Bàn về quy định tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi
Dự thảo điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo BLLĐ lần này là lần thứ hai, sau 58 năm, kể từ năm 1961 (công nhân, viên chức Nhà nước tuổi nghỉ hưu của nam tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi, tuổi nghỉ hưu của nữ vẫn giữ nguyên là 55 tuổi kể từ năm 1945 đến nay).
Quy định về tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi (sau đây gọi tắt là Dự thảo) được thiết kế tại Điều 170: Tuổi nghỉ hưu, gồm 4 khoản: Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu; Người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt có quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu; Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu; Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Riêng khoản 1 có thiết kế 02 phương án:
+ Phương án 1: Kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
+ Phương án 2: Kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 04 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 06 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Trong Điều 187: Tuổi nghỉ hưu, tại Bộ luật Lao động hiện hành đã bao hàm cả tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu, còn tại Điều 170 của Dự thảo không nói tới điều kiện hưởng lương hưu mà chỉ quy định riêng về tuổi nghỉ hưu trong các trường hợp khác nhau và có sự điều chỉnh về tuổi và lộ trình điều chỉnh khác với Điều 187.
Một số nội dung mới tại Điều 170:
- Mốc tuổi nghỉ hưu và lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong điều kiện bình thường
Quy định tại khoản 1 về lựa chọn mốc tuổi nghỉ hưu, Dự thảo đưa ra ba lý do: bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam; tham khảo kinh nghiệm, thông lệ của các quốc gia trên thế giới quy định về xác định tuổi nghỉ hưu; việc nâng tuổi nghỉ hưu nam lên 62 tuổi, nữ 60 tuổi là cần thiết, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai và hầu hết các quốc gia khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều có một lộ trình để thu hẹp dần khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.
Về việc xác định lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cũng quy định tại khoản 1 điều này, dự thảo đề xuất lựa chọn lộ trình điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu (tăng chậm) nhằm tránh gây "sốc" cho thị trường lao động, đồng thời, sẽ có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp. Dự thảo cho rằng, lựa chọn phương án điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể dẫn đến số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đột ngột, gây ra những vấn đề xã hội bức xúc. Cả hai phương án đều hướng tới việc điều chỉnh tuổi chậm, và phương án 1 thỏa mãn tốt hơn hai lý do trên nên dự thảo đề xuất lựa chọn phương án 1.
Đây là cuộc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu lần thứ hai, sau 58 năm, kể từ năm 1961, theo quy định của Điều 42 của Nghị định số 218/HĐCP ngày 27/12/1961, theo đó công nhân, viên chức Nhà nước tuổi nghỉ hưu của nam tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi, tuổi nghỉ hưu của nữ vẫn giữ nguyên tuổi là 55 tuổi kể từ năm 1945 đến nay. Nhìn chung quy định mốc tuổi và lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định của Dự thảo nêu trên là khá hợp lý trong điều kiện hiện này song việc phân tích và lý giải còn chưa thật thuyết phục. Về mốc tuổi nghỉ hưu và lộ trình điều chỉnh, Dự thảo chỉ mới lý giải về tuổi nghỉ hưu bình quân chung cho người lao động tham gia BHXH, theo đó tuổi nghỉ hưu bình quân theo quy định chỉ là 57, tuổi nghỉ hưu bình quân trên thực tế chỉ khoảng 53,5. Dự thảo chưa có phân tích đầy đủ về sự khác nhau giữa tuổi nghỉ hưu theo giới tính và ngành nghề thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Thực vậy, số liệu thống kê của BHXH Việt Nam trong giai đoạn 2007 - 2010, cho thấy tuổi nghỉ hưu thực tế bình quân chung thấp (53,2 tuổi), trong đó nam thấp hơn 5 tuổi so tuổi lao động (55,1 tuổi), nữ thấp hơn 3,4 tuổi so tuổi lao động (51,6 tuổi); tuổi nghỉ hưu thực tế bình quân khu vực doanh nghiệp Nhà nước và ngoài Nhà nước rất thấp (nam 52 tuổi, nữ 49 tuổi); khu vực hành chính sự nghiệp tuổi nghỉ hưu cao, bình quân 55,8 (nam 58,5, nữ 54,1); tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi 60 đối với nam, 55 đối với nữ chiếm tỷ lệ thấp (40,5%); số người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên (nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, tới 52,3%. Chỉ xét riêng lao động nữ làm việc tại khu công nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giầy da, chế biến thủy sản hoặc cạo mủ cao su thì tuổi nghỉ hưu thực tế của họ còn thấp hơn nhiều so với tuổi nghỉ hưu nêu trên. Nếu phương án 1 được đề xuất lựa chọn thì sẽ chỉ khả thi cho việc áp dụng đối lao động khu vực hành chính sự nghiệp.
Mặt khác, về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã nêu: “Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực". Rõ ràng với yêu cầu này các phương án đề xuất của Dự thảo đều đã không tính tới nội dung này. Vì vậy, Dự thảo cần cân nhắc phương án mốc tuổi nghỉ hưu cũng như lộ trình điều chỉnh đối với người lao động trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất và đặc biệt đối với lao động nữ khi mà cần có thêm những đánh giá khách quan và khoa học hơn đối với lao động trong khu vực này.
Theo đó có thể nghiên cứu bổ sung thêm một số phương án sau trên cơ sở thống nhất lựa chọn phương án 1 của Dự thảo đã thể hiện: lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nam kéo dài trong 8 năm và sẽ kết thúc vào năm 2028 và lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ kéo dài trong 15 năm và sẽ kết thúc vào năm 2035. Song cân nhắc bổ sung quy định về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ trực tiếp làm việc trong khu vực sản xuất tại các doanh nghiệp. Theo đó có thể nghiên cứu điều chỉnh lựa chọn một trong 2 phương án sau:
- Kéo dài hơn lộ trình điều chỉnh đối với đối tượng này với mức tăng hàng năm có thể là 03 tháng và lộ trình điều chỉnh kéo dài trong 20 năm, kết thúc vào năm 2040 khi mà điều kiện làm việc, mức sống theo thời gian điều chỉnh đã có những cải thiện căn bản;
- Cũng với số tháng điều chỉnh mỗi năm như Dự thảo đề xuất song mốc tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thuộc khu vực này là 58 tuổi. Sau đó cần có sự đánh giá lại về tác động của việc điều chỉnh này cộng với việc hình thành các chính sách hỗ trợ lao động nữ chuyển đổi nghề đáp ứng yêu cầu kéo dài tuổi làm việc của họ để có luận cứ cho việc điều chỉnh trong giai đoạn sau cho phù hợp.
2. Tuổi nghỉ hưu và lộ trình điều chỉnh với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.
Nội dung này được quy định tại Khoản 2: các đối tượng trên được quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 1 tại thời điểm nghỉ hưu. Điều này có nghĩa kết thúc quá trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là nam thuộc đối tượng trên sẽ nghỉ hưu ở tuổi thấp nhất có thể là 57 tuổi (tăng so với quy định hiện hành 02 tuổi) và nữ sẽ nghỉ hưu ở tuổi thấp nhất có thể là 55 tuổi (tăng so với quy định hiện hành 05 tuổi).
Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thuộc đối tượng này đặc biệt là lao động nữ cần được cân nhắc thêm. Nên có sự đánh giá rà soát lại tuổi nghỉ hưu thực tế của lao động này, trước hết là đối với lao động nữ trong thời gian vì đối tượng này chủ yếu là lao động trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh với các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Cần rà soát lại danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được ban hành từ năm 1995. Trải qua 24 năm với sự thay đổi lớn về công nghệ, quy trình sản xuất theo hướng cải thiện giảm nhẹ các nguy cơ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì cũng cần đưa ra các công việc, nghề khỏi danh mục này (trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và du lịch), đồng thời bổ sung thêm các công việc, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi xuất hiện trong lĩnh vực mới vào danh mục. Theo hướng đó, tuổi nghỉ hưu của lao nữ thuộc đối tượng này sẽ được điều chỉnh dựa trên quy định đề xuất điều chỉnh tăng đối với lao động trực tiếp làm việc trong khu vực sản xuất tại các doanh nghiệp. Theo đó có thể kéo dài hơn lộ trình điều chỉnh với mức tăng hàng năm là 03 tháng, hoặc cùng với số tháng điều chỉnh mỗi năm như trên song mốc tuổi nghỉ hưu thấp nhất có thể của lao động nữ thuộc đối tượng này là 53 tuổi.
Tuy nhiên, tại khoản này, cũng cần xét tới việc quy định tuổi nghỉ hưu đối với những người đủ số năm đóng BHXH bắt buộc bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người lao động có 15 năm làm công việc, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, những người khai thác than trong hầm lò và người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp cho thống nhất với quy định của Luật BHXH hiện hành.
3. Tuổi nghỉ hưu và lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Nội dung này được quy định tại khoản 3, theo đó các đối tượng trên có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định ở khoản 1 tại thời điểm nghỉ hưu. Điều này có nghĩa kết thúc quá trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì nam thuộc đối tượng trên sẽ nghỉ hưu ở tuổi cao nhất có thể là 67 tuổi và nữ sẽ nghỉ hưu ở tuổi cao nhất có thể là 60 tuổi.
Tuy nhiên quy định này có một số điểm cần cân nhắc thêm, đó là:
- Họ có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 1 tại thời điểm nghỉ hưu, tức là đã mặc định họ có quyền làm việc tiếp với thời gian cao nhất có thể là 5 năm tại thời điểm lao động nam 62 và lao động nữ 60 tuổi mặc dù nơi họ làm việc không có nhu cầu. Điều đó sẽ làm khó khăn cho người sử dụng lao động. Vì vậy quy định này nên thiết kế như khoản 3 Điều 187 của Bộ luật Lao động hiện hành thay vì “quyền” bằng cụm từ “có thể”.
- Hiện tại hướng dẫn khoản 3 Điều 187 về tuổi nghỉ hưu của Bộ Luật lao động hiện hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015, theo đó một số đối tượng là cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh quản lý có tuổi nghỉ hưu không quá 60 tuổi song Nghị định mới chỉ đề cập tới nâng tuổi nghỉ hưu cho một số chức danh quản lý là nữ mà chưa điều chỉnh tới người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và thực hiện việc điều chỉnh không theo lộ trình từng năm như quy định tại Dự thảo. Vấn đề đặt ra, khi Điều 170 của Dự thảo có hiệu lực thì quy định tại Nghị định này được xem xét như thế nào?
- Cùng việc ban hành Nghị định 53/2015/NĐ-CP nêu trên, ngày 24/10/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học, theo đó tại khoản 2 Điều 9 có quy định: “Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ không quá 5 năm, đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm”. Mặt khác, tại Nghị định 53/2015/ND-CP tại khoản 3 Điều 6 có quy định: “Bãi bỏ các quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức đã ban hành trái với quy định của Nghị định này”. Song trong thực tế, quy định tại Điều 9 Nghị định 141 vẫn đang được thực hiện. Hiện trạng này, cũng cần được cân nhắc thêm khi thiết kế quy định khoản 3 của Dự thảo.
- Tham khảo kinh nghiệm một số nước, người ta thường có quy định riêng cho một số trường hợp đặc biệt và được thể hiện dưới tiêu đề các nhóm chịu sự điều chỉnh của các nguyên tắc đặc biệt như ở Anh bao gồm các nhóm: công chức cao cấp thuộc các Bộ, các cơ quan hành pháp; Ở Tây Ban Nha là các nhóm quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên của lực lương an ninh quốc gia có tuổi nghỉ hưu đến 65, các thẩm phán, Ủy viên công tố là 70 tuổi, các giáo sư đại học nghỉ hưu từ độ tuổi 65-70, công chức nghị viên nghỉ hưu độ tuổi 65; Ở Mỹ tuổi nghỉ hưu của thẩm phán là không giới hạn….
Vì vậy, ở khoản 3 có thể thiết kế thành 2 tiết:
(a) Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và người lao động làm công tác quản lý có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu.
(b) Trường hợp đặc biệt, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 07 tuổi so với quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu.
Quy định nêu tại tiết b sẽ cho phép tuổi nghỉ hưu của các giáo sư, các chuyên gia đầu ngành trong một số lĩnh vực then chốt…. sẽ nghỉ hưu ở tuổi cao quy định tại tiết a nêu trên.
TS. Phạm Đỗ Nhật Tân
TAG: