Chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)
(LĐXH) - Nhằm tiếp tục thảo luận, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Bộ luật trước khi trình Phiên họp thứ Ba mươi sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 8/8/2019, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo tham vấn về Chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà.
Quang cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vận hành theo cơ chế thị trường và hội nhập khu vực và quốc tế, cũng như trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, việc thực hiện các quy định liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới của Bộ luật Lao động năm 2012 đã bộc lộ một số vấn đề có thể không còn phù hợp. Có những quy định bảo vệ lao động nữ, mặc dù mục đích hướng đến là tốt và không phân biệt đối xử, song có thể dẫn đến phân biệt đối xử trên thực tế như cấm một số công việc không được sử dụng lao động nữ, quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động nam.
Trong báo cáo đánh giá tác động giới và đánh giá tác động xã hội của Dự án Bộ luật sửa đổi đã chỉ ra một số nội dung không khả thi do thiếu quy định cụ thể phù hợp như vấn đề phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, chính sách đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ v.v…
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo
Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là cơ hội để các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với thực tiễn của quốc gia và bắt kịp xu thế toàn cầu. Các vấn đề có tác động, ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến hầu hết các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hàng chục triệu lao động nam và lao động nữ trên trên thị trường lao động của nước ta, Thứ trưởng Hà nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Phạm Ngọc Tiến phát biểu tại Hội thảo
Đánh giá về tính bình đẳng trong việc điều chỉnh tuổi hưu trong dự án sửa đổi Luật Lao động năm 2012, ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội cho rằng, về cơ bản, việc tăng tuổi hưu là điều tất yếu và có lợi đối với lao động nữ. Theo báo cáo an sinh xã hội thế giới của ILO, giai đoạn 2017 -2019, số quốc gia có tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bằng nhau ngày càng tăng chiếm 68,4%, những nước có mức chênh lệnh tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ như Việt Nam ngày càng giảm.
Về khoảng cách giới về lương hưu năm 2017, với thời gian tham gia BHXH từ 28 năm đến 28 năm 11 tháng trở xuống, mức lương hưu của nữ cao hơn nam. Nhưng số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu từ 30 năm trở lên thì mức lương của lao động nữ chỉ bằng 83% của nam. “Do đó, tổng cộng lương hưu bình quân tất cả năm đóng BHXH nữ luôn chỉ bằng khoảng 84 % của nam giới”.
Cũng theo ông Phạm Trường Giang, đối với một số công việc có tính chất đặc thù, khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù thì người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp; trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm. Theo đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu các chính sách hướng dẫn đối với từng đối tượng cụ thể. Chẳng hạn, đối với công nhân trực tiếp sản xuất, hiện nay có những lo ngại khi lớn tuổi năng suất lao động không cao, doanh nghiệp không muốn sử dung, mà thay vào đó là sử dụng lao động trẻ. Để giải quyết vấn đề này, chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ không chỉ hỗ trợ người lao động khi bị thất nghiệp, mà phải hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm, tránh sa thải lao động. Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có hỗ trợ tài chính để sắp xếp, bố trí lại lao động, tiếp tục sử dụng lao động trung niên và cao tuổi như hỗ trợ một phần tiền lương hoặc đóng BHXH cho những lao động này, để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Bà Phan Thanh Minh, đại diện Vụ Pháp chế cho rằng, điểm mới trong chính sách đối với lao động nữ trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi) là tiến tới thu hẹp và xóa bỏ khoảng cách giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; Người lao động (NLĐ) bình đẳng về quyền nghỉ hưởng trợ cấp BHXH khi thực hiện biện pháp tránh thai, khám thai, sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật BHXH; NLĐ có quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ trên cơ sở được thông tin đầy đủ về các công việc đó và điều kiện bảo hộ lao động; Cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con của NLĐ, thực hiện các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới (trong đó Điều 137).
Bà Phan Thanh Minh, Vụ Pháp chế phát biểu về Nội dung cơ bản thúc đẩy bình đẳng giới trong Dự án Bộ luật lao động (sửa đổi)
Việc thống nhất việc sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới phải phù hợp với các nguyên tắc hiến định tại Hiến pháp 2013; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo sự tương thích với các Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)… Các đại biểu cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang “thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền” đối với cả hai giới, lao động nam và lao động nữ. Theo đó, cần quy định về các biện pháp nhằm bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế và quy định bảo vệ thai sản đối với cả lao động nam và lao động nữ, với các biện pháp, quy định cụ thể.
Hội thảo là dịp để tham vấn các đại biểu về một số nội dung liên quan đến chính sách đối với lao động nữ để từ đó tìm được sự đồng thuận giữa các chuyên gia cũng như đối với cử tri cả nước. Tại hội thảo, một số chuyên gia cũng đã bày tỏ việc cần thiết phải làm rõ hơn về khái niệm liên quan đến quấy rối tình dục; nên cân nhắc việc dùng từ trong quy định “quấy rối tình dục là hành vi có bản chất tình dục” sang “quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục”. Cũng liên quan đến quy định này, nhiều đại biểu cho rằng, quy định quấy rối tình dục như trong Dự thảo hiện nay (về địa điểm chỉ là nơi làm việc) là đang bó hẹp, rất khó khi áp dụng. Vì trên thực tế, hiện có nhiều nạn nhân bị quấy rối ngoài giờ làm việc và ở nhiều nơi khác nhau./.
Hà Giang
TAG: