vào cuộc sống, 6 chính sách còn lại  hình như chúng ta còn “lững thững”.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Từ những vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo Chủ tịch nước quan tâm hơn đối với tỉnh Thanh Hóa:
Thứ nhất, Thanh Hóa cần tập trung thoát gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các vấn đề trung tâm, trụ cột tăng trưởng của hành lang kinh tế. Trong đó, chú trọng đến việc duy trì và tạo thêm động lực tăng trưởng mới, coi trọng đầu tư và khai thác hạ tầng.
Thứ hai, Thanh Hoá cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tạo sự chuyển biến của miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số với tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn rất cao. Thanh Hóa đang cùng Trung ương phấn đấu xoá nhà tạm, nhà dột nát, mục tiêu đến tháng 9, tháng 10 năm 2025 trước Đại hội Đảng bộ tỉnh phải công bố được đã xoá 100% nhà tạm, nhà đột nát cho dân.
Báo cáo thêm với Chủ tịch nước, vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa quan tâm về vấn đề này và đã đề xuất  02 đơn vị Trung ương hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh vấn đề này. Sau 80 năm độc lập mà dân không có nhà ở thì chưa tính được đến an sinh, làm giàu, vì chỉ có an cư mới lạc nghiệp, tôi mong Thanh Hoá làm được điều này và giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh hơn và thực chất hơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung biểu dương những kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đã đạt được
Thứ ba, về các kiến nghị của Thanh Hóa với Chủ tịch nước, tôi báo cáo thế này, con đường nối huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) về huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) là tuyến đường  giao thông rất quan trọng. Tháng 11/2023 trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ, tôi đã đề xuất Thủ tướng cho đầu tư con đường này. Trong Kết luận số 504 của Thủ tướng tại buổi làm việc với tỉnh Hoà Bình, khi phát động Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tướng cũng đã đồng ý tuyến đường này. Tôi cho rằng tuyến đường giao với tỉnh Hoà Bình thì do tỉnh Hoà Bình làm chủ đầu tư, tuyến đường về Thanh Hoá thì giao cho tỉnh Thanh Hoá làm chủ đầu tư. Chính phủ đã đưa nội dung này vào kế hoạch trung hạn của 2026-2031, do đó tôi đề nghị Thanh Hoá khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư tuyến đường này.
Thứ tư, tôi đề nghị Thanh Hoá khẩn trương xây dựng các dự án về nâng cấp cơ sở cai nghiện ma tuý, nội dung này cũng đã đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Thứ năm, về kiến nghị của tỉnh về Nghị định số 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2019 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tôi đã báo cáo lại Chính phủ về việc khó khả thi.
Bởi lẽ, chúng ta đang dành chính sách ưu tiên cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang miền núi ở vùng đặc biệt khó khăn; nếu chúng ta muốn mở rộng vùng khó khăn thì tôi cho là khó khả thi. Vì những khu vực đặc biệt khó khăn hiện nay đang thu hẹp lại và đề xuất này cũng không đồng bộ với các pháp luật hiện nay, kể cả với việc áp dụng Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Lương Cường tin tưởng sâu sắc rằng: Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá sẽ thực hiện thắng lợi, toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đưa tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, trở thành “Tỉnh kiểu mẫu" như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Trần Thắng

TAG: Lương Cường
Tin khác
Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)
Cuộc thi Nhà lãnh đạo tương lai - The Future CEO (TFC) 2024 : Hành trình khai phá tiềm năng lãnh đạo thế hệ trẻ Việt Nam
Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay
Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII quyết định nhiều nội dung quan trọng
Ngày phở của Đoàn thanh niên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với đối tượng yếu thế tại Bắc Giang
Gặp gỡ nhóm người treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà ở Paris năm 1969
Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024”: Tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Chiến thắng Bình Giã- mốc son lịch sử
Các nhà lãnh đạo trẻ khát vọng xây dựng một ASEAN kết nối và sáng tạo hơn