Cấp hàng chục nghìn tấn gạo hỗ trợ cho học sinh “Vùng khó” trong năm học mới
(LĐXH) - Ngay trong những ngày đầu khai giảng năm học mới 2019 - 2020, trên nửa triệu học sinh nghèo cả nước đã được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ.
"Ngay trong những ngày đầu khai giảng năm học mới 2019 - 2020, trên nửa triệu học sinh nghèo cả nước đã được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ” – Ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi thêm thông tin với phóng viên về chính sách này.
PV: Thưa ông, được biết, ngay trong những ngày đầu khai giảng năm học mới 2019 - 2020, trên nửa triệu học sinh nghèo cả nước đã được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ. Xin ông cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ cấp gạo cho học sinh các địa phương, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai những nhiệm vụ cụ thể gì?
Ông Lê Văn Thời: Để triển khai thực hiện cấp gạo hỗ trợ cho học sinh theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ, ngày 08/8/2019 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1360/QĐ-BTC về giao nhiệm vụ cho Tổng cục DTNN xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho học sinh trong năm học 2019-2020.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 12/8/2019, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định số 456/QĐ-TCDT giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN KV thực hiện xuất 39.664.954 kg gạo để hỗ trợ cho khoảng trên 560.000 học sinh học sinh của 46 tỉnh, thành phố trong học kỳ I năm học 2019-2020.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ cấp gạo cho học sinh các địa phương, Tổng cục DTNN đã quán triệt, giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN khu vực xuất gạo chủ động kiểm tra chất lượng gạo xuất kho, bố trí phương tiện vận chuyển, bốc xếp để có thể sẵn sàng vận chuyển, giao gạo ngay theo đúng kế hoạch phân bổ của Ủy ban nhân dân các tỉnh; Liên hệ, làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh để sớm có kế hoạch phân bổ gạo cụ thể cho các em học sinh, nhất là đối với một số địa phương khu vực miền núi có thời gian khai giảng sớm (trong tháng 8/2019), trong đó về thời gian giao nhận gạo thực hiện 02 lần/học kỳ (04 lần/năm học) và hoàn thành giao gạo cho học kỳ I kết thúc trước ngày 30/11/2019.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Tổng cục DTNN cũng đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh và các đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo hỗ trợ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình phân bổ, tiếp nhận, quản lý, sử dụng, bảo quản gạo; trong quá trình giao, nhận gạo, các bên (đơn vị DTNN giao gạo và đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo) phối hợp thực hiện lập Biên bản giao, nhận gạo (theo đúng mẫu biên bản quy định về giao, nhận gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các địa phương); tổ chức lấy mẫu gạo và thống nhất niêm phong mẫu gạo (có xác nhận của các bên); mẫu gạo được lưu giữ, quản lý, bảo quản tại bên giao, bên nhận để đối chứng trong trường hợp có phản ánh về chất lượng gạo.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác tác tuyên truyền, giải thích đến các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về mục đích, ý nghĩa của các chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ; tiêu chuẩn, chất lượng, phương thức bảo quản gạo dự trữ quốc gia; tư vấn, hướng dẫn công tác bảo quản gạo dự trữ quốc gia sau khi tiếp nhận để bảo đảm an toàn chất lượng trong suốt thời gian sử dụng để phối hợp thực hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh (nếu có).
PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác phân bổ, tiếp nhận, sử dụng, quản lý, bảo quản gạo hỗ trợ trong thời gian qua ?
Ông Lê Văn Thời: Trong thời gian qua, để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng gạo của các địa phương, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc (Vụ Chính sách Dân tộc), Bộ Giáo dục & Đào tạo (Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên) và Văn phòng Chính phủ (Vụ Khoa giáo - Văn xã) trực tiếp đi kiểm tra công tác phân bổ, tiếp nhận, sử dụng, quản lý, bảo quản gạo của các em học sinh tại một số địa phương.
Qua công tác trực tiếp kiểm tra và tổng hợp báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh cho thấy việc quản lý, sử dụng, bảo quản gạo tại các địa phương ngày càng được quan tâm; tại các địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Giáo dục & Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo của các huyện trực tiếp phối hợp với đơn vị dự trữ quốc gia để tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phân phối, tiếp nhận gạo hỗ trợ từ trung tâm các huyện, thị xã đến các trường để cấp phát gạo cho học sinh; tại một số trường học đã thành lập các Tổ kiểm tra công tác phân phối, sử dụng, quản lý, bảo quản gạo với sự tham gia của Ban phụ huynh học sinh, thầy cô giáo và chính quyền địa phương, đồng thời bố trí cán bộ chuyên môn trực tiếp theo dõi, kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng gạo (thực hiện lấy mẫu gạo khi tiếp nhận, tổ chức lưu giữ mẫu tại các bên để làm cơ sở đối chứng trong các trường hợp có tranh chấp). Do vậy, trong thời gian qua, gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các em được quản lý chặt chẽ, an toàn chất lượng, sử dụng đúng đối tượng, định mức.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số hạn chế như do điều kiện cơ sở vật chất tại một số trường còn khó khăn, không có kho bảo quản gạo chuyên dụng nên công tác lưu giữ, bảo quản gạo còn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng gạo hỗ trợ nhất là đối với mộ số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
PV: Để việc tổ chức thực hiện cấp phát gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho cho các địa phương trong thời gian tới được thuận lợi và đạt được kết quả tốt hơn, cần có những giải pháp gì, thưa ông?
Ông Lê Văn Thời: Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong thời gian qua Tổng cục DTNN đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức triển khai xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, thiếu đói giáp hạt, dịp Tết Nguyên đán; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các Dự án nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng; hỗ trợ học sinh các địa phương ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia hỗ trợ cho mỗi đối tượng, Dự án, chương trình mục tiêu tại mỗi thời điểm mang ý nghĩa khác nhau, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với nhân dân các địa phương trong lúc gặp khó khăn về lương thực, giúp họ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ biên cương, tổ quốc; giúp học sinh, nhà trường giảm bớt khó khăn về lương thực, yên tâm học tập, giảng dạy ngay từ những ngày đầu khai giảng năm học mới.
Để bảo đảm sử dụng, phát huy có hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ từ nguồn gạo dự trữ quốc gia, trong thời gian tới Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện một số giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn phụ trách để tổ chức triển khai thực hiện việc hỗ trợ gạo từ khâu rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách đến khâu xuất cấp, quản lý, bảo quản, sử dụng gạo đến từng đối tượng thụ hưởng; bảo đảm tuân thủ theo đúng quy trình, trình tự và quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia.
Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát quá trình phân bổ, quản lý, sử dụng gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các địa phương; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng đối tượng, mục đích và quy định của pháp luật.
Thứ ba, căn cứ ý kiến tham gia, đề xuất của các địa phương trong thực tế tổ chức triển khai hỗ trợ gạo, Tổng cục DTNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính kịp thời tham mưu trình Chính phủ trong việc sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia ngày càng hiệu quả hơn; đặt biệt chú trọng việc rà soát, sửa đổi, xây dựng cơ chế, chính sách có sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với thực tế, không trùng lặp chính sách hỗ trợ khác và tuân thủ theo đúng quy định của Pháp luật.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp đề xuất của các địa phương liên quan đến điều chỉnh, bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách bảo đảm phù hợp hơn theo đặc thù của từng vùng, miền và điều kiện cụ thể của các địa phương.
Hồng Sâm
TAG: