Cao Bằng: Tạo sinh kế giúp giảm nghèo bền vững cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(LĐXH) – Thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tỉnh Cao Bằng đã tích cực hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, xây dựng mô hình giảm nghèo…
Theo trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng, song song với việc thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thời gian qua, tỉnh cũng đã hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, xây dựng mô hình giảm nghèo. Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn Chương trình 135 và các chính sách dân tộc, tỉnh đầu tư gần 1.500 tỷ đồng xây dựng 1.170 công trình giao thông, điện sinh hoạt và nước sạch phục vụ sinh hoạt, công trình thủy lợi ở vùng khó khăn. Thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, máy móc thiết bị, công cụ sản xuất, phân bón các loại, thức ăn chăn nuôi, làm chuồng gia súc, lò sấy, tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, chăn nuôi gà công nghiệp, chăn nuôi lợn đen, kỹ thuật tiêm, phòng, chống đói rét cho trâu, bò với hơn 120.000 lượt hộ tham gia.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các loại cây trồng, vật nuôi khác phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương như: dong riềng, nghệ, gừng, hồi, quế, keo lai, xoan, sa mộc. Qua đó cải thiện, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 4 - 5%.
Huyện Hạ Lang là địa phương có nhiều thành tích trong công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho bà con. Theo đó, thực hiện nhiệm vụ này, huyện đã giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện vốnnăm 2019 với tổng số kinh phí thực hiện: Chương trình 30a là 8.095 triệu đồng; chương trình 135 là 700 triệu đồng (phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế 200triệu đồng, nhân rộng mô hình giảm nghèo 500 triệu đồng), gồm các dự án; Trồng trọt, chăn nuôi, nhân rộng mô hình và hỗ trợ chăm sóc bảo vệ rừng.
Hay như tại huyện Thạch An (Cao Bằng), năm 2019, huyện này đã phối hợp với Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng hỗ trợ 100% giống lạc L14, 50% vôi trồng trên 160 ha lạc.
Trong quá trình thực hiện, các đơn vị phối hợp tập huấn quy trình kỹ thuật cho các hộ tham gia và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đồng thời kiểm tra, hướng dẫn các hộ trồng, chăm sóc, thu hoạch lạc theo đúng quy trình kỹ thuật, quản lý dịch hại và tuyên truyền, vận động các hộ tham gia thực hiện đúng hợp đồng.
Sau gần 2 năm thực hiện hỗ trợ trồng lạc với phương thức Nhà nước đầu tư, cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho người dân, đến nay, diện tích trồng lạc của huyện tăng lên trên 200 ha; năng suất trung bình ước đạt 5 tấn/ha. Lạc được trồng nhiều tại các xã: Lê Lai, Đức Xuân, Vân Trình, Đức Long, Thụy Hùng...
Vân Trình là một trong những xã có diện tích trồng lạc nhiều nhất trên địa bàn huyện. Trước đây, cây lạc được bà con địa phương trồng rải rác với diện tích nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình. Sau khi nhận thấy lạc là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, năng suất cao hơn so với cây lúa, ngô, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, không tốn nhiều công chăm sóc, giá cả ổn định nên những năm gần đây, diện tích cây lạc không ngừng được mở rộng. Hiện 9/9 xóm đều trồng lạc với diện tích trên 62 ha.
Chị Nguyễn Thị Nhi, xóm Bản Cắn, xã Vân Trình cho biết: "Gia đình tôi trồng lạc từ lâu nhưng mấy năm gần đây tăng diện tích trồng nhiều hơn, mỗi năm trồng 2 vụ. Vụ hè thu năm nay, gia đình tôi trồng gần 4.000 m2 lạc giống L14 và giống lạc trắng truyền thống. Trên cùng một diện tích so với trồng ngô, lúa, lạc đem lại thu nhập cao hơn gấp 2 lần. Sau khi trừ chi phí, gia đình đạt thu nhập trên 30 triệu đồng".
Từ hiệu quả kinh tế cây lạc mang lại đã thay đổi căn bản đời sống của người dân, năm 2019, hộ nghèo của huyện giảm còn 6,67%. Việc trồng cây lạc có khả năng nhân rộng ra các xã khác trong toàn huyện, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh đạt 19,3 triệu đồng/năm, đến hết năm 2019 đạt 30,7 triệu đồng/năm.
Minh Hưng
TAG: